Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tranh luận về khai thác cát phục vụ công trình giao thông
(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 8-6, trong Phiên chất vấn nhóm vấn đề về giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đã có phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng xoay quanh vấn đề nguồn cung cấp cát san lấp và bảo đảm môi trường thi công cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang dẫn chứng số liệu, Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo dự tính cần khoảng 18 triệu mét khối cát đắp nền, tuy nhiên đến nay các địa phương mới cam kết cung cấp được khoảng 3 triệu mét khối. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ thị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng công suất ở các mỏ đang khai thác, cấp lại giấy phép cho các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa theo quy định.
Tuy nhiên, theo phân tích của đại biểu Nguyễn Minh Sơn, việc tăng cường khai thác cát có thể ảnh hưởng lớn đến môi trường, gây sụt lún, sói lở, đặc biệt đối với các nhánh sông Tiền, sông Hậu tại khu vực này. Mặt khác, đối với khu vực này, giải pháp xây dựng có thể bằng cách xây dựng “cầu cạn” để tiết giảm khối lượng cát đắp, cũng như giảm tác động xấu cho môi trường.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị Bộ trưởng làm rõ trong quá trình thiết kế, phê duyệt dự án đã tính toán kỹ lưỡng trong việc lựa chọn phương án chưa? Việc đánh giá tác động môi trường của dự án đã được tính toán phù hợp và bảo đảm tính khả thi, bền vững của dự án đến phát triển của cả vùng chưa? Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng làm rõ các giải pháp để bảo vệ môi trường khi nâng công suất, tăng cường khai thác các mỏ cát tại khu vực này.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn tranh luận tại hội trường. |
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguồn cát hiện nay theo quy hoạch khoảng 130 triệu mét khối, chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Trên địa bàn có 8 dự án và cần khoảng 50 triệu mét khối cho nên nhìn chung về tổng thể vẫn đảm bảo cho nguồn cung nguyên vật liệu thi công dự án này.
Đối với vấn đề sử dụng cát biển trong xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, Bộ trưởng cho biết, hiện nay theo quy hoạch chúng ta vẫn đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cho quá trình thi công dự án này. Riêng với Dự án Cần Thơ - Cà Mau, trên cơ sở Bộ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc trực tiếp với 3 tỉnh, Thủ tướng đã giao các địa phương cung cấp vật liệu. Bộ trưởng cho biết, các tỉnh rất ủng hộ, đang làm quy trình thủ tục để cấp phép vật liệu cho tuyến đường này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng nhìn nhận, hiện Đồng bằng sông Cửu Long còn khoảng 1000 km đường cần phải xây dựng nên rất ghi nhận ý kiến đại biểu và sẽ nghiên cứu rất thận trọng; nếu có thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình để thí điểm trong quá trình triển khai thực hiện ở các công trình sau. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng thông tin thêm những tín hiệu khả quan về việc sử dụng cát biển thay thế cát sông cho các công trình tới đây sau khi hoàn tất nghiên cứu khả thi loại vật liệu này.
Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ tư đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong Phiên chất vấn đã có 112 ĐBQH đăng ký chất vấn, trong đó có 20 đại biểu đặt câu hỏi và 17 đại biểu tranh luận. Có 76 đại biểu đăng ký chất vấn và 2 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản theo quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời các nội dung đại biểu chất vấn, tranh luận. |
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, rất thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Các ĐBQH đã bám sát nội dung chất vấn, rất tích cực đeo bám, tranh luận để làm rõ thực trạng và trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, đã trả lời đầy đủ, nhận diện đúng các tồn tại trong ngành, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của Bộ và ngành Giao thông vận tải.
Qua báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các ĐBQH và diễn biến của Phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, ngành Giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành 4/5 quy hoạch ngành quốc gia; tích cực triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia; kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ đạt khá so với mặt bằng chung của cả nước; đã đưa vào khai thác, sử dụng 566 km đường cao tốc phía Đông giai đoạn 1 (2016 - 2020), đang tích cực triển khai và chuẩn bị khởi công các dự án mới…
Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Tai nạn giao thông hằng năm tiếp tục giảm ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từng bước được kiềm chế…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ tư đối với lĩnh vực giao thông vận tải |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giao thông vận tải vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vướng mắc, khó khăn như: Việc tổ chức triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia còn chưa đạt yêu cầu, giải ngân đầu tư công rất chậm; các hình thức PPP và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn rất hạn chế; chưa có giải pháp giải quyết căn bản tồn đọng, vướng mắc của một số dự án BOT.
Thiếu cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích đầu tư phát triển vận tải đa phương thức, vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt; chất lượng dịch vụ vận tải, logistics còn chưa đáp ứng yêu cầu. Để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phạm vi rộng, thời gian dài trong hoạt động đăng kiểm chưa được chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời; việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý lái xe sau cấp phép còn nhiều bất cập và yếu kém.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở kết quả của Phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt.
Thứ ba, chủ trì xây dựng dự án Luật Đường bộ theo phân công của Chính phủ; phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024); đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện…
MINH TRÍ - THU HOÀI