Hướng dẫn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 108-HD/BTGTW về đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn.
Thực hiện Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tạo sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận xã hội về vai trò, vị trí công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát huy vai trò, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
2. Cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết và chương trình hành động của cấp ủy đảng các cấp.
3. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, văn hóa của đất nước ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị qua các nhiệm kỳ, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên[1]; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; tiếp tục phân tích, giải thích sâu sắc cơ sở lý luận, thực tiễn và nội hàm xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nêu bật trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị.
2. Kết quả, thành tựu đã đạt được của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đặc biệt là: (1) những chuyển biến tích cực trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; (2) kết quả xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; (3) nâng cao văn hóa chính trị, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên; (4) đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; (5) hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; phát huy dân chủ đi đôi với kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên; (6) xây dựng, thực hiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; xử lý những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; (7) kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (8) vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện và huy động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (9) kết quả thể chế hóa các nội dung trong các nghị quyết, quy định, kết luận nêu trên, nhất là những vấn đề về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để mọi cán bộ, đảng viên “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”. Chú trọng phát hiện những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
3. Biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiêu biểu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung tuyên truyền giới thiệu những mô hình mới, sáng tạo trong đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, giáo dục chính trị, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng; những kiến nghị, đề xuất về giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng, xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ.
4. Các chương trình, hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị diễn ra ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; tuyên truyền về Giải Búa liềm vàng năm 2023; chú trọng tuyên truyền, cổ vũ các tập thể, cá nhân tham gia viết tin, bài về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Trên báo chí, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, các kênh truyền hình thiết yếu; mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube...) với nội dung và các hình thức phù hợp như video, clip, bài viết, biểu ngữ, tin nhắn...
2. Hệ thống loa phát thanh cơ sở, đội truyền thông lưu động, tuyên truyền viên cơ sở…
3. Các phương tiện cổ động trực quan: khẩu hiệu, băng rôn, panô, áp phích, triển lãm văn hóa - văn nghệ...
4. Các ấn phẩm tuyên truyền (bản tin thông báo nội bộ, tài liệu, sách, tờ rơi, tờ gấp...); tổ chức cuộc thi tìm hiểu, thi thiết kế tranh cổ động, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật; tọa đàm, hội thảo khoa học...
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động gắn với việc triển khai thực hiện các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội, Quy định số 99-QĐ/TW ngày 27/02/2023 về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng, Quy định số 100-QĐ/TW ngày 28/02/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản, Quy định số 101-QĐ/TW 28/02/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí); phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức công tác tuyên truyền.
- Chỉ đạo nắm chắc và dự báo sát hợp tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, nhất là về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị với Trung ương các giải pháp tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, định hướng lớn của Đảng về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
- Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin, tuyên truyền để định hướng dư luận xã hội, nhất là trước những vấn đề có tính “phức tạp”, “nhạy cảm”.
2. Ban cán sự đảng Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông, nhất là trên Internet và mạng xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đăng tin và phát tán thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước.
3. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hướng dẫn ngành dọc về công tác thông tin cổ động trực quan; chú trọng công tác thông tin trên panô, áp phích, băng rôn, thông qua các triển lãm; khuyến khích tổ chức các cuộc thi sáng tác, biểu diễn, các tác phẩm văn học - nghệ thuật về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
4. Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; chú trọng tuyên truyền thông qua sinh hoạt thường kỳ của tổ chức chính trị - xã hội, các tài liệu tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu…
- Vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và các cấp hội, đoàn tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân.
5. Ban Tổ chức Trung ương
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là những vấn đề mới có tính “phức tạp”, “nhạy cảm” mà cán bộ, đảng viên quan tâm theo quy định của Đảng.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho Ban Tuyên giáo cùng cấp để chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền; chú trọng thông tin về kết quả, thành tích, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
6. Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chủ động cung cấp thông tin theo Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm để Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền trong Đảng và xã hội.
7. Ban Tuyên giáo Trung ương
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.
- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
- Phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
8. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương
- Xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và kế hoạch của Ban Tổ chức Trung ương; chú trọng lan tỏa những mô hình mới, cách làm sáng tạo hiệu quả, biểu dương những tổ chức đảng và đảng viên tiêu biểu, xuất sắc; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.
- Lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chủ lực phát huy vai trò, trách nhiệm trong định hướng, dẫn dắt thông tin trong Đảng và xã hội để làm tốt công tác tuyên truyền. Đối với những vấn đề phức tạp, mới nảy sinh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng tải thông tin; trường hợp cần thiết phải chủ động xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan.
- Vận động cán bộ, phóng viên, biên tập viên tích cực tham gia các giải báo chí về chủ đề xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và Giải Búa liềm vàng hằng năm.
9. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
- Tham mưu giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ở cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở để tham mưu biện pháp chấn chỉnh kịp thời những sai sót, bảo đảm đúng định hướng tư tưởng, chính trị.
- Vận động cán bộ, đảng viên, phóng viên các cơ quan báo chí, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ tuyên giáo chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực trên mạng xã hội; thực hiện nghiêm Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội./.
Ban Tuyên giáo Trung ương
[1] Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
Theo Tạp chí Tuyên giáo