Thứ Sáu, 05/05/2023, 21:20 (GMT+7)
.

Công nhân KCN Tân Hương kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang nhiều vấn đề cấp thiết

(ABO) Chiều 5-5, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cùng một số đơn vị liên quan tổ chức tiếp xúc 150 công nhân, lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Đoàn ĐBQH tỉnh lắng nghe ý kiến công nhân
Đồng chí Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH tỉnh Tiền Giang lắng nghe ý kiến công nhân, lao động.

Tham dự buổi tiếp xúc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh, cùng các ĐBQH tỉnh: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang, Nguyễn Văn Dương. Tham dự còn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Nguyên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh...

Đồng chí Nguyễn Văn Danh điều hành trả lời ý kiến công nhân
Đồng chí Nguyễn Văn Danh điều hành trả lời ý kiến công nhân

Sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang báo cáo dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều công nhân có ý kiến kiến nghị liên quan đến các vấn đề như: Tỉnh cần quan tâm đầu tư khu vui chơi, giải trí cho công nhân; xây dựng nhà trẻ cho công nhân gửi con để yên tâm làm việc.

Nhiều công nhân cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi gây nhiều khó khăn đối với công nhân, đề nghị Quốc hội xem xét đối với điều kiện lao động thiếu ổn định của công nhân, lao động; tình trạng kẹt xe ở Khu công nghiệp Tân Hương; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhiều công nhân lớn tuổi từ 35 - 40 tuổi bị doanh nghiệp sa thải, không có thu nhập để tiếp tục tham gia BHXH. Mặt khác, đơn hàng cắt giảm khiến cho thu nhập của công nhân giảm, ảnh hưởng đến đời sống, đề nghị Quốc hội có giải pháp đối với thực trạng này và tỉnh có giải pháp thu hút đầu tư tạo thêm việc làm cho người lao động...

Bên cạnh đó, 2 vấn đề nhiều công nhân quan tâm kiến nghị là ngành Ngân hàng cần có gói cho vay ưu đãi đối với công nhân, lao động và tỉnh quan tâm sớm có nhà ở xã hội để công nhân có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.

KIẾN NGHỊ CÓ GÓI HỖ TRỢ CHO CÔNG NHÂN VAY ƯU ĐÃI

Tại buổi tiếp xúc, nhiều công nhân cho biết, tình hình kinh tế khó khăn, nhất là sau dịch Covid-19, doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng, công nhân thiếu tiền sinh hoạt, vay "tín dụng đen" thì không có khả năng trả, đề nghị ngành Ngân hàng có gói cho vay ưu đãi đối với công nhân, lao động. Ngoài ra, các trụ ATM tại Khu công nghiệp Tân Hương thường xuyên quá tải không đáp ứng nhu cầu rút tiền của công nhân, đề nghị lãnh đạo tỉnh, ngành Ngân hàng có giải pháp tháo gỡ.

Liên quan đến vấn đề cho vay ưu đãi đối với công nhân, lao động, tại buổi tiếp xúc, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện Tổ chức Tài chính vi mô CEP có cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi. Thời gian qua, Tổ chức Tài chính vi mô CEP đã cho công nhân của nhiều doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vay; vì vậy, Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp tại KCN Tân Hương có thể liên hệ tổ chức tài chính này để có thông tin hướng dẫn công nhân nếu có nhu cầu vay ưu đãi.

Bên cạnh đó, vào tháng 6-2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận với 2 doanh nghiệp là Công ty Tài chính TNHH HD SAISON và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) gói tín dụng 20.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi dành cho công nhân, người lao động.

Đây là chương trình phúc lợi có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ công nhân, lao động, đoàn viên Công đoàn. Theo đó, các gói tín dụng ưu đãi, gồm: Cho vay tiêu dùng tiền mặt (lãi suất 15% - 25%/năm; giảm 50% - 70% lãi suất so với khách hàng thông thường); sản phẩm cho vay trả góp mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình (lãi suất thấp nhất 0%, trả trước chỉ từ 0 đồng tại hệ thống đối tác của công ty); sản phẩm thẻ tín dụng (miễn phí thường niên ít nhất năm đầu, 0% - 25% lãi suất cho giao dịch chi tiêu mua sắm, không phí mở thẻ, không phí tin nhắn, hạn mức tín dụng từ 6 đến 60 triệu đồng/thẻ)…

Hiện LĐLĐ một số tỉnh, thành đã phối hợp với 2 doanh nghiệp nêu trên để triển khai đến công nhân, lao động. Thời gian tới, gói hỗ trợ này cũng sẽ được LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đưa đến cho công nhân tiếp cận.

Nhiều công nhân lao động phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Nhiều công nhân, lao động phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Về vấn đề các trụ ATM tại KCN Tân Hương quá tải, đại diện NHNN tỉnh Tiền Giang mong công nhân thông cảm do thời điểm trả lương của doanh nghiệp chỉ vài ngày nên thường lượng công nhân rút tiền quá tải chỉ xảy ra trong mấy ngày trả lương. Hiện trên địa bàn xã Tân Hương có 11 trụ ATM/hơn 270 trụ ATM của cả tỉnh, chiếm khoảng 5% số trụ ATM trên toàn tỉnh nên không thể tránh khỏi tình trạng quá tải cục bộ.

Mặt khác, hiện nay theo chủ trương chung của Chính phủ đang hướng đến không dùng tiền mặt mà thanh toán qua thẻ, qua điện thoại... nên hạn chế việc đầu tư thêm các trụ ATM về KCN. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng ghi nhận ý kiến cử tri và sẽ khuyến khích các ngân hàng chi nhánh khác tranh thủ sự hỗ trợ của hội sở các ngân hàng khi có thay đổi địa điểm ATM thì ưu tiên chuyển địa điểm về KCN Tân Hương tháo gỡ khó khăn về máy ATM.

Ngoài ra, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tiền Giang Dương Văn Hoàng cho biết, NHCSXH tỉnh chưa có chương trình cho vay ưu đãi riêng đối với công nhân nhưng NHCSXH tỉnh có cho vay qua hộ gia đình, công nhân thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn, hay có nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm, thì NHCSXH tỉnh có một số chương trình, do đó công nhân có thể đến ngân hàng vay với lãi suất ưu đãi...

KIẾN NGHỊ SỚM HOÀN THÀNH NHÀ Ở XÃ HỘI

Tại buổi tiếp xúc, công nhân có ý kiến liên quan đến tình trạng công nhân đang gặp khó khăn về nhà ở. Công nhân cho rằng, nhu cầu nhà ở của công nhân đang rất cấp thiết nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào cho công nhân hoàn thành. Đề nghị lãnh đạo quan tâm hỗ trợ để công nhân có cơ hội được mua nhà ở xã hội, ổn định cuộc sống...

ĐBQH tỉnh trả lời ý kiến công nhân
ĐBQH tỉnh Tiền Giang trả lời ý kiến công nhân.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng cho rằng, thời gian qua Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm chỉ đạo, LĐLĐ tỉnh tập trung thực hiện các chính sách đối với công nhân, lao động từ các chính sách hỗ trợ Covid-19 như: "3 tại chỗ", cách ly tập trung F0, F1… đều có chính sách hỗ trợ và hiện nay đang áp dụng chính sách của Tổng LĐLĐ Việt Nam theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Đặc biệt nhà ở xã hội cho công nhân, Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Tại tỉnh Tiền Giang được sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn tại các KCN, khu chế xuất” (gọi tắt là Đề án) theo Quyết định 655 ngày 12-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó có Dự án Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Tiền Giang được xây dựng tại vị trí khu vực trung tâm TP. Mỹ Tho, gồm nhiều hạng mục: Nhà đa năng quy mô 2 tầng, với sức chứa 800 chỗ; các công trình sân thể thao ngoài trời; các khối nhà ở chung cư cao tầng với số lượng khoảng 1.000 căn hộ có diện tích từ 30 đến 45 m2; các khu dịch vụ thương mại, khu y tế, giáo dục bố trí tại tầng 1 các tòa nhà; công viên cây xanh... Phân kỳ đầu tư gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án, hạng mục Nhà đa năng; Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành các công trình nhà ở theo quy hoạch được duyệt.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Tuy nhiên quá trình thực hiện do còn khó khăn, vướng bởi một số quy định của Luật Nhà ở, Luật Bất động sản, Luật Đất đai và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tiến độ có chậm. Đến nay, Dự án Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành giai đoạn 1, chuẩn bị bàn giao cho đơn vị sử dụng, còn giai đoạn 2 đang tiếp tục thực hiện và hiện đang trong giai đoạn mời gọi đầu tư.

Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành trả lời một số ý kiến của công nhân
Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành trả lời một số ý kiến của công nhân.

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng chia sẻ với những khó khăn về nhà ở của công nhân. Đồng chí cho rằng, thời điểm xảy ra dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh đã đi thực tế ở nhiều khu nhà trọ công nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó có KCN Tân Hương và thấy rất xót xa bởi điều kiện sống quá chật hẹp. Về chủ trương chung của tỉnh, đều có tính toán đến nhà ở cho công nhân. Trước đây, tỉnh đã cho quyết định giao cho nhà đầu tư, đầu tư dự án nhà ở xã hội tại huyện Châu Thành phục vụ cho các đối tượng theo quy định, tuy nhiên do nhà đầu tư không đủ năng lực và một số bất cập trong thiết kế. Hiện UBND tỉnh đã xin chủ trương của Tỉnh ủy điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế, hy vọng sẽ sớm hoàn thiện để giải quyết phần nào khó khăn về nhà ở cho công nhân, lao động.

Quang cảnh buổi tiếp xúc
Quang cảnh buổi tiếp xúc.

Dịp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã trao tặng 100 phần quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn (mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng).

Một số hình ảnh trao quà cho công nhân, lao động tại buổi tiếp xúc:

HOÀI THU

.
.
.