Thứ Hai, 05/06/2023, 13:58 (GMT+7)
.

Hành trình cho sự "hồi sinh" của dân tộc

Cuộc hành trình cách đây 112 năm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã mở ra một con đường khai phóng cho dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam mở ra một bước ngoặt mới “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Từ đây, 2 chữ “Việt Nam” thiêng liêng đã xuất hiện và ngày càng tỏa sáng trên bản đồ thế giới.

BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà rơi vào tay thực dân Pháp. Người nhận thức được mỗi người dân đều đang rên xiết trước đời sống thống khổ và thân phận nô lệ dưới chế độ thuộc địa.

Ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.                                                          Ảnh:  Tư liệu TTXVN
Ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Việt Nam lúc này đã xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh mạnh mẽ theo từng phương thức khác nhau. Tuy nhiên, vẫn chưa có phong trào nào đấu tranh theo con đường phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam bấy giờ thuyết phục được Người. Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ rất khác với các vị tiền bối, khác với những người cùng thế hệ và với những người đang bế tắc trong ý thức hệ phong kiến hoặc theo khuynh hướng dân chủ tư sản để cứu nước. Suy nghĩ đó là động lực và cũng là một trong những yếu tố giúp Người tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. 

Thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường đi riêng cho mình, là đi sang nước Pháp, sang các nước phương Tây để xem họ làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào. Như một sự sắp đặt của lịch sử, ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành với tên là Văn Ba đã rời Tổ quốc.

Việc từ một thư sinh, rồi một thầy giáo, có thể nhanh chóng trở thành người lao động chân tay, Người sẵn sàng chấp nhận thử thách, khó khăn đi tìm một con đường mà chưa có người dẫn bước. Người ra đi, gói gém hành trang mang theo là lòng yêu nước, thương dân và khát vọng tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Nguyễn Tất Thành là một người có ý thức độc lập trong suy nghĩ. Không thể nghi ngờ gì về sự lựa chọn của Người, đó không phải là một quyết định mang tính cá nhân. Đó là sự tiếp nối trong một thời kỳ đấu tranh gian khổ, cũng là “thời kỳ thức tỉnh” của nhân dân Việt Nam.

CON ĐƯỜNG TẤT YẾU CỦA DÂN TỘC

Trong suốt cuộc hành trình bôn ba nhiều nước như Pháp, Mỹ, Anh... với nhiều nghề khác nhau, Người gắn mình với phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới; đặc biệt, quan tâm nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới với mong muốn học hỏi được kinh nghiệm giúp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình.

Chỉ sau đó 8 năm, tên tuổi Nguyễn Tất Thành (lúc này với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc) đã được biết đến với yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam gửi lên Hội nghị hòa bình họp tại Vécxây (Pháp) năm 1919. Từ đó, Người cho rằng những lời tuyên bố tự do, tự quyết dân tộc của những nhà chính trị tư bản là những lời “mật ngọt” lừa bịp dân tộc, thực chất là thống trị, chia cắt dân tộc và “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.

Chí lớn của Nguyễn Ái Quốc không phải vì tham vọng cá nhân, không phải phấn đấu cho lợi ích bản thân, mà là muốn nước ta được tự do, độc lập. Nhưng “độc lập” của Người không chỉ là “Nam quốc sơn hà” như Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, mà độc lập phải gắn với quyền của dân. Vì lẽ đó, “tự do, bình đẳng, bác ái” đã sớm trở thành khát vọng sống của Người.

Đến với Chủ nghĩa Lênin là bước ngoặt trọng đại trong quá trình nghiên cứu lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Hình ảnh xúc động của Nguyễn Ái Quốc khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo), số ra ngày 16 và 17-7-1920, “Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” là một minh chứng cho thấy rằng, tình yêu gia đình, quê hương đất nước mãi là một hằng số trong trái tim Người.

Người đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây là con đường triệt để nhất để xóa bỏ áp bức, bóc lột. Do đó, muốn cách mạng thắng lợi thì phải có Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo - đó là Đảng Cộng sản.

Con đường cách mạng này đã đi vào Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam mùa Xuân năm 1930. Từ đó đến nay, cách mạng Việt Nam luôn vận động và phát triển theo con đường cách mạng do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xác lập đã liên tục giành những thắng lợi vẻ vang.

NOI THEO GƯƠNG BÁC

Nối bước theo Người, học tập và làm theo lời Người dạy, trong những năm tháng chiến tranh và khi hòa bình được lập lại, những người con đất Việt không quản ngại gian khó, hy sinh, phấn đấu học tập gắn với thực hành, trở thành người cháu ngoan, người học trò ngoan của Bác thông qua những hành động thiết thực gắn với hoài bão lập thân, lập nghiệp, cống hiến cho quê hương, đất nước.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước chỉ đạo việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên và liên tục. Các tổ chức Đảng, đảng viên hiện thực hóa việc thực hiện Chỉ thị 05, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, đã mang lại những chuyển biến rõ rệt trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

"Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Ở Tiền Giang, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã thực hiện tốt việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên, xây dựng đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và các kế hoạch của cấp ủy thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, đơn vị.

Bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đang từng ngày lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều phong trào, mô hình hay, hình thức phong phú được triển khai như mô hình về xây dựng Tủ sách Bác Hồ, “Thanh niên làm theo lời Bác”, tương trợ giúp nhau làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới... mang lại hiệu quả thiết thực.

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận 01 ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh đã chỉ đạo các cấp ủy trong thời gian tới cần chú trọng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự có hiệu quả và thiết thực, tránh hình thức; gắn việc học tập, làm theo và nêu gương Bác trở thành hành động tự giác, thường xuyên ở mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tăng cường xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh..

LÊ NGUYÊN

 

.
.
.