Thứ Sáu, 21/04/2023, 10:58 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 153 NĂM NGÀY SINH V.I. LÊNIN (22-4-1870 - 22-4-2023)

Nhớ mãi một lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới

Vladimir Ilyich Lenin, tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov (gọi tắt  là V.I. Lênin ), lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga và giai cấp vô sản toàn thế giới, người phát triển học thuyết của Các Mác và Phriđơrich Ăngghen thành học thuyết Mác-Lênin. V.I. Lênin là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời, lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo.

Tên tuổi của V.I. Lênin vô cùng thân thiết đối với hàng triệu triệu người trên hành tinh của chúng ta. V.I. Lênin đã hiến dâng cả cuộc đời, trí tuệ thiên tài, tri thức rộng lớn, nghị lực vô tận của mình cho sự nghiệp vĩ đại - sự nghiệp đấu tranh giải phóng những người lao động khỏi ách áp bức dân tộc và áp bức xã hội, cho hòa bình và tương lai tươi sáng của các dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.

V.I.Lênin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới.
V.I.Lênin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới.

V.I. LÊNIN VĨ ĐẠI

Từ nhỏ V.I. Lênin đã bộc lộ là người có trí tuệ uyên bác, có nghị lực tự học rất cao và là người sớm đón nhận học thuyết chủ nghĩa xã hội, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác và phương pháp cách mạng nhân dân. V.I. Lênin tốt nghiệp bậc trung học đạt loại xuất sắc và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Tổng hợp Kazan, học Khoa Luật. Vì tham gia tuyên truyền cách mạng trong sinh viên, V.I. Lênin bị đuổi học và bị phát lưu đến làng Kokushino Kazan. Trong vòng 2 năm, V.I. Lênin đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm Khoa Luật.

Mùa thu 1895, V.I. Lênin thành lập Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng ở Saint Petersburg. Năm 1900, V.I. Lênin lại tập hợp những người Mácxít cách mạng để thành lập Đảng. Cũng trong năm này, V.I. Lênin ra nước ngoài cùng với Plekhanov và lập ra tờ báo “Tia lửa”.

Ngày 16-4-1917, hàng vạn quần chúng đã tổ chức tuần hành, mít tinh để chào đón V.I. Lênin, người con ưu tú của nước Nga tại nhà ga ở thành phố Petrograd.
Ngày 16-4-1917, hàng vạn quần chúng đã tổ chức tuần hành, mít tinh để chào đón V.I. Lênin, người con ưu tú của nước Nga tại nhà ga ở thành phố Petrograd.

Tháng 4-1905, tại Luân Đôn (Anh) tiến hành Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, V.I. Lênin được bầu là Chủ tịch Đại hội. Tại Đại hội này, Ủy ban Trung ương đã được bầu do V.I. Lênin đứng đầu. Tháng 11-1905, V.I. Lênin bí mật trở về Saint Petersburg để lãnh đạo cách mạng Nga. Tháng 12-1907, V.I. Lênin sống ở nước ngoài tiếp tục đấu tranh bảo vệ và củng cố trong thời kỳ bí mật; tháng 1-1912 lãnh đạo Hội nghị lần thứ VI toàn Nga Đảng Công nhân xã hội dân chủ.

Tháng 6-1912, V.I. Lênin từ Paris chuyển về Krakov lãnh đạo tờ báo Pravda (Báo Sự thật). Thời kỳ này, V.I. Lênin soạn thảo xong Đề cương Mácxít về vấn đề dân tộc. Cuối tháng 7-1914, V.I. Lênin bị cảnh sát Áo bắt nhưng sau đó ít lâu được trả lại tự do và đi Thụy Sĩ. Trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ I, V.I. Lênin đưa ra khẩu hiệu biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng.

Tháng 4-1917, V.I. Lênin đến Petrograd để trình bày Luận cương Tháng Tư, thực chất đây là một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu: “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô Viết!”. Hội nghị lần thứ VII toàn Nga (tháng 4-1917) của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga đã nhất trí thông qua đường lối do V.I. Lênin đề ra.

Đầu tháng 10-1917, V.I. Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Petrograd. Ngày 23-10-1917, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của V.I. Lênin đề ra được Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua. Tối ngày 6-11-1917, V.I. Lênin đến Cung điện Smolnưi (Cung điện Mùa Đông) trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa.

Nhân dịp kỷ niệm 153 Ngày sinh V.I. Lênin năm nay, trong mỗi chúng ta có thêm niềm tự hào về Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu, về nhân dân ta anh hùng; cũng như về tình hữu nghị thủy chung, son sắt giữa nhân dân Liên Xô trước đây (nay là Liên bang Nga) với nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: “V.I. Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.

Đến rạng sáng ngày 7-11-1917, toàn thành phố Saint Petersburg  nằm trong tay những người khởi nghĩa và đến đêm ngày 7-11-1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời. Tại Đại hội các Xô Viết toàn Nga lần thứ II, V.I. Lênin được bầu là Chủ tịch Hội đồng các Ủy viên nhân dân (Hội đồng Dân ủy).

Ngày 30-8-1918, V.I. Lênin bị ám sát và bị thương nặng, nhưng sau đó ít lâu sức khỏe hồi phục. Tháng 3-1919, Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Nga đã thông qua Cương lĩnh mới của Đảng, V.I. Lênin được bầu là Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Cương lĩnh mùa Xuân năm 1920. Thời gian này, V.I. Lênin soạn thảo xong kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội (công nghiệp hóa đất nước, hợp tác hóa giai cấp nông dân, cách mạng văn hóa), là người sáng lập ra Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga (Goelro), người đề ra chính sách kinh tế mới (NEP). Năm 1921, chính sách NEP của V.I. Lênin được thông qua tại Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga.

Ngày 21-4-1924, V.I. Lênin qua đời ở làng Gorki, gần Thủ đô Moskva (Nga). Thi hài Người được lưu giữ trong Lăng trên Quảng trường Đỏ. Với 54 tuổi đời, gần 30 năm hoạt động cách mạng, V.I. Lênin đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng Nga và giai cấp vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người. Với những di sản để lại cho nhân loại, V.I. Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

VẬN DỤNG SÁNG TẠO TƯ TƯỞNG CỦA V.I. LÊNIN VÀO THỰC TIỄN CÁCH MẠNG  VIỆT NAM

Khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Người đã gặp được “Sơ thảo lần thứ nhất về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin. Khi đọc “Sơ thảo luận cương” của V.I. Lênin, Người cảm động:“Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem những tư tưởng của V.I. Lênin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga là “cẩm nang thần kỳ” và Người tiếp thu, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau 48 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; nhân dân có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, mở rộng và phát huy; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm; vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế... Những thành tựu đó là nhờ Đảng ta trung thành, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.