Thêm tự hào về mảnh đất quê hương
Bia căm thù” ở ấp Hòa Mỹ (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), địa điểm ghi dấu sự kiện Mỹ, ngụy đã bắn chết 34 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân 2 xã Bình Ninh và Bình Phục Nhì (nay chia tách thành xã Bình Ninh và xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây). Đây là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh.
QUÁ KHỨ HÀO HÙNG
Theo tư liệu lịch sự đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Ninh ghi lại: Từ đầu năm 1960, phong trào quần chúng các xã trên địa bàn huyện Chợ Gạo nổi dậy đồng khởi, đánh thức phong trào cách mạng của quần chúng.
Cán bộ và nhân dân xã Bình Ninh đặt tràng hoa, thắp hương tại “Bia căm thù” vào lúc 14 giờ ngày 17-4-2023. |
Cuối năm 1960, tại nhà đồng chí Đỗ Hồng Châu (Sáu Lược), ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh tổ chức 1 cơ sở sản xuất vũ khí thô sơ do các đồng chí Sáu Lược, Năm Chắc đảm nhận rèn dao găm, mã tấu, làm chông sắt phục vụ cho đánh địch. Phong trào quần chúng “nổi trống mõ” ở Bình Ninh kéo dài đến đầu năm 1961, càng về sau nhân dân càng tích cực hưởng ứng đông hơn đều khắp các ấp Hòa Mỹ, Hòa Quới.
Chi bộ lãnh đạo lực lượng tự vệ ấp, quần chúng thanh niên tích cực chuẩn bị súng bập dừa, mỗi chiều có 40 đến 50 người tổ chức diễu hành trong địa hình từ Vàm Giồng lên Hòa Mỹ, Hòa Quới để biểu dương lực lượng tác động địch. Đêm đến lực lượng tự vệ, thanh niên đánh trống mõ kéo sát trụ sở tề và đồn lính ở đình Hòa Thạnh.
Địch trong đồn nằm yên, có lúc chúng bung ra, cũng chỉ ở ngoài đồng bắn xả vào địa hình đối phó quần chúng đánh trống mõ. Chúng bắn vào nơi này thì nơi khác đánh trống mõ còn tích cực hơn. Phong trào quần chúng nổi dậy cuối năm 1960 đầu năm 1961 hết sức mạnh mẽ tạo thuận lợi lớn cho công tác xây dựng và phát triển lực lượng.
Ngày 17-3-1961, xã Bình Phục Nhì của Gò Công tổ chức đánh bắt tên cảnh sát Thới. Ta giải tên Thới qua Hòa Quới - Hòa Mỹ dự định chuyển qua Tân Thới thì bị địch phát hiện hướng đi. Đến 2 giờ chiều cùng ngày, địch đưa bảo an Hòa Đồng do tên tổng Long chỉ huy phối hợp với bảo an Chợ Gạo do tên Thiếu úy Pho chỉ huy càn vào Bình Ninh, tập trung điểm ở khu vực Vàm Giồng để giải thoát cho tên Thới.
Trong lúc đó, tại Vàm Giồng đang có một lớp huấn luyện quân sự cho du kích xã. Trước quy mô càn của dịch, lực lượng Bình Phục Nhì buộc nổ súng diệt tên Thới, một số lực lượng của ta có ghe đã tản qua được Tân Thới. Số lớn còn lại là du kích tư vệ xã và quần chúng nhân dân xã Bình Ninh, Bình Phục Nhì bị địch dồn từ Hòa Lợi Tiểu, Hòa Thạnh xuống, từ hướng Hòa Đồng lên dọc bờ sông Vàm Giồng, địch bắt và bắn tại chỗ 34 người, đây là cuộc thảm sát lớn đầu tiên ở huyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
“ĐỊA CHỈ ĐỎ” GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
Hằng năm, cứ vào 14 giờ ngày 17-4, đoàn lãnh đạo xã, ấp, toàn thể cán bộ, lực lượng xã Bình Ninh đều đến đặt tràng hoa, thắp hương trước “Bia căm thù” và năm nay cũng vậy. Nhiều nhân chứng là các cựu chiến binh, cựu tù chính trị đã thuật lại vụ thảm sát kinh hoàng trên, có người không cầm được nước mắt khi nhớ lại ngày ấy ngập ngụa máu và xác người.
Học sinh thắp hương tại “Bia căm thù” xã Bình Ninh vào chiều ngày 17-4-2023. |
Chú Từ Quang Xây nhớ lại: “Tôi là người dân ở đây, năm 1961, tôi khoảng 10 tuổi nên vẫn nhớ buổi chiều ngày 17-4-1961, mọi người nghe tiếng súng nổ rân trời. Một số người dân ở xa cả cây số đã hoảng loạn di tản. Một cảnh kinh hoàng, thương tâm diễn ra trước mắt, người chết nằm la liệt trên bờ, dưới nước, tiếng kêu khóc vang động cả vùng. Người dân trong ấp Hòa Mỹ ra bờ Vàm Giồng khiêng 34 người đem chôn cất”.
Ngày nay, ngã ba Vàm Giồng mua bán nhộn nhịp, đặc biệt là đang được đầu tư mở rộng tuyến đường, xây dựng cầu Vàm Giồng… khó mà hình dung được nơi đây từng đỏ cả một dòng sông máu và nước mắt. Chú Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Ninh chia sẻ: “Từ ngay sau ngày thảm sát đó, lòng căm thù giặc trong dân càng tăng gấp bội, rất nhiều trai tráng trong làng, gia đình sẵn sàng tiễn chồng, con lên đường đến với cách mạng. Bản thân tôi là cựu chiến binh, việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho thế hệ trẻ về những hy sinh, mất mát trong chiến tranh để giành lại độc lập cho dân tộc; từ đó quyết tâm học tập trở thành người có ích xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp”.
Bí thư Xã đoàn Bình Ninh Nguyễn Thị Ngọc Hân cho biết: “Bản thân cũng như các bạn đoàn viên, thanh niên của xã rất tự hào về ý chí kiên cường của quân và dân ta không khuất phục trước “mưa bom bão đạn” của kẻ thù. Đoàn viên, thanh niên xã Bình Ninh sẽ luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ra sức học tập, lao động, tiếp tục phát huy sức trẻ xây dựng, phát triển quê hương, đất nước”.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh Nguyễn Tấn Tài, “Bia căm thù” tại xã Bình Ninh được xây dựng năm 1993, diện tích 420 m2, cao 4,2 m, cấu trúc bê tông cốt thép, có hình ngọn lửa đang cháy. Dù “Bia căm thù” nay đã xuống cấp nhưng vẫn còn in rõ hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ dũng cảm cầm súng chiến đấu. Phía bên phải có ghi dòng chữ: “Vào lúc 2 giờ chiều ngày 17 tháng tư năm 1961 Mỹ, nguỵ đã gây ra cuộc thảm sát 34 người dân vô tội của Bình Ninh và Bình Phục Nhì”.
“Bia căm thù” ghi dấu lịch sử rất đáng trân trọng. Các thế hệ hôm nay cần phải ghi nhớ, gìn giữ. Xã Bình Minh đã có kế hoạch xây dựng lại “Bia căm thù”, nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thể hiện lòng tri ân đối với các thế hệ chiến sĩ cách mạng; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khí phách cách mạng cho các thế hệ mai sau.
P. MAI