Thứ Tư, 12/04/2023, 10:02 (GMT+7)
.
KỲ HỌP THỨ 8 (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ) HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA X:

Ban hành nhiều nghị quyết giải quyết những vấn đề cấp thiết

Tại Kỳ họp thứ 8 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, HĐND tỉnh đã thông qua 6 nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Trong đó có nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế địa phương…

HỖ TRỢ, CẤP BÙ HỌC PHÍ NĂM HỌC 2022 - 2023

Mức thu học phí năm học 2022 - 2023 là vấn đề được nhiều phụ huynh học sinh quan tâm. Ngày 5-10-2022, HĐND tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết 19 quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, thường xuyên trên cơ sở Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Mặc dù ngành Giáo dục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh mức học phí thấp nhất theo khung Nghị định 81/2021 của Chính phủ nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mức học phí năm học 2021 - 2022.

Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu tại kỳ họp.
Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu tại kỳ họp.

Đến ngày 20-12-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165 quy định về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023 (gọi tắt là Nghị quyết 165). Theo khoản 1, điểm a của nghị quyết này, cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023, ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021 - 2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

Chủ tọa kỳ họp.
Chủ tọa kỳ họp.

Để kịp thời hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn, đảm bảo việc học tập cho con em không bị gián đoạn, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết 165 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo nghị quyết này, đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và cơ sở giáo dục thường xuyên chưa tự đảm bảo chi thường xuyên giữ vững mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí năm học 2021 - 2022.

Cụ thể, đối với cấp học mầm non học 2 buổi/ngày trên địa bàn phường, thị trấn là 133.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 66.000 đồng/học sinh/tháng; đối với lớp học 1 buổi trên địa bàn phường, thị trấn là 66.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 33.000 đồng/học sinh/tháng.

Đối với bậc THCS trên địa bàn phường, thị trấn là 66.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 44.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với bậc THPT trên địa bàn phường, thị trấn là 99.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 66.000 đồng/học sinh/tháng.

Như vậy, theo nghị quyết vừa được ban hành, ngân sách địa phương sẽ cấp bù để đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm học phí năm học 2022 - 2023 so với số thu học phí năm học 2021 - 2022 gần khoảng 187 tỷ đồng cho 189.727 trẻ, học sinh, học viên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

HỖ TRỢ DỰ ÁN, KẾ HOẠCH, PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Thời gian qua, việc thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) luôn được lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Ngày 19-4-2022, Chính phủ ban hành Nghị định 27 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, trong đó có các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các CTMTQG để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương không quy định cụ thể về định mức hỗ trợ vốn cho đối tượng tham gia thực hiện các mô hình/dự án của các CTMTQG, từ đó gây khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện Dự án 2, Dự án 3 thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết.
Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết.

Nhằm tạo điều kiện để các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch lộ trình thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh, tại Kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các CTMTQG giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Sáng 10-4, HĐND tỉnh Tiển Giang khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 8 (Kỳ họp chuyên đề) quyết định nhiều nội dung quan trọng của tỉnh.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình nêu rõ: Năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, là thời điểm tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 5 năm 2021 - 2025.

Chính vì vậy, các cấp, các ngành cần nỗ lực, thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu trong năm 2023 và các năm tiếp theo; trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các công trình, dự án đầu tư công, các công trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tế, tiếp tục rà soát, giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri, tạo lòng tin đối với cử tri tỉnh nhà.

Đồng thời, đồng chí nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 8 đã thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết rất quan trọng. Đây là cơ sở pháp lý để Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết HĐND tỉnh vừa thông qua, UBND tỉnh cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện bằng các hình thức phù hợp, các ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu và đại biểu sớm thông tin, báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp, các nghị quyết được thông qua, tăng cường giám sát quá trình tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Theo nghị quyết này, đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới: Nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết 18 ngày 5-10-2022 của HĐND tỉnh quy định một số nội dung và mức chi hỗ trợ thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, Nghị quyết quy định hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí nhưng không vượt quá 500 triệu đồng/dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn thuộc phạm vi đầu tư của CTMTQG giảm nghèo bền vững và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Tại Điều 5 Nghị quyết này cũng quy định hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Cụ thể là hỗ trợ tối đa 60% tổng chi phí nhưng không vượt quá 500 triệu đồng/dự án, phương án sản xuất trên địa bàn thuộc phạm vi đầu tư các CTMTQG và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Mức hỗ trợ vốn cho hộ gia đình tối đa 30 triệu đồng/hộ (tùy thực tế từng dự án và mô hình) và tổng kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia dự án hoặc mô hình không vượt quá mức hỗ trợ cho một dự án hoặc mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Nghị quyết cũng nêu rõ, kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp do Trung ương hỗ trợ thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh và nguồn đóng góp khác theo quy định của pháp luật.

HỖ TRỢ NGƯỜI CAI NGHIỆN VÀ NGƯỜI HỖ TRỢ CÁC ĐỐI TƯỢNG CAI NGHIỆN MA TÚY

Trước đây, trên cơ sở các quy định của Trung ương và theo đề nghị của UBND tỉnh, ngày 7-12- 2018, HĐND tỉnh khóa IX đã ban hành Nghị quyết 19 quy định về đối tượng, nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với người nghiện ma túy tự nguyện vào cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); Nghị quyết 11 ngày 12-7-2019 quy định về mức đóng góp kinh phí, chế độ miễn, giảm, chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Việc ban hành 2 nghị quyết trên đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý đối tượng cai nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy và động viên, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện tham gia cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy trong thời gian qua.

Tuy nhiên, khi Nghị định 116 ngày 21-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực thi hành thì nội dung của 2 nghị quyết trên không còn phù hợp.

Quang cảnh kỳ họp
Quang cảnh kỳ họp.

Do vậy, tại Kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh đã xem xét và ban hành Nghị quyết quy định về đối tượng hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy và người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo nghị quyết này, phạm vi đối tượng áp dụng có mở rộng hơn so với nghị quyết trước đó của HĐND tỉnh, nhưng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định 116 của Chính phủ là “Người đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, gia đình, cộng đồng”.

Về mức hỗ trợ: Đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Định mức tiền ăn hằng tháng của người cai nghiện bằng 0,8 mức lương cơ sở hiện hành. Ngày lễ, Tết Dương lịch, người cai nghiện được ăn thêm không quá 3 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết Nguyên đán, người cai nghiện được ăn thêm không quá 5 lần tiêu chuẩn ngày thường; chế độ ăn đối với người cai nghiện bị ốm do Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định theo chỉ định của nhân viên y tế điều trị, nhưng không thấp hơn 3 lần tiêu chuẩn ngày thường. Định mức tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân... hằng năm bằng 0,9 mức lương cơ sở hiện hành.

Đối với người cai nghiện bắt buộc chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú, cấp 1 bộ quần áo (nếu họ không có): Mức hỗ trợ không quá 400.000 đồng/bộ/người.

Đối với cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy: Hỗ trợ 100% tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy theo quy định. Hỗ trợ 100% chi phí cai nghiện ma túy, thuốc chữa bệnh thông thường. Hỗ trợ tiền ăn, quần áo, chăn, màn, chiếu, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân…

Hỗ trợ 100% chỗ ở; hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt: 100.000 đồng/người/tháng. Hỗ trợ tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện ma túy tự nguyện/năm.

Đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng: Hỗ trợ 1 lần kinh phí cai nghiện đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn cai nghiện ma túy theo quy định tại Điều 22, Điều 23, Điều 24 của Nghị định 116 của Chính phủ: Mức hỗ trợ bằng 1 lần mức lương cơ sở hiện hành.

Hỗ trợ thù lao hằng tháng đối với người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, đối tượng bị quản lý sau cai nghiện ma túy theo phân công của Chủ tịch UBND cấp xã: Mức hỗ trợ bằng 0,3 lần mức lương cơ sở hiện hành.

NHÓM PHÓNG VIÊN

.
.
.