.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Góp ý dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi) và biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết

Cập nhật: 18:07, 22/06/2023 (GMT+7)

(ABO) Ngày 22-6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi). Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia góp ý thảo luận cho dự án luật này và biểu quyết thông qua một số luật, nghị quyết tại hội trường.

Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Có 92 lượt ý kiến phát biểu, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng; xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số; quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới; khắc phục những vướng mắc, bất cập; sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung các chính sách mới để hoàn thiện, thúc đẩy phát triển dịch vụ viễn thông, hạ tầng viễn thông, mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật, các đại biểu đã quan tâm đóng góp rất nhiều ý kiến. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp ý kiến các ĐBQH gửi trên mạng thông tin của Quốc hội. Sau đây, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Tham gia góp ý, thảo luận cho dự án luật này, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, qua nắm tình hình tôi được biết, giai đoạn 2016 - 2020 quỹ đã đạt được một số kết quả viễn thông công ích như sau: Hỗ trợ người dân được miễn giá cước khi gọi đến các số liên lạc khẩn cấp Công an, cứu hỏa, cấp cứu là 63,6 triệu phút; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng dịch vụ điện thoại cố định, di động là 152.000 hộ; hỗ trợ, thiết lập các điểm truy cập công cộng là 884 điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet; hỗ trợ các trường học, bệnh viện sử dụng dịch vụ truy cập Internet là 16,6 ngàn trường học, bệnh viện; hỗ trợ hộ nghèo đầu thu truyền hình số mặt đất để triển khai thực hiện Đề án Số hóa truyền hình mặt đất là 1,9 triệu đầu thu truyền hình số, cấp 88,3% tổng số hộ nghèo, cận nghèo năm 2019 trên toàn quốc.

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết
Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết.

Căn cứ chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, Quyết định số 2269 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu cung cấp dịch vụ viễn thông bắt buộc cho 100% đối tượng sử dụng, bảo đảm 100% nhà giàn, xã đảo, huyện đảo được cung cấp dịch vụ viễn thông phổ thông. Đạt 100% thôn, bản, làng, ấp, phum, sóc, buôn, bon, đảo có hộ dân sinh sống đã có điện thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các khu vực mà doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường được cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất.

Đạt 95% thôn đã có điện thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và các khu vực doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường được cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng cố định. Hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác, ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, hỗ trợ cho 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác trang bị thiết bị đầu cuối phục vụ học tập, thông tin liên lạc.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường.

100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo được hỗ trợ cung cấp dịch vụ truy cập Internet, băng rộng công cộng, hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ truy cập Internet, băng rộng tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo và các khu vực khác theo nhiệm vụ của chương trình. Quỹ đã được quy định tại Pháp lệnh Bưu chính viễn thông năm 2002 và tiếp tục được quy định tại Luật Viễn thông năm 2009 khi Quốc hội khóa XII ban hành.

Do vậy, dự thảo luật sửa đổi lần này đã kế thừa luật hiện hành, không phải quy định tổ chức mới. Ngoài ra, theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế, tính đến năm 2019 đã có 91 nước đã thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Từ các lý do trên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn kiến nghị Quốc hội giữ quy định Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam trong dự thảo luật. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến ĐBQH hoàn thiện quy định về quỹ.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Trong hôm nay, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua 2 dự án luật gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và 2 Nghị quyết gồm: Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.

MINH TRÍ - THU HOÀI

 

.
.
.