Thứ Sáu, 26/05/2023, 17:11 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội Tiền Giang góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

(ABO) Ngày 26-5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)... Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp tục góp nhiều ý kiến thảo luận tại Hội trường.

Góp ý thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đề nghị không quy định về Ngày Quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong Luật này.

Đại biểu cho biết, bởi vì việc công nhận ngày truyền thống được thực hiện theo Luật Tổ chức Chính phủ, Nghị định số 111 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, thẩm quyền quyết định các ngày này thuộc Thủ tướng Chính phủ, như Ngày Hợp tác xã Việt Nam 11-4 theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 27-7-2011, Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 theo Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20-9-2004… Vì vậy, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định nội dung này tại dự thảo Luật

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại Hội trường.

Đối với Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng mẫu, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của riêng người tiêu dùng là chưa hợp lý.

Người tiêu dùng chỉ là một trong những chủ thể được pháp luật bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia vào các hoạt động giao dịch dân sự. Đồng thời, quy định này cũng chưa phù hợp với nguyên tắc tự do, thỏa thuận của các bên trong Bộ luật Dân sự.

Đại biểu cho rằng, mỗi luật chuyên ngành có những quy định đặc thù, khác nhau về nội dung của hợp đồng. Ví dụ: Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về nội dung của hợp đồng có một số khác biệt so với Luật này. Như vậy, liệu các nội dung cơ bản tại khoản 3 đã là đầy đủ, là mẫu số chung của các hợp đồng theo mẫu của tất cả các lĩnh vực trong hệ thống pháp luật có liên quan đến người tiêu dùng hay chưa? Quy định này có thể dẫn đến mâu thuẫn, vướng mắc trên thực tế.

Đồng thời, việc quy định nội dung này tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là chưa hợp lý; hiện nay Bộ luật Dân sự đã có một số quy định chung về hợp đồng theo mẫu. Do vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định này và cho biết thêm Bộ luật Dân sự đã có một số quy định chung về hợp đồng theo mẫu.

Liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự về quyền lợi của người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, dự thảo Luật phân định hai trường hợp áp dụng được hiểu là đối với các giao dịch có giá trị trên 100 triệu đồng thì áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự, còn dưới 100 triệu đồng thì áp dụng Luật này.

Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định theo hướng vụ án dân sự, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện; đồng thời, bỏ quy định giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng lưu ý một số nội dung về kỹ thuật lập pháp và đề nghị rà soát để bảo đảm cụ thể, khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến tại Hội trường.

Cũng góp ý đối với dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nhiều ý kiến phát biểu của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4 để đảm bảo thực hiện mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Dự thảo Luật lần này đã bổ sung Điều 36 với các biện pháp khắc phục cụ thể những hạn chế, bất cập được đại biểu ý kiến ở nhiều kỳ họp trước.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, thực tế người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ ngày càng gia tăng không khác gì so với việc mua, sử dụng các sản phẩm, hàng hóa và với đặc thù là đối với dịch vụ, người tiêu dùng chỉ có thể nghiên cứu trước các thông tin chính thống, thông tin tham khảo về dịch vụ đó chứ không thể “kiểm tra dịch vụ trước khi nhận” như đối với các sản phẩm, hàng hóa khác, khiến cho các nguy cơ rủi ro về “dịch vụ lỗi” “dịch vụ không đúng như yêu cầu” có thể dễ dàng xảy ra hơn so với “hàng hóa khuyết tật”.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện về các biện pháp khắc phục tại Điều 36 của dự thảo Luật cũng như các điều khoản liên quan khác để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ được tương đương và công bằng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, mua hàng hóa, sản phẩm.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương: “Phụ nữ đang mang thai, hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi”, đại biểu phân tích, thực tế cho thấy, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con trong giai đoạn từ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi cũng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi trong tiêu dùng, trong tiếp cận thông tin về sản phẩm, dịch vụ; khả năng tham gia giải quyết các tranh chấp; việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo chất lượng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới người mẹ và trẻ nhỏ…

Và để thống nhất với các quy định của pháp luật khác liên quan tới quyền lợi được bảo vệ của phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị sửa lại quy định này thành “Phụ nữ đang mang thai, hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi”. 

Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 6, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng đề nghị bổ sung thêm một nguyên tắc là ưu tiên người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào cuối khoản 3.

Và để cụ thể hóa nguyên tắc mới được bổ sung này, tại các quy định cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị tại điểm a, khoản 2 của Điều 8 bổ sung thêm nội dung: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương được các tổ chức xã hội ưu tiên tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ khi có tranh chấp xảy ra.

Quang cảnh kỳ họp
Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường.

Ngoài ra, để thực hiện quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng của cả hai giới, đặc biệt là quyền lợi của giới nữ chiếm một số lượng không nhỏ trong số những người tiêu dùng, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: Không phân biệt đối xử về giới vào khoản 5 của Điều 6, để đảm bảo trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì sẽ không tạo ra bất kỳ sự phân biệt đối xử về giới nào đối với cả phụ nữ và nam giới.

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.