.

"Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ..."

Cập nhật: 09:39, 03/05/2023 (GMT+7)

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im”..., câu hát trong bài “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phần nào khắc họa được sự hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) dành cho quê hương, đất nước. Sau gần 50 năm hòa bình, hậu quả chiến tranh đã dần được khắc phục, nhưng vết thương lòng của những người mẹ, người vợ có con, chồng hy sinh cho Tổ quốc vẫn chưa hề nguôi ngoai...

Tuổi đã cao, có chuyện nhớ, chuyện quên nhưng những câu chuyện thời chiến về chồng, con thì các Bà mẹ VNAH ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vẫn nhớ như in, nó như những thước phim quay chậm tái hiện ký ức một thời.

* MẸ VNAH TRẦN THỊ SÁNG (SINH NĂM 1926, ẤP QUANG THỌ, XÃ QUƠN LONG): Tự hào truyền thống gia đình cách mạng

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến xã Quơn Long, thăm Mẹ VNAH Trần Thị Sáng. Năm nay, Mẹ Sáng đã 97 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Năm 1952, chồng Mẹ là chiến sĩ Nguyễn Văn Mão hy sinh trong một trận đánh tại xã Bình Phục Nhứt, khi ấy người con trai của Mẹ chỉ mới 5 tuổi.

Chồng hy sinh, nén đau thương, một mình Mẹ vừa làm cách mạng, lo kinh tế gia đình, nuôi 2 con nhỏ. Đến năm 1959, Mẹ nên duyên với đồng chí Phan Văn Quang.

Trong những năm kháng chiến, chồng tham gia kháng chiến, Mẹ mua lúa đem lên chợ Ông Văn (xã Đăng Hưng Phước) xay gạo, chuyển lên Sài Gòn bán. Ban ngày, một tay Mẹ lo việc gia đình, đêm về, Mẹ lo tiếp tế, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cứ chiều chiều, Mẹ lại nấu cơm; khi bộ đội về, cơm canh đã sẵn, mẹ chuyển xuống hầm cho các anh. Nhiều đêm, Mẹ thức canh chừng các cuộc họp của cán bộ ngay dưới căn hầm bí mật tại nhà mình.

Mẹ Sáng kể lại: Năm 1962, ông Quang cũng mất. Tôi lại tiếp tục một mình gồng gánh lo cho 4 người con. Đến những năm 1965, người con trai Nguyễn Văn Sướng học lớp 11, tình nguyện đi liên lạc. Nó tên Sướng mà không có sướng. Lúc nó xin tôi tham gia cách mạng, tôi bảo: Ba mất rồi, con còn nhỏ lo mà học hành nhưng nó đâu có nghe…”.

Nghi ngờ Mẹ nuôi giấu cán bộ, bộ đội, nhiều lần giặc lùng sục khắp nhà, tra khảo để tìm bộ đội, tìm tài liệu. Mẹ Sáng nhớ lại: “Năm 1968, tôi bị bọn lính bắt giam ở khám Mỹ Tho. Chúng tra tấn dã man nhưng tôi chỉ lắc đầu và trả lời “không biết”. Tôi bị bắt giam 3 lần, lần nào chúng cũng tra tấn rất dã man. Nhưng nỗi đau đó vẫn không bằng nỗi đau khi hay tin thằng Sướng hy sinh vào năm 1971”.

Năm 1985, Mẹ Sáng được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Năm 2014, Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Dù vẫn còn mang nặng những vết thương lòng do chiến tranh gây ra nhưng Mẹ luôn tự hào vì sự hy sinh của gia đình đã đóng góp một phần cho độc lập, tự do và sự bình yên của Tổ quốc. Được biết, mẹ ruột, mẹ chồng và bà nội của Mẹ đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

* MẸ VNAH NGUYỄN THỊ ĐẸT (SINH NĂM 1942, ẤP BÌNH THỌ II, XÃ BÌNH PHỤC NHỨT): “Đến giờ mẹ vẫn chờ con”

Trong căn nhà ấm áp nghĩa tình, Mẹ Nguyễn Thị Đẹt vẫn khỏe mạnh và minh mẫn kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời Mẹ với những vất vả, hy sinh và nỗi đau mất mát khi chồng và người con ra đi mãi mãi không về.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Mẹ đã cùng cán bộ và nhân dân trong vùng ra sức tuyên truyền, vận động mọi người, các tầng lớp nhân dân nâng cao lòng yêu nước, hăng hái tham gia góp sức cho cách mạng, cho bộ đội, làm hậu phương vững chắc cho chồng, con yên tâm lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1963, trong một lần địch càn, chồng mẹ là ông Phan Văn Mãnh hy sinh. Nén đau thương, Mẹ tảo tần nuôi 4 người con. Không phụ lòng Mẹ, những người con còn lại đều trưởng thành và luôn tự hào về truyền thống gia đình, trân trọng sự hy sinh của Mẹ. Chiến tranh đã đi qua, nhưng Mẹ vẫn nhiều đêm không tròn giấc ngủ vì thương nhớ người con trai là liệt sĩ Phan Văn Đước. Ông hy sinh năm 1978 ở chiến trường Campuchia, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.  

Mẹ Đẹt nhớ lại: “Lúc đó, thằng Đước còn trẻ lắm, mới 18, đôi mươi. Thằng Đước hiền, ngoan và đẹp trai lắm”. Hồi xưa, chiến tranh, nghèo khổ, lúc nào cũng mong cho mau hết chiến tranh để gia đình sum họp, vợ chồng con cái được ăn chung mâm, sống chung nhà… Bây giờ độc lập đã gần 50 năm nhưng cha con thằng Đước không còn sống để hưởng thanh bình. Giờ chỉ mong nhận được hài cốt của thằng Đước, có nhắm mắt tôi cũng thấy yên lòng”.

* MẸ VNAH ĐINH THỊ NGA (SINH NĂM 1937, ẤP BÌNH PHONG II, XÃ BÌNH PHỤC NHỨT): Gương sáng cho con cháu

Mẹ Đinh Thị Nga năm nay đã hơn 86 tuổi, hiện đang sống cùng gia đình người con trai út trong một căn nhà khang trang ở ấp Bình Phong II, xã Bình Phục Nhứt. Tuổi già cùng với bệnh tật làm sức khỏe của Mẹ suy giảm nhiều, nhiều chuyện lúc nhớ, lúc quên. Thế nhưng, sự mất mát vẫn hằn in trên khuôn mặt đầy dấu vết thời gian của Mẹ.

Mẹ và chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Ẩn có với nhau 10 người con. Ông Ẩn hy sinh năm 1971 khi người con trai út chỉ tròn tuổi. Dù khó khăn, gian khổ vì chiến tranh, Mẹ vẫn quyết tâm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn và lặng lẽ đóng góp công sức cho cách mạng. Năm 1980, thêm một nỗi đau xé lòng khi Mẹ hay tin người con trai thứ 6 là Nguyễn Văn Rớt hy sinh ở chiến trường Campuchia.

Nén đau thương, Mẹ chăm lo các con khôn lớn, làm gương cho con, cháu. Mẹ chia sẻ: “Việc thăm hỏi, động viên kịp thời vào các dịp lễ, tết của các cấp chính quyền trong những năm qua chính là niềm động viên lớn lao, niềm vui đối với những người lớn tuổi như tôi. Tôi mong rằng, các cấp chính quyền, các ngành chức năng làm tốt hơn nữa các chính sách cho người có công, từ đó giúp đỡ các gia đình chính sách, có công đang gặp khó khăn có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”.

***

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong giọng nói, ánh mắt của những Bà mẹ VNAH mà chúng tôi đã gặp vẫn vẹn nguyên một niềm tin vào lý tưởng mà mình và chồng, con đã chọn cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay rất tự hào về các mẹ - những người Mẹ VNAH.

PHƯƠNG MAI

.
.
.