Kinh tế Nhà nước giữ vị trí trọng yếu trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội
Sáng 13-4, Hội thảo "Vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng" đã diễn ra tại Hà Nội.
Các đồng chí PGS.TS Phạm Văn Linh, TS Nguyễn Long Hải, PGS.TS Vũ Trọng Lâm (từ trái qua) chủ trì hội thảo. (Ảnh: Thanh Lâm) |
Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng Sản, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đồng tổ chức. TS Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội thảo.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay.
Kinh tế nhà nước giữ vị trí trọng yếu, vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo nền tảng cơ bản để phát triển mọi ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Nguyễn Long Hải nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được khẳng định qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XIII.
TS Nguyễn Long Hải chỉ rõ 5 lý do kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp điều kiện của nước ta và là tiêu chí quan trọng bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là:
Thứ nhất, vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước thể hiện rõ bản chất, đặc trưng của nền kinh tế thị trường kinh tế Nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn khác với kinh tế thị trường ở các nước tư bản chủ nghĩa, được xây dựng trên cơ sở sở hữu tư bản độc quyền. Vai trò kinh tế Nhà nước xuất phát từ lợi ích của đất nước và nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Nguyễn Long Hải phát biểu đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Thanh Lâm) |
Thứ hai, kinh tế Nhà nước có vai trò đầu tàu, hướng dẫn và dẫn dắt các hình thức sở hữu khác trong việc phát triển các lĩnh vực đặc biệt.
Thứ ba, kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo sẽ bảo đảm phát triển năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Thứ tư, đối với an ninh quốc gia, kinh tế Nhà nước thể hiện vai trò ở việc nắm giữ các ngành quan trọng liên quan an ninh quốc phòng và tham gia chiếm giữ một số vị trí thiết yếu, quan trọng để chủ động định hướng xã hội, làm đối trọng trong phát triển hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ năm, về mặt xã hội, kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong gánh vác chức năng và vai trò xã hội. Kinh tế nhà nước phải đảm nhận những ngành ở những địa bàn khó khăn có ý nghĩa chính trị-xã hội, bảo đảm sự cân bằng về đầu tư phát triển theo vùng miền, thực hiện chính sách an sinh xã hội, các chương trình xóa đói giảm nghèo...
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề chính:
Nhóm vấn đề thứ nhất: Tập trung vào những vấn đề lý luận: Nhận thức lý luận về vai trò của kinh tế Nhà nước nói chung và đối với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Nhóm vấn đề thứ hai: Làm rõ thực trạng vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trên cơ sở hoạt động thực tiễn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đánh giá những mặt được, hạn chế cùng các nguyên nhân, trên cơ sở yêu cầu của bối cảnh mới, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để kinh tế Nhà nước thực hiện tốt vai trò này, bảo đảm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Các tham luận trong Hội thảo đã góp phần làm rõ hơn vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng; đồng thời, đánh giá những thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra trong việc bảo đảm vai trò trọng yếu của khu vực kinh tế này. Từ đó, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp có ý nghĩa nhằm xây dựng, phát triển khu vực kinh tế Nhà nước lớn mạnh, bảo đảm vai trò chủ đạo của mình trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Theo nhandan.vn