.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư sản xuất trang thiết bị cho lực lượng PCCC

Cập nhật: 21:55, 29/03/2023 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên nguồn lực đầu tư cho việc sản xuất trang thiết bị để trang bị tốt nhất có thể cho các lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, an toàn hơn.

a
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu khi đến thăm và làm việc với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chiều 29-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến thăm và làm việc với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.

Cùng dự buổi làm việc có Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy.

a
Phó Thủ tướng xem các hình ảnh về công tác CNCH - Ảnh: VGP/Hải Minh

Bình quân mỗi năm có 2.000 vụ cháy, thiệt hại ước tính 500 tỷ đồng

Báo cáo tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 1.741 vụ cháy, làm chết 110 người, bị thương 86 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 634,077 tỷ đồng và 1.532,69 ha rừng.

So với năm 2021, số vụ cháy giảm 504 vụ (22,45%), tăng 25 người chết, giảm 44 người bị thương, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính tăng 259,657 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2022 xảy ra 3.449 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện; sự cố cháy trong nhà dân và cháy cỏ, rác.

Trong quý I/2023, toàn quốc xảy ra 409 vụ cháy, làm chết 19 người, bị thương 11 người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 22,09 tỷ đồng.

Cả nước ghi nhận 1.311 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác.

So với quý I/2022, tình hình cháy giảm cả 3 tiêu chí, cụ thể: Số vụ cháy giảm 34 vụ (-7,67%, 409/443 vụ); giảm 5 người chết (17/21 người); giảm 14 người bị thương (11/25 người); thiệt hại về tài sản giảm 35,83 tỷ đồng (22,09/57,92 tỷ đồng).

Trong những năm gần đây, theo thống kê bình quân mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 500 tỷ đồng, làm 90 người chết và 120 người bị thương.

Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 30 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, mặc dù số vụ chỉ chiếm khoảng 1% tổng số nhưng thiệt hại về tài sản do các vụ cháy lớn gây ra chiếm tới trên 70% tổng thiệt hại.

Các số liệu phân tích, thống kê cho thấy cháy nhà dân chiếm trên 60%, nhất là loại hình nhà dân kết hợp vừa để ở vừa sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ, đây cũng là loại hình thường gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người khi cháy xảy ra. Cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản chủ yếu xảy ra tại các cơ sở trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có các mặt hàng dễ cháy như nông sản, dệt may, gỗ, mút xốp, bao bì, cháy chợ...

Theo Thông tư số 11/2023/TT-BCA ngày 01-3-2023 của Bộ trưởng Bộ Công an, tất cả các vụ, sự cố liên quan đến cháy sẽ được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân theo tiêu chí của các vụ cháy nhằm đánh giá đúng bản chất tình hình để đề ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp.

a
Phó Thủ tướng nghe giới thiệu về trang thiết bị PCCC và CNCH - Ảnh: VGP/Hải Minh

Thực hiện 3.000 vụ cứu nạn, cứu hộ mỗi năm

Theo Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, trung bình mỗi năm lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp tổ chức 3.000 vụ CNCH trong đám cháy, dưới nước, sự cố và tai nạn phương tiện giao thông, sự cố và tai nạn trên cao, sự cố và tai nạn dưới hang hầm, giếng sâu, sự cố và tai nạn sập đổ công trình...

Năm 2022, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp tham gia 2.713 vụ CNCH; hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, trực tiếp tổ chức cứu được 701 người và tìm được 753 thi thể nạn nhân (do các vụ như tai nạn giao thông, đuối nước, tự tử…) bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Qua nắm bắt theo dõi tình hình còn hàng trăm vụ sự cố, tai nạn nhỏ khác được quần chúng nhân dân, lực lượng tại chỗ tổ chức thực hiện nhưng không có báo cáo về cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH để tổ chức thống kê.

Trong Quý I-2023, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp tham gia 212 vụ CNCH, tổ chức cứu được 116 người; tìm kiếm được 127 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

a
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã kịp thời cử lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong trận động đất vừa qua - Ảnh: VGP/Hải Minh

Còn tình trạng chủ đầu tư chấp hành pháp luật về PCCC chưa nghiêm

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh cho rằng công tác PCCC và CNCH còn khó khăn bất cập do nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về công tác PCCC và CNCH chưa cao.

Còn tình trạng một số chủ đầu tư không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng, tự ý đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

Hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC và CNCH chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH.

Tốc độ đô thị hoá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều bất cập, nhiều công trình cũ, xuống cấp vẫn còn tồn tại dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn; mạng lưới đường xá nội đô nhỏ hẹp, bị cản trở, nhiều ngõ ngách sâu ảnh hướng đến quá trình di chuyển cơ động của các loại phương tiện tham gia chữa cháy, CNCH khi có vụ việc xảy ra.

Việc đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và CNCH, trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn khiêm tốn, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ; nhiều địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, phải phụ thuộc vào ngân sách Trung ương nên nguồn ngân sách cho hoạt động PCCC và CNCH còn hạn chế.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt, không ít nơi bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách.

Tăng thời lượng tuyên truyền về PCCC trong "giờ vàng"

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của lực lượng PCCC và CNCH trong thời gian qua, nhấn mạnh đây là những công việc được thực hiện rất khẩn trương, trong điều kiện khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã kịp thời cử lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong trận động đất vừa qua, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế về tính chuyên nghiệp, sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và năng lực của các lực lượng cứu hộ của Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong điều kiện các hoạt động kinh tế ngày càng gia tăng, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và nhanh hơn dự báo, trang thiết bị còn khiêm tốn, nhiệm vụ của các lực lượng PCCC và CNCH sẽ ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi lực lượng làm công tác này phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt trọng trách được giao.

Phó Thủ tướng gợi ý cần nghiên cứu cơ chế phối hợp nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác PCCC và CNCH; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về PCCC; chuẩn bị thật tốt các dự án đầu tư trong lĩnh vực PCCC để kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên nguồn lực đầu tư cho việc sản xuất trang thiết bị để trang bị tốt nhất có thể cho các lực lượng làm công tác PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, an toàn hơn.

Về công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng gợi ý cần tăng cường tuyên truyền vào "giờ vàng", với tần suất cao hơn bằng những nội dung thông tin xúc động nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCCC.

Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn PCCC cho người dân để khi sự cố xảy ra, có thể phối hợp tốt với các lực lượng PCCC và CNCH nhanh chóng xử lý, Phó Thủ tướng phát biểu.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ các lực lượng PCCC và CNCH hoàn thành tốt trọng trách hết sức đặc biệt liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, trong đó tính mạng của con người là vô giá, Phó Thủ tướng khẳng định./.

Theo baochinhphu.vn
 

 

.
.
.