Thứ Tư, 26/07/2023, 13:43 (GMT+7)
.

Chuyện về gia đình Má Tám Nghiệp anh hùng

Sau chiến tranh, Tổ quốc và nền Báo chí Cách mạng tôn vinh, ghi công 260 nhà báo liệt sĩ Thông tấn xã Việt Nam, trong đó riêng Thông tấn xã giải phóng Khu 8 có tới 21 nhà báo liệt sĩ. Ở Mỹ Tho, có bà mẹ kiên gan cầm súng đánh Pháp, đuổi Mỹ, dìu dắt 2 con trở thành nhà báo từ năm 13 tuổi. Rồi cũng chính người mẹ ấy lại lần lượt chứng kiến, chôn cất hai con khi họ ngã xuống giữa chiến trường khốc liệt. Người mẹ ấy là đồng chí Đoàn Thị Nghiệp, Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).

NGƯỜI MẸ ANH HÙNG

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Nghiệp (thường được gọi với cái tên thân thương là má Tám Nghiệp), sinh năm 1925 tại xã Hội Cư, huỵên Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình có truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng.

Tháng 12-1945, má Tám Nghiệp làm Bí thư Xã đoàn thanh niên cứu quốc, được huyện phân công phối hợp với Chi đội 17 Mỹ Tho cản bước tiến của giặc trên Quốc lộ 4. Trong lúc chuẩn bị chống càn, đồng chí Tám Thô (Bùi Văn Thô) quê ở miệt vườn Bình Phú, Cai Lậy được giao nhiệm vụ hướng dẫn thanh niên sử dụng một số vũ khí và cách gài mìn. Năm 1946, đồng chí tham gia cách mạng tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, làm công tác phụ nữ, lãnh đạo và vận động chị em tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, như đóng góp lương thực, thực phẩm thuốc men cho bộ đội, đi dân công phục vụ chiến trường…

Má Tám Nghiệp  cùng 2 người con trai  anh dũng, kiên cường.
Má Tám Nghiệp cùng 2 người con trai anh dũng, kiên cường.

Trong quá trình hướng dẫn, đồng chí Tám Thô và đồng chí Tám Nghiệp cảm mến nhau rồi nên nghĩa vợ chồng năm 1947. Từ năm 1947 đến năm 1950, vợ chồng đồng chí Tám Nghiệp lần lượt sinh các anh: Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn trong căn cứ cách mạng Mỹ Phước, là nơi đặt trụ sở cơ quan của Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban kháng chiến Nam bộ, sau này là Bộ Tư lệnh Quân khu 8 cũ.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, tiễn chồng đi tập kết với niềm tin chỉ 2 năm là gia đình sum họp, má Tám Nghiệp dắt hai con về Đồng Tháp Mười sinh sống. Bà mua cái bàn máy may để may kiếm sống, nuôi hai con ăn học và hoạt động công khai, đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn chấp hành Hiệp định, tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà…

Vào những năm 1959 - 1960, với cương vị là Huyện ủy viên Huyện ủy Cai Lậy, khi phong trào địa phương gặp nhiều khó khăn, đồng chí vẫn kiên trì bám cơ sở.  Là một trong vài ba đảng viên ít ỏi của chi bộ lúc bấy giờ, trong những tình huống hiểm nguy, đồng chí luôn vững vàng, kiên cường bám chặt địa bàn cơ sở và cùng Huyện ủy Cai Lậy ra sức củng cố xây dựng các chi bộ Đảng, phát động phong trào quần chúng và tổ chức lực lượng vũ trang của huyện. Sau đó, do yêu cầu của tổ chức bà được điều sang An Giang công tác. Năm 1967, bà được điều về Mỹ Tho và công tác tại mặt trận vành đai diệt Mỹ Bình Đức. Tại đây, bà đã lập kế hoạch bắt sống được một sĩ quan Mỹ; đồng thời bà còn tham gia nhiều trận đánh vào căn cứ Đồng Tâm do Sư đoàn 9 Mỹ chiếm đóng.

Năm 1968, đồng chí được chuyển vào quân đội, giữ chức Tỉnh đội phó Tỉnh đội Mỹ Tho, bà được phân công phụ trách mảng 4 - Cai Lậy Bắc. Từ năm 1968 đến 1972, địch càn quét quyết liệt để thực hiện âm mưu “bình định”, đồng chí Đoàn Thị Nghiệp tích cực tiến hành xây dựng và phát triển du kích, trực tiếp chỉ huy chiến đấu kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận, 6 tháng đầu năm 1968, lực lượng vũ trang tỉnh đã diệt và làm rã ngũ 2.000 địch, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của chúng; bản thân nhiều lần vào tận các xã, ấp vùng ven để nắm tình hình và lập kế hoạch chiến đấu.

Ngày 6-4-1972, trong trận phá vây tại kinh Bùi Tường, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, đồng chí Tám Nghiệp cùng đội công tác Tỉnh đội Mỹ Tho chiến đấu với một trung đoàn thuộc Sư đoàn 7 ngụy. Đồng chí Tám Nghiệp bị địch bắt, biết bà giữ chức vụ quan trọng của Tỉnh đội Mỹ Tho, địch vừa mua chuộc, dụ dỗ, vừa tra tấn dã man, bà đã anh dũng hy sinh lúc 4 giờ chiều cùng ngày.

2 NGƯỜI CON ANH DŨNG

Hai anh em Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn ra đời trong thời kì cam go của chiến tranh, bom đạn. Từ nhỏ đã xa cha, hai anh em được mẹ chăm sóc, học hành và lớn lên cùng đi theo con đường cách mạng.

Những năm 1960, bị vây ráp, kìm kẹp, tổn thất trong chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng”, “Ly khai cách mạng”, Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo cơ sở rút vào hoạt động bí mật, xây dựng căn cứ, kháng chiến lâu dài trong bưng biền Đồng Tháp Mười. Vừa len lỏi vượt ấp chiến lược, xây dựng cơ sở cách mạng, đồng chí Tám Nghiệp vừa tìm cách lo cho hai con ăn học ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Phong trào Đồng Khởi nổ ra ở tỉnh Bến Tre được ít lâu, ngày 20-12-1960, Thông tấn xã Giải phóng ra đời. Tỉnh ủy Mỹ Tho cử đồng chí Hồ Văn Thạnh (Tám Thạnh), phụ trách Tiểu ban Báo chí tuyên truyền. Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Mỹ Tho có tờ Báo “Tranh đấu” xuất bản năm 1960, đến tháng 12-1961 thì đổi thành tờ “Giải phóng”. Sau chiến thắng Ấp Bắc, để cổ vũ phong trào thi đua với Ấp Bắc giết giặc lập công, tờ “Giải phóng” được vinh dự mang tên “Ấp Bắc”.

Với những cống hiến to lớn, đồng chí Đoàn Thị Nghiệp được truy tặng 2 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; 3 Huân chương Giải phóng hạng  I, II, III. Đặc biệt, năm 1978, đồng chí được truy tặng Huân chương Chiến công hạng I và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; năm 1995 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tên của đồng chí được đặt cho trường trung học cơ sở của xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, trường tiểu học ở xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè và con đường trung tâm TX. Cai Lậy và  TP. Mỹ Tho. Phần mộ của đồng chí sau 1975 được di dời về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.

Từng đọc, tuyên truyền cho Báo “Liên Việt”, cơ quan của Mặt trận Việt Minh Mỹ Tho - Gò Công từ năm 1951, đồng chí Tám Nghiệp mong muốn người con trai Bùi Văn Thưởng cùng đánh giặc, giải phóng quê hương bằng cây bút, trang giấy của mình.

Năm 1960, khi con trai Bùi Văn Thưởng vừa học xong chương trình Đệ tứ (tương đương lớp 9 phổ thông ngày nay), mặc dù con còn nhỏ tuổi nhưng đồng chí Tám Nghiệp đã “xin” đồng chí Hồ Văn Thạnh cho con mình vào cơ quan

Thông tấn xã Mỹ Tho góp sức. Thế là ở tuổi 13, cậu bé Bùi Văn Thưởng háo hức làm “chú nhà báo Giải phóng”, tại đây, anh được giao nhiệm vụ quay máy Ra-gô-nô, phát điện truyền tin tức, bài vở về Tổng xã Giải phóng Miền. Cậu còn có nhiệm vụ chép tin đọc chậm từ Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Giải phóng chuyển cho lãnh đạo và các cơ quan Tỉnh ủy, Mặt trận dân tộc Giải phóng Mỹ Tho. Bùi Văn Thưởng còn học nghề ở các chú, các anh nhà báo cấp miền, cấp khu rồi viết tin, bài cho báo “Tranh đấu”, “Tin tức Mỹ Tho”, “Giải phóng”, “Ấp Bắc”.

Phóng viên trẻ Bùi Văn Thưởng tuy còn nhỏ nhưng “gan lì”, quanh thắt lưng lúc nào cũng lèn chặt lựu đạn, đụng địch là chủ động đánh mở đường cho phân xã rút an toàn. Túi mìn Cờ-lây-mo của anh bao giờ cũng có tấm vải nhựa, gặp trận càn đột ngột, anh dùng tấm vải nhựa bọc kín máy phát sóng, máy Ra-gô-nô giấu dưới nước. Phân xã thiếu thiết bị, phụ kiện thay thế phương tiện phát điện, phát sóng, anh thường “nài nỉ” chú Tám Thạnh cho theo các đơn vị Giải phóng tập kích căn cứ Mỹ quanh lộ 4, vừa lượm được nhiều tin chiến thắng vừa thu nhiều chiến lợi phẩm. Có trận, anh mang về máy phát tin 15W, bình ắc quy điện, rồi nào máy ảnh, phim chụp ảnh của Mỹ...

Trong trận chống càn tại Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy ngày 2-1-1963), phóng viên chiến trường Bùi Văn Thưởng bám theo đồng chí Hai Hoàng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261 và anh đã có bài tường thuật nóng hổi: “Ấp Bắc, trận đầu đánh thắng chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận”. Bài báo được phân xã Mỹ Tho phát nhanh sau trận thắng càn. Các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Cứu quốc, Thống nhất, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam đăng và phát vào ngày 3-1-1963 làm nức lòng quân, dân cả nước. Không bao lâu, Bộ Tư lệnh quân Giải phóng miền, Trung ương cục phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”. Hậu phương miền Bắc xây nhiều công trình, tăng sản phẩm, cánh đồng 5 tấn, xưởng máy năng suất cao, đoàn xe, đoàn tàu an toàn mang tên “Ấp Bắc”.

Cũng năm 1963, theo lời khuyên mẹ, người con trai thứ 2 Bùi Văn Tấn cũng vào công tác ở Phân xã Mỹ Tho cũng ở tuổi 13. Để anh trai “rảnh rang” chân tay làm phóng viên chiến trường, năm 1963, anh Bùi Văn Tấn thay thế vị trí công việc của anh trai. Ngoài phiên trực báo vụ phát tin, anh Bùi Văn Tấn vui vẻ làm cả phần việc công vụ cho cơ quan Tuyên huấn Mỹ Tho như: Mang tài liệu, công văn băng qua vành đai, pháo chụp, pháo bầy, trực thăng quần thảo đến cơ quan Tỉnh đội của mẹ, Tỉnh Hội Phụ nữ, Ban Binh vận hay nhiều đợt chèo ghe vượt kinh Cái Xáng vào căn cứ Khu ủy Khu 8.

Tháng 3-1967, trên đường công tác về xã Tân Phú, Cai Lậy, gặp trực thăng của địch vây bắt, anh Bùi Văn Tấn tách đoàn công tác, phóng mình ra giữa trảng cát, kéo tụi giặc bám theo. Cả đoàn cán bộ an toàn nhưng anh Bùi Văn Tấn bị trọng thương. Do thiếu thuốc, phương tiện cứu chữa, mất máu nhiều quá nên anh đã trút hơi thở cuối cùng ở trạm xá Hưng Thạnh (nay là huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). 2 năm sau, tháng 6-1969, người anh Bùi Văn Thưởng cũng hy sinh khi anh mở đường máu cứu đồng đội trong trận càn của địch ở xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè.

LINH THỦY (tổng hợp)

 

.
.
.