.

Hiệu quả từ quy chế phối hợp đã xử lý nhiều vấn đề quan trọng

Cập nhật: 21:47, 05/04/2023 (GMT+7)

(ABO) Qua hơn 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Tiền Giang, nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh, nhất là những vấn đề “nóng” cử tri quan tâm được 4 đơn vị phối hợp giải quyết mang lại kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.

* CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN VĂN VĨNH: PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NHỊP NHÀNG, ĐÚNG QUY ĐỊNH

Thời gian qua, UBND tỉnh nghiêm túc thực hiện nội dung quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Công tác xây dựng văn bản pháp luật, phối hợp tổ chức các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri, giám sát, trả lời các kiến nghị của cử tri… đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, công tác phối hợp trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân giữa Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh ngày càng hiệu quả, thiết thực, giúp các cơ quan của tỉnh có tiếng nói chung trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Việc tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh. Trong năm, UBND tỉnh nhận 7 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do các cơ quan khác chuyển đến như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Đoàn ĐBQH tỉnh. Quá trình xử lý, chỉ đạo giải quyết và kết quả giải quyết đều có báo cáo phản hồi đến các cơ quan chuyển đơn để theo dõi, trả lời cho công dân.

dt2.jpg
 

Kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền: Thụ lý giải quyết 90 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong đó, phát sinh trong năm là 79 đơn, kỳ trước chuyển sang 11 đơn. Kết quả đã giải quyết 81/90 đơn, đạt tỷ lệ 90%, còn 9 đơn (7 đơn khiếu nại, 2 đơn tố cáo), trong đó đã có báo cáo thẩm tra xác minh 7 đơn, trong thời hạn thẩm tra xác minh 2 đơn. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị trả lại cho 2 cá nhân 90 triệu đồng và bồi thường giá trị 76,9 m2 đất; kiến nghị thu hồi cho nhà nước 431,75 triệu đồng; kiến nghị trả lại cho cá nhân, tổ chức 11,04 triệu đồng; trả lại quyền lợi cho 3 tổ chức, 3 cá nhân; kiến nghị xử lý hành chính 29 cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 2 quyết định liên quan xử lý kỷ luật, 27 kiểm điểm.

UBND tỉnh đã báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo về Đoàn ĐBQH tỉnh định kỳ hằng tháng để Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu, tổng hợp báo cáo về Ban Dân nguyện theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với việc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, định kỳ 6 tháng, cuối năm, UBND tỉnh báo cáo bằng văn bản trình trước kỳ họp HĐND tỉnh về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh.

Các yêu cầu, kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan tiếp thu, thực hiện, góp phần tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật, công tác quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước, tạo sự đồng thuận cao giữa Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh và các cơ quan được giám sát.

* PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH CHUYÊN TRÁCH TỈNH TIỀN GIANG TẠ MINH TÂM: PHỐI HỢP THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Thực hiện Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2026 giữa 4 đơn vị gồm Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang, mỗi cơ quan đã tích cực, chủ động thực hiện nghiêm túc vai trò, trách nhiệm của mình theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế phối hợp đã đề ra.

Đối với công tác xây dựng pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung và các hình thức tổ chức lấy ý kiến của Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, các sở, ngành tỉnh đối với các dự án luật, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế. Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cử người tham dự đầy đủ các buổi họp đóng góp ý kiến dự án luật và gửi văn bản đóng góp ý kiến khi được yêu cầu góp ý bằng văn bản.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh có ý kiến đóng góp đối với các dự án luật như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện,…  Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, thiết thực và góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng của các dự án luật trong thời gian qua.

Trong công tác giám sát, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn Chương trình giám sát đảm bảo các nội dung giám sát của các cơ quan không trùng lắp. Trong năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng chương trình giám sát 4 chuyên đề gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021” trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tổ chức 2 cuộc khảo sát về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Luật Hợp tác xã” và khảo sát về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế từ năm 2016 đến nay” trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh ban hành báo cáo kết quả giám sát nhằm ghi nhận kịp thời những kết quả, cách làm hay của địa phương; đồng thời, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của tỉnh để kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và kiến nghị UBND tỉnh, các cơ quan ở địa phương chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Riêng các báo cáo kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đều được gửi cho Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để chỉ đạo, theo dõi, phối hợp giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Tại các kỳ họp HĐND tỉnh, các vị ĐBQH tỉnh luôn dành thời gian tham dự đầy đủ và ghi nhận và phản ánh kịp thời đến các cơ quan Trung ương về những khó khăn, vướng mắc của địa phương nhằm tạo thuận lợi để địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và các nhiệm vụ khác. Trong năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp và chuyển 21 ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương chuyển đến Đoàn ĐBQH tỉnh để kiến nghị theo thẩm quyền. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan Trung ương trả lời, Đoàn ĐBQH tỉnh phản hồi và Thường trực HĐND tỉnh đã thông tin đến cử tri.

* PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH TIỀN GIANG TRẦN THANH NGUYÊN: PHỐI HỢP TỔ CHỨC TỐT CÁC KỲ HỌP HĐND TỈNH

Từ Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang nhiều nội dung đã được phối hợp thực hiện chặt chẽ, kịp thời, mang lại hiệu quả rất thiết thực. Trong đó nổi bậc là công tác chuẩn bị, tổ chức tốt các kỳ họp HĐND tỉnh.

Cụ thể, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động ban hành kế hoạch tổ chức kỳ họp HĐND và tổ chức các cuộc họp liên tịch với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để thống nhất về nội dung kỳ họp. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuẩn bị chu đáo các nội dung tham mưu UBND tỉnh gồm các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp thường lệ năm 2022 của HĐND tỉnh, đảm bảo cơ sở pháp lý và chất lượng về mặt nội dung.

Theo đó, trong năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh, Ban Thường trực trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức thành công 3 kỳ họp gồm: 1 Kỳ họp chuyên đề, Kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm 2022; phối hợp với UBND tỉnh xây dựng danh mục Nghị quyết của HĐND tỉnh cho từng kỳ họp; thông qua 69 nghị quyết; trong đó có 26 nghị quyết quy phạm pháp luật. 

Cùng với đó, những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã phối hợp các đơn vị giải quyết kịp thời những nội dung thuộc thẩm quyền. Cụ thể, đã cho ý kiến về 19 nội dung như: Việc bổ sung tiêu chuẩn định mức về máy móc, thiết bị chuyên dùng của các đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; ý kiến về dự thảo quyết định ban hành Quy định hệ số điều chỉnh giá đất; bổ sung tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng cho Ban Quản lý công trình công cộng huyện Tân Phước; ghi thu, chi ngân sách nhà nước đối với tiền giải phóng mặt bằng Dự án Đường Nguyễn Trọng Dân nối dài;  giải phóng mặt bằng Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; bổ sung tiêu chuẩn định mức về máy móc, thiết bị chuyên dùng cho Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho UBND tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh.

* PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH TIỀN GIANG TRẦN VĂN THI: PHỐI HỢP TỔ CHỨC TỐT CÔNG TÁC TIẾP XÚC CỬ TRI

Trong năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quy Quy chế phối họp đã đề ra; phân công cán bộ giữ các mối quan hệ thường xuyên với Đoàn ĐBQH tỉnh và cơ quan có liên quan, luôn chủ động triến khai, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

Trong đó, nổi bậc là công tác phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh chuẩn bị tổ chức các kỳ họp được đảm bảo tiến độ về thời gian; chất lượng về nội dung. Trước các kỳ họp Quốc hội, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức cuộc họp với đại diện UBND, các sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tỉnh để ghi nhận ý kiến phản ánh về tình hình phát triến kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc của người dân ở các địa phương và các đề xuất, kiến nghị với Trung ương.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, của ĐBQH ở địa phương được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp thực hiện tốt. Thường trực HĐND tỉnh đã phối họp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện tổ chức để đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh với 366 cuộc có 23.669 cử tri tham dự và 2.631 ý kiến, kiến nghị; đồng thời, tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận của đại biểu, ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan chức năng giải trình, trả lời theo quy định.

Bên cạnh đó, công tác giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông qua việc theo dõi, đôn đốc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri và xem xét, đánh giá văn bản trả lờỉ kiến nghị của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đa số ý kiến cử tri tại các kỳ họp Quốc hội được trả lời, giải đáp cụ thế, kịp thời, được thông báo kết quả giải quyết bằng văn bản đến Đoàn ĐBQH tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Đối với những nội dung liên quan, có nhiều bức xúc như: Công tác quy hoạch; chính sách tái định cư; các dự án của Trung ương trên địa bàn tỉnh; vấn đề ô nhiễm môi trường; tình hình kinh tế - xã hội; chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở... đã được nhiều đại biểu chuyến tải, phản ánh tại kỳ họp thông qua các cuộc thảo luận ở tổ và hội trường để các ngành chức năng ghi nhận, có kế hoạch khắc phục, điều chỉnh hạn chế những thiếu sót, góp phần nâng cao đời sống người dân ở địa phương.

Các nội dung giám sát do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì trong năm 2022 được thực hiện đảm bảo thời gian, quy trình chặt chẽ, sau giám sát có báo cáo và kiến nghị cụ thể đối với đơn vị được giám sát và các cơ quan chức năng có liên quan. Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HDND tỉnh và UBND tỉnh sau mỗi đợt giám sát theo đúng quy định pháp luật.

THU HOÀI (lược ghi)

 

.
.
.