Thứ Bảy, 29/04/2023, 17:12 (GMT+7)
.

Người cán bộ trẻ kiên cường, bất khuất trong nhà tù Mỹ - ngụy

(ABO) Qua 38 năm hoạt động cách mạng (tính đến năm nghỉ hưu), trong đó có 18 năm ở trong ngục tù Mỹ - ngụy, mặc dù dùng nhiều tra tấn cực hình dã man..., nhưng địch không đè bẹp được ý chí cách mạng và khí tiết của đồng chí Nguyễn Văn Ba. Đồng chí đã đấu tranh kiên cường, bất khuất và trở thành người chiến thắng được trở về quê nhà tiếp tục hoạt động cách mạng sau khi cả nước giành thắng lợi lịch sử ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 15/5/1975, gần 2.000 cán bộ chiến sỹ cách mạng bị địch bắt giam ở Côn Đảo được trở về đất liền. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 15-5-1975, gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam ở Côn Đảo được trở về đất liền. Ảnh: TTXVN

Là thanh niên sớm giác ngộ cách mạng nên từ khi 18 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Ba (tự Ba Lâu, sinh sống tại khu I, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã thoát ly gia đình tham gia chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong quá trình hoạt động, đồng chí được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ ở Ban Trừ gian của huyện, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng và nhân dân. Đồng chí bị địch bắt tháng 8-1957 và đã trải qua thời gian giam cầm tại các nhà tù Mỹ Tho, Chí Hòa, lâu nhất (14 năm) là tại nhà tù Côn Đảo.

Mặc dù bị địch tra tấn cực hình dã man nhưng ông luôn đấu tranh kiên cường bất khuất. Do không đè bẹp được ý chí cách mạng của đồng chí nên địch đã tìm cách buộc tội và kết án đồng chí tù chung thân.

Là đảng viên cao niên nhận được Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Ba đã kể lại từ trong ký ức về câu chuyện năm xưa của mình, giọng nói chậm rãi nhưng rất lạc quan và đầy niềm tự hào của người cán bộ, đảng viên: “Năm 1950, khi 18 tuổi, tôi thoát ly gia đình hoạt động cách mạng trong lực lượng vũ trang xã, huyện.

Trong quá trình công tác, được lãnh đạo tin tưởng, nên đầu năm 1957, đồng chí Nguyễn Văn Ấn (bí danh là Ái Hữu) - Trưởng Ban Địch vận huyện, quê ở xã An Thạnh Thủy - đã tổ chức kết nạp tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, Huyện ủy chuyển tôi sang công tác tại Ban Trừ gian của huyện. Ban Trừ gian có nhiệm vụ luôn sâu vào vùng địch, tiêu diệt các tên tề, gián điệp ác ôn ở các xã Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Thanh Bình, An Thạnh Thủy, Hòa Định, Xuân Đông, tích cực góp phần bảo vệ các tổ chức Đảng, bảo vệ cán bộ và phong trào đấu tranh của nhân dân trong huyện.

Tôi còn nhớ tôi được lệnh trừng trị tên gián điệp Nguyễn Văn Đặng (tự Cài) - trước đó đã chỉ điểm bắt gần 30 cán bộ của ta. Tôi hóa trang, xâm nhập địa bàn thị trấn Chợ Gạo, thấy hắn uống cà phê trong quán, tôi liền quay ra đón đường hắn về nhà. Đúng như tôi dự tính ban đầu, mấy phút sau hắn đi về, tôi bám sát theo và bắn một phát súng bắn gục xuống chết tại chỗ, còn tôi rút khỏi thị trấn an toàn.

Tiếp đó, vào cuối tháng 7-1957, đồng chí Đoàn Văn Vĩnh (tức Năm Vĩnh) - Huyện ủy viên phụ trách Vùng 3 gồm các xã: Bình Phục Nhứt, Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Bình Phan, Hòa Định và Xuân Đông - đã giao cho tôi nhiệm vụ trừng trị tên Văn Công Tư, quê ở xã An Thạnh Thủy, một tên gián điệp gây nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân. Chính tên này đã chỉ điểm cho địch bắt đồng chí Nguyễn Văn Ấn. Được biết bọn địch treo giải thưởng 50.000 đồng tiền lúc bấy giờ nếu ai chỉ điểm bắt được đồng chí Nguyễn Văn Ấn.

Tên gián điệp Văn Công Tư đã theo dõi và chỉ điểm cho địch bắt đồng chí Nguyễn Văn Ấn vào lúc 14 giờ ngày 27-7-1957 tại khu vực Bàu Sấu, xã Hòa Định. Ngay sau đó, tên Văn Công Tư ra quận Chợ Gạo nhận trước 10.000 đồng tiền thưởng. Đợi đến đêm hôm đó, tôi và đồng đội lần vào vùng địch, bắt được tên Văn Công Tư ngay tại nhà, kiểm tra trong túi áo hắn thấy còn 9.800 đồng.

Chúng tôi dẫn ra ngoài khai thác, hắn đã thừa nhận làm gián điệp cho tên Mười Biện và chỉ điểm bắt đồng chí Nguyễn Văn Ấn, được lĩnh thưởng đợt đầu là 10.000 đồng đã sử dụng mấy trăm đồng. Ban thi hành án ngay lập tức thực hiện quyết định thi hành bản án tiêu diệt tên gián điệp này. Sau vụ đó, bọn tề ấp, tề xã hoang mang không dám ngủ ở nhà, tình hình an ninh khu vực ổn định; nhờ đó phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở khu vực này và trong quận tiếp tục phát triển.

Cũng trong thời gian này, Bí thư Chi bộ xã Hòa Định đã bị chiêu dụ, làm gián điệp cho địch, nhiều lần chỉ điểm bắt rất nhiều cán bộ xã, huyện. Tháng 8-1957, hắn chỉ điểm cho địch bắt tôi, lúc đó tôi mới 25 tuổi. Một thời gian sau, tên gián điệp này cũng bị cách mạng trừng trị.

Sau khi bị bắt, tôi đã trải qua các nhà tù Mỹ Tho, Chí Hòa và lâu nhất là 14 năm bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Địch dùng nhiều thủ đoạn cực hình tra tấn dã man như: Buộc hai chân treo ngược lên, thay phiên nhau đánh cho đến khi hộc máu, trong bụng có thứ gì đều nôn ra hết; hoặc bỏ vào thùng phuy, đổ nước ngập đầu, ở ngoài chúng dùng cây gõ vào thành thùng phuy, chỉ cần đánh nhẹ vài cái là người bên trong cũng hộc máu.

Những hình thức tra tấn tàn bạo khác như: Tàu lặn, tàu bay, tôi đều nếm mùi cả. Kiểu tra tấn tàu lặn là chúng trói người tù trên tấm ván rồi đẩy vào hồ nước đầy ngập cho đến khi sủi tăm thì kéo ra. Kiểu tra tấn tàu bay là trói hai tay ra sau lưng treo lên cao, thay nhau tra tấn. Trải qua nhiều lần bị tra tấn, bức cung chết đi sống lại nhưng tôi vẫn nhất quyết không khai.

Bọn địch không khai thác được gì nên sau đó đã lập hồ sơ và đưa ra tòa, kết án tội tử hình. Chúng bắt tôi phải ký tên nhưng tôi kiên quyết đấu tranh chống án, nhất định không ký, cuộc đấu tranh chống án kéo dài giằng co.

Năm 1960, phong trào Đồng Khởi của quần chúng nhân dân nổi lên mạnh mẽ ở khắp Nam bộ. Trước tình hình đó, bọn địch đưa một số tù nhân, trong đó có tôi, đày ra Côn Đảo. Đến chốn “địa ngục trần gian”, tôi tiếp tục bị địch tra tấn dã man bằng mọi cực hình, nhưng tôi một mực không khai báo và đấu tranh kiên quyết chống án tử hình. Sau đó, địch tuyên bố giảm án xuống chung thân và thực hiện cấm cố đối với tôi.

Trải qua 14 năm ở nhà tù Côn Đảo với mức án chung thân, tôi cùng với anh em tù nhân không ngừng đấu tranh chống nạn “khô đắng, mắm thối”, chống chào cờ, đòi thi hành Hiệp định Paris và thả tù nhân vào năm 1973... Sau mỗi lần đấu tranh, địch lại đưa cảnh sát dã chiến đến đàn áp quyết liệt, đẫm máu; tôi thì bị nhốt vào chuồng cọp khoảng 6 - 8 tháng, cho ăn cơm thiu không đủ no, thiếu nước uống, không được tắm rửa. Lúc trưa nắng, bọn địch còn rắc vôi vào người và đầu, dùng cây sắt thọc vào người...

Trong thời gian bị tù đày ở Côn Đảo, tôi được đồng chí Đoàn Văn Vĩnh (tức Năm Vĩnh) - quê ở xã Qươn Long, Huyện ủy viên huyện Chợ Gạo thời kháng chiến chống thực dân Pháp, bị bắt cùng ở tù Côn Đảo - móc nối liên lạc, cung cấp thông tin bên ngoài đưa vào, giúp tôi củng cố tinh thần vững vàng hơn, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng hơn.

Mặc dù bị địch đàn áp, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng tôi và các anh em vẫn tiến hành đấu tranh bằng mọi hình thức, nhiều lần buộc địch phải nhượng bộ, chấp nhận thực hiện yêu sách.

Trưa ngày 30-4-1975, đại úy Dậu chỉ huy đại đội bảo an và một vị linh mục vào gọi anh em ra bàn việc giải phóng đảo, nhưng không ai chịu ra cả. Nghi ngờ địch có thủ đoạn mới, anh em tụm lại hội ý nhanh, cử một người ra trước xem tình hình. Tôi xung phong ra, nghe đại úy Dậu và vị linh mục nói rõ mới biết đây là lực lượng biến tướng của ta. Từ đó, thông tin lan nhanh, tất cả anh em trong trại đều được trang bị vũ khí cùng đi với đại đội bảo an giải phóng đảo.

Sau đó mấy ngày, lực lượng bộ đội ta đến quản lý đảo, anh em bàn giao mọi việc xong thì được tàu đưa về đất liền. Khi về tới căn cứ Đồng Tâm - Mỹ Tho, tôi được Ban Tổ chức đưa về Mỹ Phước Tây, kinh 12 học tập tình hình, nhiệm vụ cách mạng. Sau đó, tổ chức phân công tôi về công tác tại Văn phòng UBND tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang, rồi về làm Chánh Văn phòng UBND huyện Chợ Gạo. Năm 1988, tôi nghỉ hưu theo chế độ”.

(Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Ba)

 


 

 

.
.
.