Thứ Năm, 01/06/2023, 09:06 (GMT+7)
.

ĐBQH bức xúc việc dừng tăng lương để chi đầu tư nhưng lại để đọng vốn

ĐB Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, trong khi chúng ta yêu cầu "thắt lưng buộc bụng", dừng tăng lương để dành nguồn lực cho đầu tư thì tiền vốn lại bị tồn đọng, không được phát huy hiệu quả.

a
Quốc hội chiều 31-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 31-5, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có phát biểu đáng chú ý về vấn đề tiền lương. ĐB cho rằng, tháng 10 tới đây, theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương, đây là chính sách quan trọng để phát triển kinh tế.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp. Đặc biệt, chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn, liên tục lùi thời điểm cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Sau hơn 2 năm thực hiện, dù Chính phủ, các bộ, ngành quyết liệt đôn đốc, nhưng vẫn còn rất nhiều vốn chưa thể phân bổ. Cụ thể, còn tới hơn 14.000 tỷ đồng tiền của chương trình phục hồi kinh tế chưa được giải ngân. Trong khi đó, số vốn đầu tư công trung hạn chưa phân bổ còn tới 279.000 tỷ đồng và phần lớn trong số này sẽ được tiếp tục xem xét phân bổ.

Quá trình thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã chỉ rõ việc chậm trễ như trên là hạn chế rất lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng, đây cũng là một dạng lãng phí.

s
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Lưu Mai cho rằng, trong khi chúng ta yêu cầu thắt lưng buộc bụng, dừng tăng lương để dành nguồn lực cho đầu tư thì tiền vốn lại bị tồn đọng, không được phát huy hiệu quả.

Cho rằng, cử tri đang rất quan tâm tới đây khi thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu, ĐB đề nghị cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần đẩy nhanh lộ trình tăng lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, hàng năm cần dành nguồn lực cho tăng lương từ nguồn tăng thu ngân sách; thực hiện đúng trật tự ưu tiên trong sử dụng nguồn tăng thu ngân sách, đó là ưu tiên tăng lương trước khi chi cho các dự án đầu tư.

ĐB cũng đề nghị cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư, đầu tư cho tương lai, cho con người. Đất nước không thiếu người tài, cần có chính sách tiền lương phù hợp để bảo đảm năng suất lao động cũng như trọng dụng người tài.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ tâm đắc với ý kiến này và cho biết, Bộ Nội vụ sẽ sớm tham mưu về lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.