Thứ Tư, 03/05/2023, 15:01 (GMT+7)
.

Khi có 2/3 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, cán bộ có thể bị miễn nhiệm hoặc từ chức

Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22-5.

Theo dự thảo, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm (thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm) đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Các chức danh Quốc hội phê chuẩn gồm: Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với: Chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban của Hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên Ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

a
Một phiên họp của Quốc hội khóa XV. Ảnh minh họa: VPQH.

Người có 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức

Việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Người có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức, hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Với trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm (thể hiện sự tín nhiệm hoặc không đối với người giữ chức vụ), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".

Với Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân bỏ phiếu đối với trường hợp: Có kiến nghị của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân; có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".

Theo dự thảo nghị quyết, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "không tín nhiệm" thì xin từ chức. Trường hợp không từ chức, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp gần nhất.

Tiêu chí nào đánh giá mức độ tín nhiệm?

Việc đánh giá mức độ tín nhiệm dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật của cán bộ; thông qua việc chấp hành sự phân công của tổ chức, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả thực hiện quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, mức độ tín nhiệm còn được đánh giá dựa trên kết quả công tác của cơ quan trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết.  

Quốc hội từng lấy phiếu tín nhiệm ba lần vào tháng 6-2013, tháng 11-2014 và tháng 10-2018, bằng cách bỏ phiếu kín với ba mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Trong cả ba lần, không có ai bị trên 50% tín nhiệm thấp.

Theo qdnd.vn

 

.
.
.