BÀI 2: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động
Qua theo dõi hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là ĐBQH tỉnh) ở nhiều diễn đàn của Quốc hội (QH) cũng như các hoạt động tại địa phương cho thấy, các ĐBQH trong Đoàn phấn đấu không ngừng, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ vào sự thành công chung đối với hoạt động của QH và nhiều vấn đề quan trọng ở địa phương. Song, Đoàn ĐBQH tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định cần khắc phục để phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.
HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn tổ chức và hoạt động của ĐBQH cũng cho thấy còn nhiều hạn chế đối với việc thực hiện vai trò là người đại diện nhân dân, nhất là ĐBQH kiêm nhiệm. Đó là còn khó khăn trong bố trí thời gian, các điều kiện hợp lý để đại biểu thực hiện nhiệm vụ với tư cách cá nhân của đại biểu, lúng túng trong theo dõi, đôn đốc, giải quyết các khiếu nại và kiến nghị của cử tri. Một số đại biểu chưa chủ động đề xuất nội dung giám sát, đưa ra sáng kiến lập pháp hoặc tự giám sát những vấn đề mình quan tâm...
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phụ vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP. Mỹ Tho |
Đánh giá về một số hạn chế của Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Danh cho rằng, việc triển khai chương trình công tác của Đoàn ĐBQH tỉnh có lúc còn bị động; triển khai các chuyên đề giám sát chủ yếu theo chỉ đạo của QH, Ủy ban Thường vụ QH.
Việc giám sát, khảo sát việc thi hành pháp luật ở địa phương từ nắm bắt tình hình thực tiễn, kiến nghị của cử tri chưa nhiều. Đoàn ĐBQH tỉnh chưa chủ động trong thực hiện kế hoạch giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Sự phối hợp của Đoàn ĐBQH với UBND tỉnh đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền QH, Ủy ban Thường vụ QH, cơ quan của QH liên quan đến địa phương có lúc chưa chủ động như việc thực hiện Nghị quyết 74 của QH về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc giám sát, thẩm tra, xây dựng chương trình công tác của các Ủy ban của QH, của Kiểm toán...
Một số nội dung thực hiện Nghị quyết liên tịch 525 giữa Ủy ban Thường vụ QH với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chưa chặt chẽ; thực hiện tiếp xúc cử tri (TXCT) nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc theo chuyên đề chưa nhiều; việc tổ chức làm việc với Thường trực HĐND, UBND, MTTQ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân nhằm chuẩn bị nội dung trước kỳ họp QH thực hiện mới đạt kết quả bước đầu...
Công tác lấy ý kiến trong xây dựng văn bản pháp luật, những vấn đề quan trọng của đất nước; chương trình, dự án thuộc thẩm quyền của QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.... kết quả chưa như mong muốn; hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến đóng góp chưa cao, một số cơ quan, đơn vị ít quan tâm, đầu tư góp ý, chủ yếu nêu thống nhất với văn bản dự thảo…
Khách quan mà nói, hệ thống chính sách và pháp luật đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với xu thế hội nhập, xu thế phát triển chung của thế giới và sự phát của kinh tế - xã hội (KT-XH) Việt Nam, nên yêu cầu nhiệm vụ đối với hệ thống chính trị, đối với từng cơ quan ngày càng nhiều và càng cao.
Trung ương đang đẩy mạnh sự phân cấp về cho địa phương nên số lượng công việc của tỉnh ngày càng nhiều về lĩnh vực và chi tiết về nội dung, nên đòi hỏi các cơ quan dân cử nói chung và ĐBQH tỉnh nói riêng phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, đề ra các giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân.
PHÁT HUY HƠN NỮA VAI TRÒ ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trong chương trình công tác cũng như kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hằng năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đều nhìn nhận, đánh giá những hạn chế còn tồn tại, đề ra nhiều giải pháp khắc phục nhằm phát huy hơn nữa vai trò đại biểu nhân dân.
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây. |
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tạ Minh Tâm, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác xây dựng văn bản pháp luật, công tác tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh; công tác giám sát, kiểm tra; công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc, cơ quan trực thuộc tích cực đầu tư nghiên cứu, chủ động tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến xây dựng luật; kịp thời phản ánh đến Đoàn ĐBQH tỉnh để kiến nghị đến cơ quan Trung ương những vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng xây dựng văn bản pháp luật.
Cùng với đó là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức TXCT, tăng cường TXCT chuyên đề, ưu tiên tiếp xúc ở những địa phương có vấn đề nổi cộm, bức xúc; nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri; quan tâm đến tiến độ và chất lượng trả lời; giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần.
Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các cơ quan phối hợp sắp xếp thời gian tham dự đầy đủ các buổi tiếp xúc để trực tiếp trả lời các nội dung kiến nghị của cử tri, kịp thời nắm bắt và xử lý các vấn đề bức xúc, tránh để xảy ra “điểm nóng”, đảm bảo thông tin phản hồi kịp thời, chính xác và đầy đủ, có sức thuyết phục để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong tham gia xây dựng chính quyền. Trong xây dựng Chương trình giám sát và tổ chức các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, MTTQ tỉnh để tránh trùng lắp về nội dung giám sát, nâng cao hiệu quả giám sát.
Để nâng cao chất lượng hoạt động cũng như phát huy hơn nữa vai trò của các ĐBQH tỉnh trong thời gian tới, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy KT-XH phát triển, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân cho rằng, Đoàn ĐBQH tỉnh là một kênh hiệu quả để giải quyết những khó khăn vượt ngoài thẩm quyền của tỉnh.
Bởi thời gian qua, tỉnh đã có những trường hợp các ngành kiến nghị về Trung ương với hàng loạt văn bản kéo dài nhiều năm nhưng không được giải quyết, nhưng khi gửi Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến ở các diễn đàn Quốc hội thì nhanh chóng được giải quyết.
Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ngành tỉnh nắm bắt những khó khăn, bất cập từ cơ chế, chính sách gây khó khăn cho địa phương trong thực hiện để tranh thủ các kỳ họp QH hoặc các diễn đàn của QH có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương kịp thời gỡ khó, tạo điều kiện để thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển, tạo niềm tin cho cử tri vào cơ quan dân cử.
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Danh chỉ đạo Đoàn ĐBQH tỉnh: Nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai chương trình công tác của Đoàn ĐBQH; phát huy cho được vai trò các ĐBQH ở địa phương. Tập trung công tác giám sát, khảo sát; thực hiện tốt các chuyên đề theo chỉ đạo của QH, Ủy ban Thường vụ QH; đồng thời, quan tâm các vấn đề nổi lên từ thực tiễn địa phương và các vấn đề cử tri có nhiều kiến nghị.
Chủ động hơn trong công tác TXCT, tiếp công dân; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, MTTQ, các ngành liên quan nhằm chuẩn bị nội dung phục vụ chương trình công tác của QH, Ủy ban Thường vụ QH; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH.
Trong đó, chú trọng các chương trình, dự án, phần việc có liên quan đến địa phương. Cần linh hoạt hơn nữa trong lấy ý kiến các ngành, cơ quan liên quan, các đối tượng chịu sự tác động công tác lấy ý kiến xây dựng văn bản pháp luật, những vấn đề quan trọng của đất nước; chương trình, dự án thuộc thẩm quyền của QH, Ủy ban Thường vụ QH...
Tiếp tục kiến nghị các cơ quan Trung ương về ý kiến, kiến nghị của cử tri, của người dân, của tỉnh nhà; các kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh chưa được xem xét, giải quyết… để phát huy hơn nữa vai trò người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
THU HOÀI