BÀI 1: Từ suy thoái đến tham nhũng, tiêu cực
Tham nhũng (TN), tiêu cực (TC) luôn là một “vấn nạn” mang tính chất thời sự, chính trị sâu sắc. Nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, là lực cản lớn đối với sự phát triển của đất nước. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch đã cố tình đưa ra những lập luận xuyên tạc sự lãnh đạo, những thành tựu về công tác phòng, chống TN, TC của Đảng, Nhà nước.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ (CB), đảng viên (ĐV), nhất là CB lãnh đạo, quản lý các cấp đã và đang diễn ra phức tạp. Thực trạng này chính là nguồn gốc của TN, TC.
KHẲNG ĐỊNH LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI CỘNG SẢN
Các lực lượng thù địch luôn tìm cách chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng mọi cách. TN, TC luôn là chủ đề mà các đối tượng thù địch tìm mọi cơ hội khoét sâu và lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận CB, ĐV để xuyên tạc, bôi nhọ uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Ngày 10-5-2023, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TN, TC đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: noichinh.vn |
Cần phải khẳng định rằng, hệ thống chính trị Việt Nam được thiết lập chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, việc đào tạo CB, ĐV là khâu quan trọng được đặt lên hàng đầu, người có “tài”, có “đức” được đề cử giao những chức vụ quan trọng. Việt Nam là một nước “của dân, do dân, vì dân”, đảm bảo thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì thế, CB, ĐV - những người “cầm cân nảy mực” phải thực sự vì dân, vì mục tiêu lý tưởng mà Đảng và Nhà nước ta luôn hướng đến là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
"Phòng, chống TC, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong CB, ĐV, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của TN”. TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG |
Đội ngũ CB, ĐV trong hệ thống chính trị nước ta đều nêu cao lý tưởng của người cộng sản, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng cứu nước và ngay cả khi công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước diễn ra với muôn vàn khó khăn, thử thách, từ chiến thắng chủ nghĩa thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, từ thời kỳ kế hoạch hóa tập trung cùng cơ chế quan liêu, bao cấp, Đảng ta đã “mạnh dạn” vượt qua những giới hạn, rào cản”, đổi mới tư duy tìm kiếm cách làm, cơ chế phù hợp hơn cho dân tộc, cho nhân dân trong cơ chế mới - kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế.
Sức mạnh của tinh thần đoàn kết là tường thành kiên cố, trên dưới một lòng của cả hệ thống chính trị đã vững vàng vượt qua phong ba, bão táp, đất nước ta đã từng bước chuyển mình có “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Qua thực tiễn đã chứng minh, đội ngũ CB, ĐV luôn là lực lượng nòng cốt, thực thi chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, là “công bộc” đại diện cho quyền lợi của nhân dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Đáng tiếc vẫn còn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB, ĐV, ảnh hưởng đến hệ thống chính trị nước ta, chưa được ngăn chặn thực sự hiệu quả, có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng: “Một bộ phận CB, ĐV phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” mà Đảng ta đã nhận định tại Đại hội lần thứ XIII.
“CON SÂU LÀM RẦU NỒI CANH”
Rõ ràng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” sẽ dẫn đến “tự chuyển hóa” của CB, ĐV, nhất là những người thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở dẫn đến hệ lụy, đó là vấn nạn TN. Biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức không chỉ dừng lại ở việc biến tài sản của công thành của tư, không đơn thuần là nhận và đưa hối lộ, mà còn biến chứng lên đến TN, TC cả địa vị, chức vụ, quyền lực, vị thế, cơ hội, liên kết tạo lập, bảo vệ lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, không thể quy chụp các đối tượng nắm quyền lực là sẽ TN, TC, mà trong những hoàn cảnh cụ thể, một số người được giao quyền lực vì động cơ xấu, lợi dụng “kẽ hở” của cơ chế, chính sách, sự quản lý và lạm dụng quyền lực để mưu lợi riêng. Vì vậy, cần phải xác định phân loại đối tượng, xác định điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, không nên nói một cách chung chung khiến kẻ xấu có cơ hội lợi dụng xuyên tạc.
Tựu trung lại, TN, TC được hình thành trên 3 yếu tố chủ yếu là lạm dụng quyền lực, lòng tham vị kỷ và lợi dụng sơ hở của cơ chế quản lý kinh tế gây bức xúc trong nhân dân, ngân sách quốc gia thất thoát và ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng. Nhìn từ góc độ khác, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống còn diễn ra ở việc do “chạy theo thành tích”.
Rõ ràng, khoảng cách giữa “bàn tay” sạch và “bàn tay” trót “nhúng chàm”, giữa liêm chính và tham vọng là rất ngắn. Do đó, mỗi CB, ĐV cần phải tỉnh táo, “phải có ý thức giữ mình trong sạch, ai đã trót “nhúng chàm” thì phải tự gột rửa để xứng đáng hơn với niềm tin, sự gửi gắm của nhân dân”. Đó là điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.
SỰ CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT CỦA ĐẢNG
Trong từng kỳ Đại hội Đảng và nhiều hội nghị Trung ương Đảng các khóa luôn xác định, làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống TN, TC, coi TN, TC là kẻ thù của Đảng; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ CB, ĐV là mối nguy cơ đe dọa trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Phòng, chống suy thoái, TN, TC là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh.
Ngày 4-7-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang khóa XI tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Văn Thảo |
Nếu như trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: “Một bộ phận không nhỏ CB, ĐV, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số CB cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ...” thì “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn...” được Đảng ta khẳng định tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.
Đó là bước chuyển quan trọng trong tư duy nhận thức, lý luận của Đảng, đánh giá đúng thực trạng và dự báo sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ sẽ là một quá trình tất yếu.
Trên cơ sở nhận diện những biểu hiện, tình trạng của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức của CB, ĐV, nên công tác xây dựng Đảng về đạo đức tiếp tục được đề cao, “góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được khẳng định tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Gần đây, với sự tổng kết từ thực tiễn và kinh nghiệm trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong CB, ĐV, coi đây là gốc của mọi vấn đề”.
Do đó, để củng cố, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh đúng với sự tin yêu của mọi tầng lớp nhân dân, Đảng ta ngay từ đầu đã nhận thức và đưa ra đường lối, chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời để ngăn chặn những biểu hiện suy thoái của CB, ĐV và trong công tác đấu tranh phòng, chống TN, TC.
Cuộc đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị mà cụ thể là TN, TC đang thực sự là cuộc chiến của toàn Đảng, toàn dân. Bởi lẽ, đây là một “lỗ hổng” trong hệ thống chính trị nước ta mà chính một bộ phận CB, ĐV suy thoái, biến chất đã và đang là “nguồn dẫn” cho các lực lượng phản động thêu dệt luận điệu xuyên tạc, chống phá chính quyền, chống phá chế độ ta.
LÊ NGUYÊN
(còn tiếp)