.

9 nhóm nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 (*)

Cập nhật: 09:42, 03/07/2023 (GMT+7)

Ngày 30-6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng lần thứ 13 để sơ kết, đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

ABO trân trọng đăng toàn văn phát biểu của đồng chí tại hội nghị:

Qua dự thảo báo cáo và qua ý kiến phát biểu của các đồng chí đã nhận định, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng còn lại của năm 2023, đặc biệt là ý kiến phát biểu của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm rõ thêm nhiều vấn đề trong dự thảo báo cáo và thực tiễn, thực trạng của địa phương, đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh lưu ý một số  nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023.

Ý kiến phát biểu của các đồng chí rất sâu sát, đã phân tích, đánh giá cụ thể, toàn diện về những kết quả đã đạt được; những khó khăn, hạn chế còn tồn tại; những đề xuất, kiến nghị và nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, thể hiện rất rõ sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền, của mặt trận, đoàn thể các cấp và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, giao Văn phòng Tỉnh ủy nghiên cứu bổ sung vào nhiệm vụ, giải pháp để triển khai và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023.

Điều đáng mừng, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng 3,03%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 18.515 tỷ đồng, tăng 12,9%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội thực hiện 40.269 tỷ đồng, tăng 14,1%; kim ngạch xuất khẩu 2,27 tỷ USD, tăng 10,9%; chi đầu tư phát triển 3.055 tỷ đồng, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022; đã thu hút 12 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 3,5 ngàn tỷ đồng và thành lập mới 415 doanh nghiệp với vốn đăng ký trên 2,9 ngàn tỷ đồng.

Công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023 được chủ động thực hiện từ sớm, đảm bảo được nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, cải thiện hơn; các chế độ, chính sách cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng xã hội được thực hiện tốt; đã giải quyết việc làm cho khoảng 7.300 lao động, tăng 1,04%, trong đó đã đưa 226 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt; các cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện đa khoa 1.000 giường đã đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt hơn. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Quốc phòng - an ninh trật tự được giữ vững, đã thực hiện nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhiều phương án phòng, chống tội phạm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả.

Qua đó đã phát hiện, kịp thời xử lý các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; tai nạn giao thông đường bộ giảm cả 3 mặt: Giảm 39,9% về số vụ, 38,9% về số người chết và 33% về số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể không ngừng được củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bám sát quy chế làm việc, sâu sát cơ sở; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc theo chương trình, theo kế hoạch; kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, bức xúc ngay tại cơ sở và khi mới phát sinh.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng luôn coi trọng việc đổi mới nội dung, phương thức, định hướng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn khó khăn, hạn chế, tồn tại để có sự tập trung cao, nỗ lực lớn, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện Nghị quyết năm 2023, bù lại những năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 (Tôi xin nói 4 khó khăn, hạn chế sau):

Khó khăn, hạn chế thứ nhất: Giá vật tư nông nghiệp duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của ngành Nông nghiệp và đến thu nhập của người nông dân; việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia đã làm cho nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; mặt khác, lãi suất cho vay tăng đã tạo áp lực khá lớn cho doanh nghiệp về trả lãi và thanh toán các khoản nợ đến hạn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khó khăn, hạn chế thứ hai: Các sản phẩm công nghiệp phần lớn vẫn là sơ chế hoặc gia công nên giá trị gia tăng thấp; vai trò gắn kết giữa sản xuất với tiêu dùng của thương mại còn hạn chế, chưa hình thành và phát triển được các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; phát triển du lịch còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và khai thác chủ yếu từ nguồn lợi thiên nhiên, các di tích lịch sử - văn hóa sẵn có, chưa có sự đầu tư sâu, chuyên nghiệp để phát triển sản phẩm mới mang nét đặc thù của địa phương.

Khó khăn, hạn chế thứ ba: Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân; công tác xã hội hóa lĩnh vực y tế tuy có tăng về số lượng nhưng chủ yếu là cơ sở phòng khám đa khoa, chuyên khoa và đại lý thuốc tư nhân nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao.

Khó khăn, hạn chế thứ tư: Chất lượng đội ngũ cán bộ có nơi chưa đồng đều, thiếu tính chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất (Gần đây chất lượng về tham mưu, thẩm định của một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, tính khả thi không cao, cần phải sớm có sự kiểm tra, chấn chỉnh); việc xây dựng nguồn quy hoạch cán bộ, quản lý cán bộ gắn với công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ ở một số nơi chưa chặt chẽ; việc rà soát để bổ sung nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại có nơi chưa kịp thời (Ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu cấp phó, có nơi sau 5 năm được bổ nhiệm vẫn chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại).

Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, đã được nêu cụ thể trong dự thảo báo cáo của Tỉnh ủy và qua ý kiến phát biểu của các đồng chí, tôi thống nhất; các cấp ủy, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các huyện, thành, thị nghiên cứu, bổ sung vào chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở cấp mình, ngành mình sao cho có hiệu quả.

Tại hội nghị này, tôi chỉ lưu ý thêm mấy việc:

Thứ nhất: Các cấp, các ngành và các địa phương, nòng cốt là Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn để chuẩn bị nguồn lực, phương án sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai; trong đó, cần lưu ý rà soát, nắm chắc hiện trạng các hộ dân đang sinh sống trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do bão, lốc xoáy, sạt lở; hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và không để thiệt hại về người (Thường vào những tháng cuối năm thời tiết sẽ diễn biến rất phức tạp, mưa dông, lốc xoáy, bão lũ xảy ra nhiều và liên tục; do đó, các đồng chí phải có kế hoạch thật cụ thể để ứng phó một cách linh hoạt, đạt hiệu quả cao nhất. Việc này, chúng ta đã làm rất tốt trong nhiều năm qua, cần tiếp tục phát huy).

Mặt khác, phải chủ động trong công tác phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép để kéo giảm nguy cơ sạt lở bờ biển, bờ sông, nhất là trong mùa mưa (Cũng xin thông tin thêm với các đồng chí vấn đề có liên quan đến cát đắp nền: Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo dự tính cần khoảng 18 triệu m3 cát đắp nền nhưng đến nay các địa phương mới cung cấp được 3 triệu m3, còn thiếu 15 triệu m3 - một con số quá lớn.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng công suất ở các mỏ đang khai thác, cấp lại giấy phép cho các mỏ đã hết hạn tạm thời đóng cửa theo quy định.

Tuy nhiên, việc tăng cường khai thác cát có thể ảnh hưởng đến môi trường, gây sụt lún, xói lở, đặc biệt đối với các nhánh sông Tiền, sông Hậu... Do đó, tỉnh ta cũng cần xem xét thận trọng vấn đề này, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý và khai thác cát để vừa khai thác được các mỏ cát, nhưng vừa phải đảm bảo môi trường, tránh sụt lún, xói lở có thể xảy ra. Vấn đề này cũng được đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đặt câu hỏi tại phiên chất vấn của Quốc hội).

Thứ hai: Khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung theo yêu cầu của bộ, ngành Trung ương đối với Quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để sớm được phê duyệt. Trên cơ sở đó tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch ở các huyện, thành, thị đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ và có sự kết nối trong phát triển nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của mỗi vùng, của từng ngành và từng địa phương.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư, về đất đai, môi trường và xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số để hướng tới Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy cần đi tiên phong về yêu cầu này).

Thứ ba: Tăng cường tiếp xúc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh và xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, phát triển thị trường nội địa; thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; chú trọng triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ.

Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu, nợ đọng thuế; cần có giải pháp khai thác thêm nguồn thu: Một là, thông qua việc rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế; hai là, các dự án mới phát sinh có liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản; ba là, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra; đồng thời, giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực (Thất thoát về lãng phí nhiều thì tính chất nghiêm trọng không thua kém gì tham nhũng, tiêu cực).

Thứ tư: Rà soát lại tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong năm và cả nhiệm kỳ để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, cụ thể; chỉ tiêu nào đạt thì phát huy và nâng cao hơn, chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải có giải pháp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành (Quan điểm của chúng ta là không điều chỉnh giảm chỉ tiêu để có sự phấn đấu, quyết tâm trong thực hiện).

Phải đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình, dự án phục vụ xây dựng 4 xã nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 2 huyện nông thôn mới (Huyện Cái Bè, huyện Châu Thành) trong năm 2023 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy (Riêng huyện Châu Thành, UBND tỉnh cần có sự theo dõi chỉ đạo, hỗ trợ thêm; bản thân của huyện phải có sự tập trung, quyết liệt, quyết tâm hơn để đảm bảo việc ra mắt huyện nông thôn mới trong năm 2023 theo Nghị quyết).

Cần có sự tập trung trong chỉ đạo thực hiện các dự án có quy mô lớn như: Cầu Tân Phong, cầu Tân Thạnh; các dự án sử dụng vốn dự phòng, vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đạt 100% kế hoạch (UBND tỉnh phải tăng cường theo dõi, kiểm tra, rà soát việc bố trí vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, không để kéo dài do thiếu vốn; mạnh dạn điều chuyển vốn ở các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt).

Phối hợp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh để sớm hoàn thành như: Dự án Nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo (giai đoạn 2), cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (Trong công tác phối hợp, cần mạnh dạn phản ảnh, đề xuất, kiến nghị kịp thời các vướng mắc với Chính phủ, với các bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến và phối hợp tháo gỡ vướng mắc).

Thứ năm: Tăng cường mời gọi các nhà đầu tư vào lấp đầy Khu công nghiệp Long Giang; hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Bình Đông, mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy Cụm công nghiệp Gia Thuận 1; chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để sớm trình Thủ tướng Chính phủ chuyển giao Khu công nghiệp Soài Rạp về tỉnh, sớm xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tân Phước 1.

Khẩn trương tổ chức đấu giá đúng quy trình, quy định các khu đất công để mời gọi đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ, nhất là trên địa bàn TP. Mỹ Tho để vừa thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách (Đối với dãy nhà công vụ đường Nam Kỳ Khởi nghĩa và trụ sở Bệnh viện Đa khoa cũ cần sớm có kế hoạch, phương án đưa vào khai thác, sử dụng, tránh để lãng phí và sẽ có dư luận không tốt).

Thứ sáu: Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đổi mới chương trình, giáo trình và phương thức đào tạo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám, chữa bệnh để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ nhân dân; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với nước, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có thu nhập thấp. Các cấp, các ngành và các địa phương đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).

Thứ bảy: Ngành Công an, Quân sự, Biên phòng phải có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện trong công tác hiệp đồng tác chiến, sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, tạo thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; phải nắm chắc về âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch (Đây chính là thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy” của Đảng, trong đó giữ nước phải được thực hiện ngay từ thời bình, là một trong những quan điểm cơ bản không được coi nhẹ).

Tăng cường hơn nữa công tác nắm bắt tình hình, quản lý địa bàn gắn với đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân (Sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa qua, đã cho thấy công tác nắm bắt tình hình, quản lý địa bàn, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc còn nhiều hạn chế. Các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương, cơ sở cần có chỉ đạo kịp thời định hướng công tác tư tưởng sau vụ việc ở 2 xã của tỉnh Đắk Lắk theo Công văn 1308 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm chế độ trực cơ quan, trực sẵn sàng chiến đấu gắn với có kế hoạch, phương án đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả các tình huống xấu có thể xảy ra).

Thứ tám: Các tổ chức trong hệ thống chính trị cần phải phát huy tinh thần đoàn kết, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thể hiện rõ hơn tính năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và làm đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (Nhân nói ý này, xin phép các đồng chí cho tôi nhắc lại câu danh ngôn: “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu, nước sâu tĩnh lặng người khôn kiệm lời”. Vì, câu danh ngôn này mang đến một bài học rất lớn cho tất cả chúng ta. Đó là sống ở trên đời cần phải biết khiêm nhường và khi gặp bất cứ chuyện gì cũng cần phải bình tĩnh nhìn nhận mọi chuyện một cách khách quan; sự khiêm nhường, khiêm tốn sẽ giúp cho chúng ta có được thành công, được mọi người coi trọng và ngược lại); phải tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của cán bộ, đảng viên và của người dân.

Thứ chín: Các ban Đảng của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu, chuẩn bị thật tốt mọi điều kiện để tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh theo Quy định 96 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 85 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khi có hướng dẫn của Trung ương về thời gian); tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho.

6 tháng cuối năm 2023 là thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến kết quả hoàn thành Nghị quyết của cả năm. Bên cạnh những thời cơ thuận lợi, chúng ta cũng còn nhiều khó khăn, thách thức; vì vậy, các cấp ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các huyện, thành, thị phải tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của tập thể, của mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu; phải xem công tác kiểm tra, giám sát là vấn đề trọng tâm và thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phải chú trọng việc phân tích, dự báo tình hình, qua đó có giải pháp sát, đúng, phù hợp với thực tiễn để triển khai và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đến đây kết thúc. Xin chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt

 

.
.
.