Biến nhà tù thành trường học cách mạng, nơi tôi luyện tinh thần chiến đấu
Trong 2 cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng hàng loạt nhà giam, khám đường, nhà tù (gọi chung là nhà tù) để giam giữ các cán bộ, đảng viên, những người yêu nước. Nhằm điều tra và trấn áp các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, chúng đã dùng nhiều nhục hình, tra tấn, khiến các nhà tù trở thành “địa ngục trần gian”. Tuy nhiên, trong ngục tối vẫn rạng ngời ánh sáng của Đảng! Từ đó, các cán bộ, đảng viên, những người yêu nước đã kết nối chặt chẽ với nhau, biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi tôi luyện tinh thần chiến đấu, biến bóng đêm đen tối của nhà tù thành những tia sáng cách mạng tỏa khắp nơi, biến những con người bình thường trở nên phi thường…
TRƯỜNG HỌC CÁCH MẠNG
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhà tù mọc lên khắp nơi, với những hình thức hành hạ, tra tấn dã man nhằm tiêu diệt dần lực lượng cách mạng. Ngay từ khi bước chân vào nhà tù, tất cả những người bị địch bắt đều bị đánh phủ đầu để lấy cung, để uy hiếp nhằm làm nhụt tinh thần. Sự hành hạ, tra tấn, giết hại tù binh ngày càng khắc nghiệt.
Đối với Nhà tù Phú Quốc, người tù bị phạt phơi nắng trên những dàn thiếc nóng như rang ngoài trời, da thịt ở bụng, ở ngực phồng rộp lên, nhiều chỗ da non bị cháy sém, người yếu sức không chịu nổi, thường bị ngất xỉu; nếu cựa quậy thì bị chúng phang thẳng dùi cui vào đầu hoặc sẵn sàng bắn bỏ.
Ở Nhà tù Phú Quốc, người tù còn bị phạt leo cây nhum đầy gai nhọn, chúng bắt người tù leo lên ngọn rồi tụt xuống, không leo chúng đánh. Chỉ cần vài ba cái nhoài người là đùi, ngực, tay, chân bị tóe máu. Người tù còn bị phạt bắt ăn cơm trộn cát với nước tiểu, không ăn chúng đánh, đang ăn ói ra chúng cũng đánh và bắt hốt hết lên ăn lại. Độc ác hơn nữa là phạt giam vào chuồng cọp, là một cái lồng bằng kẽm gai, cao 1 m, dài 2 m.
Bức ảnh: “Mẹ con ngày gặp lại” của tác giả Lâm Hồng Long, chụp ngày 6-5-1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu, ghi lại khoảnh khắc người mẹ gặp lại con trai sau bao năm bị Mỹ - ngụy giam cầm, tra tấn dã man. |
Vào chuồng cọp thì không nằm, không đứng, cũng không bệt mông xuống được, nếu mỏi quá chỉ cần thay đổi động tác một chút là các cọc nhọn sắc cứa nát da thịt. Nóng chúng cho kê lò than gần kề, lạnh chúng hắt thêm nước vào. Đêm đến chúng thường lôi người ra đánh. Có người ban đêm cũng bị gọi đi tra tấn, bị đóng đinh vào mắt cá chân, vào đầu gối, thậm chí vào đầu…
Ở Nhà tù Phú Quốc, ngoài việc tra tấn, đánh đập tàn bạo, bắt lao động khổ sai…, đối với những tù nhân “cứng đầu”, trung thành với lý tưởng cách mạng, chúng giết chết một cách dã man. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Bê (quê ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, nay là TX. Cai Lậy) là một minh chứng. Tháng 10-1969, do bị chỉ điểm, địch cho tàu chiến đưa một tiểu đoàn từ kinh Nguyễn Văn Tiếp càn vào xóm Láng Biển. Chúng xom hầm bí mật tại nhà, bắt sống đồng chí Bê giải xuống căn cứ sư đoàn 7 ở Bình Đức, rồi giải đến Khám đường Cần Thơ, sau đó đày ra Nhà tù Phú Quốc.
Sau nhiều lần kiên quyết đấu tranh đến cùng, bọn quân cảnh và trật tự thay nhau đánh đập đồng chí Bê. Một lần, trong lúc bị đánh, đồng chí Bê liên tục chửi bọn chúng là quân bán nước và hô khẩu hiệu: “Đả đảo Mỹ - Thiệu! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Bọn chúng bắt đồng chí Bê ngồi xuống, lấy bao chỉ xanh trùm vào người và buộc miệng bao, lôi xềnh xệch vào nhà bếp rồi khiêng ném đồng chí vào chảo nước đang sôi bốc khói ngùn ngụt. Đồng chí Bê anh dũng hy sinh…
Địch thâm độc khi dùng những hình thức hành hạ, tra tấn dã man nhằm tiêu diệt dần lực lượng cách mạng; đồng thời, để khủng bố tinh thần chiến đấu của tù nhân. Thế nhưng, các nhà tù đã trở thành trường học cách mạng được tổ chức chặt chẽ. Những người cộng sản và những người có cảm tình với cách mạng đã được học tập lý luận cách mạng, đường lối, chủ trương của Đảng trong từng thời kỳ, tình hình thế giới và trong nước, học tập công tác vận động quần chúng, học tập văn hóa…
Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng đồng chí Đỗ Tấn Minh (chú Tư Minh), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những lời giáo huấn về tôn chỉ, mục đích, lý tưởng của Đảng, về phẩm chất của người đảng viên… của thế hệ đi trước cũng là những tù nhân trong Nhà tù Phú Quốc truyền đạt lại. Nhờ vậy, nhà tù đã trở thành trường học cách mạng, tôi luyện chú trở thành đảng viên trung kiên, giữ vững khí tiết cho đến ngày trao trả tù binh sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 1973).
Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong ký ức người cựu tù kháng chiến Nguyễn Văn Thép (chú Ba Thép) ở xã Tân Hội, TX. Cai Lậy vẫn còn nhớ mãi về những năm tháng bị giam cầm trong Nhà tù Phú Quốc. Ký ức ấy không chỉ là những “mảng tối” của những trận đòn tra tấn dã man, mà còn có những mảng màu hồng tươi sáng, đó là khi chú được các thế hệ đàn anh truyền đạt, bồi dưỡng, giáo dục để nâng cao nhận thức hơn nữa về lý tưởng cách mạng, về đường lối của Đảng… Vì vậy, với chú Ba Thép, Nhà tù Phú Quốc chính là nơi tôi luyện để chú trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên trung, hiểu biết thêm về Đảng, củng cố vững chắc thêm về quan điểm, lập trường.
NƠI TÔI LUYỆN TINH THẦN CHIẾN ĐẤU
Ở tuổi 78, với nhiều bệnh tật do hậu quả của những trận đòn tra tấn trong tù, chuyện đời có cái nhớ cái quên, nhưng những nhục hình dã man trong khoảng thời gian chú Ba Thép bị giam giữ từ Khám đường Mỹ Tho, rồi đến Nhà tù Cần Thơ, Nhà tù Phú Quốc thì mãi mãi hằn sâu trong ký ức. Cũng muốn quên đi, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương hằn sâu trên da thịt lại nhức buốt. Những lúc ấy, ký ức kinh hoàng về những năm tháng sống nơi “địa ngục trần gian” lại dội về trong giấc mơ khiến chú buốt lòng. Làm sao có thể quên khi trên người chú chi chít những vết sẹo, 2 chân bây giờ cũng không còn mắt cá, trên đầu thì hằn sâu vết sẹo từ đỉnh đầu xuống tận gáy…
Đục xương, phơi nắng, đóng đinh, tra điện, đục răng, đập nát các đầu ngón tay, trùm bao bố đem luộc nước sôi..., đó là những hình thức hành hạ, tra tấn tù binh dã man chẳng khác gì hình phạt thời trung cổ. Nhưng vượt lên gông cùm, tội ác của thực dân và đế quốc, những người cộng sản kiên trung đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, biến những bức tường đá lạnh lẽo thành những viên gạch hồng ấm áp tình đồng chí, biến bóng đêm đen tối của nhà tù thành những tia sáng cách mạng tỏa khắp nơi nơi… Tất cả là nhờ có Đảng. Đảng đã soi đường, dẫn lối. Đảng đã hun đúc, tạo nên sức mạnh vô biên để biến những con người bình thường trở nên phi thường… |
Đầu năm 1961, chú Ba Thép tham gia sinh hoạt Đoàn tại xã Mỹ Hạnh Đông, được một thời gian thì chuyển sang du kích xã Tân Hội, rồi tham gia binh vận khu Trung Nam bộ. Đầu năm 1968, chú bị chỉ điểm nên bị bắt. Bọn giặc dùng đủ nhục hình để tra khảo, nhưng trước sau chú vẫn không khai. Sau đó, bọn chúng đưa chú xuống Khám đường Mỹ Tho, rồi chuyển về Khám lớn Cần Thơ và đày ra Nhà tù Phú Quốc.
Ký ức khoảng thời gian 5 năm 4 tháng sống ở “địa ngục trần gian” lại ùa về, chú cho biết: Những lần đầu ráng chịu đau, riết rồi sẽ quen, giữ được bí mật cho cách mạng. Ngày nào bọn giám thị cũng buộc chú và anh em bạn tù ngồi xổm trong thùng phuy. Dùi cui, súng ống chúng nện vào thùng làm đầu đau như búa bổ. Cũng có khi chúng cho đổ đầy nước vào đó, dùng cây gõ bên ngoài, nhiều người chịu không nổi, nôn mửa ra máu vì sức ép của nước. Có người không chịu được, phát điên, cả đêm gào thét. Qua mấy ngày bị tra tấn như thế, da thịt của chú và anh em đều bị lở loét, nhưng tinh thần thì vẫn giữ vững, quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ Đảng, bảo vệ anh em, đồng đội trong nhà lao.
Chiến tranh đã lùi xa. Những năm tháng bị bắt giam cầm ở Nhà tù Phú Quốc cũng lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng sống trong “địa ngục trần gian” thì vẫn xanh tươi mãi cùng năm tháng trong tâm khảm người cựu tù kháng chiến Đỗ Tấn Minh. Chú Tư Minh nhớ mãi ngày 30-8-1968, khi ấy chú là Xã đội phó, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thành Công, huyện Gò Công Tây. Hôm ấy địch càn vào địa bàn xã Thành Công, chú cùng với 4 người rút xuống hầm bí mật, bị địch phát hiện ném lựu đạn vào hầm làm 2 người hy sinh và 3 người còn lại bị bắt. Tiếp theo đó, bọn giặc giam cầm chú ở Khám Gò Công, rồi Nhà tù Cần Thơ, sau đó là Nhà tù Phú Quốc; bị biệt giam, nhốt trong chuồng cọp cùng với mọi hình thức đánh đập, tra khảo… Nhưng vượt lên trên những gông cùm, tra khảo, đánh đập dã man của kẻ thù là sự kiên trung, là tinh thần cách mạng thấm đẫm trong từng tế bào da thịt.
Thế nên chú Tư vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, biến nhà tù thành trường học cách mạng; biến những nhục hình, tra khảo thành thử thách để tôi luyện lý tưởng; biến “địa ngục trần gian” thành nơi rèn luyện tinh thần chiến đấu ngoan cường..., quyết không lùi bước trước những mưu sâu, kế độc của địch.
Trong ký ức của cựu tù kháng chiến Trần Văn Mừng (ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) vẫn còn nhớ những trận đòn tra tấn của địch ở Nhà tù Phú Quốc, khiến chú “chết đi sống lại” không biết bao lần. Mấy chục năm trôi qua, nhưng chú Mừng vẫn nhớ mãi một ngày trong tháng 10-1971, chú bị 2 tên quân cảnh đánh ngất xỉu, rồi kéo tay chú lên bàn đập nát 10 đầu ngón tay mất không còn móng nào, để “coi có còn đào hầm được không”.
Gần nửa tháng sau chú mới có thể kẹp muỗng múc cơm ăn được (cho đến giờ 10 ngón tay của chú Mừng vẫn không thể ra móng, khi trái gió trở trời là các ngón tay lại nhức buốt). Tuy nhiên, dù bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng chưa bao giờ chú rời đồng đội, rời hàng ngũ chiến đấu trong nhà lao, mà ngược lại càng hun đúc thêm tinh thần chiến đấu kiên cường hơn. Chính vì vậy, mỗi lần có những người tù vượt ngục, được thả ra hoặc mãn hạn về, nhà tù lại cống hiến cho đất nước những chiến sĩ được thử thách và đào tạo, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng không ngừng phát triển…
THIÊN LÊ
(Bài viết được thực hiện năm 2020)