Thứ Hai, 26/06/2023, 11:57 (GMT+7)
.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là quan điểm xuyên suốt của Đảng

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau. Thông qua đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

NAM - NỮ BÌNH QUYỀN

Quan điểm “nam - nữ bình quyền” đã được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Quan điểm của Đảng ta về phụ nữ tham chính được thể hiện rõ qua các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ nữ qua các thời kỳ.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy,  Chủ tịch  UBND tỉnh  Nguyễn Văn Vĩnh tặng hoa  chúc mừng cán bộ nữ các thời kỳ của tỉnh tại buổi  Họp mặt nhân  kỷ niệm  Ngày thành lập  Hội Liên hiệp  Phụ nữ Việt Nam 20-10-2022. Ảnh: LÊ NGUYÊN
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tặng hoa chúc mừng cán bộ nữ các thời kỳ của tỉnh tại buổi Họp mặt nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10) năm 2022. Ảnh: LÊ NGUYÊN

Nghị quyết 11 ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nhấn mạnh xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng.

Việt Nam đã cam kết thúc đẩy sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong lĩnh vực tham chính thông qua việc phê chuẩn các công ước quốc tế quan trọng, như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước về quyền chính trị và dân sự năm 1982; Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về bình đẳng; Tuyên bố Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (năm 1995)… là sự khẳng định nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, kể cả tham gia vào quá trình ra quyết định và tiếp cận quyền lực.

Xác định bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng luôn quan tâm tới việc thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Luật Bình đẳng giới và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu cụ thể trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Các cơ quan, tổ chức hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của nữ giới đang từng bước được hoàn thiện.

Với những nỗ lực tích cực nêu trên, sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị đất nước đã có sự tăng lên, như có 19 nữ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội khóa XV có 151 đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 30,26% (cao nhất từ khóa VI trở lại đây), tỷ lệ nữ ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phụ nữ về những thách thức đối với sự tham gia của phụ nữ ở lĩnh vực chính trị, Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch, chương trình nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật Bình đẳng giới và thực hiện có kết quả, bước đầu tác động tích cực đến công tác phụ nữ, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ.

Qua 15 năm triển khai và thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tạo mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm trong tổ chức. Công tác triển khai được thực hiện thông qua nhiều hình thức, nội dung phù hợp tạo sự quan tâm của các ngành, các cấp, góp phần tạo cơ hội cho phụ nữ phát huy năng lực và nâng cao vị thế của mình trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 24-7-2007 của Bộ Chính trị, Tiền Giang đã ban hành các văn bản nhằm thống nhất trong lãnh đạo thực hiện công tác phụ nữ như các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11; Chương trình hành động thực hiện công tác cán bộ nữ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025…

Sau 15 năm thực hiện, nhiều chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết 11 và Chương trình hành động của tỉnh đã đạt và vượt. Các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ nữ.

Trong đó, mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nữ có cơ hội trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; góp phần đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách đề cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là nữ theo quy định.

Số lượng nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 3/8 đại biểu, chiếm tỷ lệ 37,5%, so với nhiệm kỳ 2016 - 2021 tăng 2 nữ đại biểu (nhiệm kỳ trước là 1/8, tỷ lệ 12,5%). Nhìn chung, việc thực hiện bình đẳng giới về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, đã từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo trong Đảng và chính quyền tại địa phương.

MAI HÀ

.
.
.