Thứ Năm, 06/07/2023, 10:00 (GMT+7)
.

Kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày 29/6/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Kế hoạch số 316-KH/BTGTW về Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Tạp chí Tuyên giáo trân trọng đăng toàn văn bản Kế hoạch.

b

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng TTXVN nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Căn cứ Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao; Nghị định số 145/2013/NĐ/CP, ngày 29/10/2013 của Chính phủ Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; Nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; Nghị định số 111/2018/NĐ/CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 4571-CV/VPTW, ngày 19/8/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Ban Bí thư về việc tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023-2025;

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Kế hoạch Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Ôn lại truyền thống vẻ vang, những đóng góp quan trọng, to lớn, sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế; cổ vũ, động viên, biểu dương, tôn vinh và tri ân những thế hệ người làm báo, các cơ quan báo chí có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; bồi dưỡng, giáo dục niềm tự hào, lòng yêu nghề đối với những người làm báo hôm nay.

- Khẳng định sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với báo chí; sự đồng hành, ủng hộ, tin tưởng, kỳ vọng của Nhân dân đối với sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

- Tổ chức các hoạt động, sự kiện để kỷ niệm dấu mốc 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam; đánh giá, ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tựu 100 năm qua của báo chí cách mạng; xác định tầm nhìn, đề ra phương hướng, nhiệm vụ đối với báo chí cách mạng trong giai đoạn mới.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách, nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của báo chí góp phần xây dựng đội ngũ báo chí ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt yêu cầu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

2. Yêu cầu

Tổ chức trang trọng, chu đáo, thiết thực, hiệu quả bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, tạo hiệu ứng tuyên truyền, lan tỏa tích cực, làm nổi bật vai trò, vị trí của báo chí trong đời sống xã hội.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Hoạt động kỷ niệm, chào mừng

a. Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan.

- Thời gian: Vào dịp 21/6/2025.

- Địa điểm: Thủ đô Hà Nội.

- Nội dung: Có kế hoạch riêng.

b. Hội nghị “Gặp mặt biểu dương người làm báo tiêu biểu”

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, Thành phố Hà Nội và các cơ quan báo chí.

- Thời gian: Vào dịp 21/6/2025.

- Địa điểm: Thủ đô Hà Nội.

- Nội dung: Có kế hoạch riêng.

c. Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Thành phố Hà Nội và các cơ quan báo chí.

- Thời gian: Vào dịp 21/6/2025.

- Địa điểm: Thủ đô Hà Nội.

- Nội dung: Có kế hoạch, đề án riêng.

d. Triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam

- Cơ quan chủ trì: Hội Nhà báo Việt Nam.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các tỉnh, thành phố có liên quan; các cơ quan báo chí.

- Thời gian: Vào dịp Hội báo toàn quốc và 21/6/2025.

- Địa điểm: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương.

- Nội dung: Có kế hoạch riêng.

e. Biên soạn, phát hành bộ sách “100 năm báo chí cách mạng Việt Nam”

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Thông tấn; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông; các cơ quan liên quan.

- Thời gian hoàn thành: Tháng 2/2025.

- Nội dung: Có kế hoạch, đề cương riêng.

f. Xây dựng phim, phóng sự tài liệu 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan thực hiện: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành và phát sóng vào tháng 6/2025.

- Nội dung: Có kế hoạch, đề cương riêng.

2. Hội thảo, tọa đàm, diễn đàn trao đổi

a. Hội thảo khoa học “Báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm đồng hành cùng sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc”

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2025.

- Địa điểm: Thủ đô Hà Nội và trực tuyến với một số điểm cầu.

b. Các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về cơ chế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động báo chí; xu hướng phát triển báo chí hiện đại; sứ mệnh báo chí; xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn tại cơ quan, địa phương, đơn vị cho phù hợp.

- Nội dung: Khẳng định, làm rõ vai trò, sứ mệnh, những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, xây dựng và đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế; những vấn đề đặt ra đối với báo chí hiện nay; dự báo xu hướng phát triển của báo chí và những phương hướng, tầm nhìn, giải pháp để báo chí cách mạng ngày càng “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

- Thời gian: Thường xuyên.

c. Tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo chuyên đề báo chí gắn với các sự kiện quan trọng của đất nước

- Cơ quan thực hiện: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; các cấp hội nhà báo; các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền tổ chức Hội thảo, triển lãm theo chuyên đề báo chí gắn với “95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam” (03/2/1930 - 03/2/2025); “80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025)”;  “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)”; “Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”…

- Thời gian: Theo từng sự kiện cụ thể.

3. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo nguồn lực để báo chí phát triển

a. Tổng kết Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan.

- Thời gian hoàn thành: Năm 2023.

- Nội dung: Kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW; đề xuất Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo thực hiện nội dung này đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

b. Sơ kết Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan liên quan.

- Thời gian hoàn thành: Năm 2023.

- Nội dung: Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kết luận 23-KL/TW gắn với việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực báo chí, xuất bản; những mô hình hay, cách làm hiệu quả; bài học kinh nghiệm; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề xuất xử lý và khắc phục những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông trên internet trong thời gian tới. 

c. Tổng kết việc thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016

- Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam; các cơ quan báo chí và cơ quan liên quan.

- Thời gian: Năm 2023 - 2024.

- Nội dung: Tổng kết việc thi hành Luật, những kết quả nổi bật, bài học kinh nghiệm; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi Luật; kiến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí, truyền thông hiện đại.

d. Đề xuất tổng kết Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025

- Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan.

- Thời gian hoàn thành: Năm 2025.

- Nội dung: Kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai; đề xuất, kiến nghị quy hoạch giai đoạn tiếp theo phù hợp tình hình thực tiễn hoạt động báo chí; công tác xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho hoạt động báo chí.

e. Hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí

- Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan báo chí.

- Thời gian: Năm 2024.

- Nội dung: Hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, giúp báo chí sớm tự chủ, phát huy tính chủ động, khả năng dẫn dắt, định hướng dư luận và triển khai chính sách vào cuộc sống.

g. Tổng kết Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 29 tháng 03 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia; Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 22/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia

- Cơ quan chủ trì: Hội Nhà báo Việt Nam.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương; các cơ quan bộ, ngành liên quan; cơ quan báo chí.

- Thời gian dự kiến: Năm 2024.

- Nội dung: Tổng kết, đánh giá việc tổ chức triển khai Giải báo chí Quốc gia, làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập; đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia.

4. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; hoạt động xã hội, từ thiện

a. Tổ chức Chương trình “Về nguồn”

- Cơ quan chủ trì: Hội Nhà báo Việt Nam.

- Cơ quan phối hợp: Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các địa phương liên quan.

- Thời gian dự kiến: Tháng 6/2025.

- Địa điểm: Tỉnh Thái Nguyên.

- Nội dung: Ôn lại quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam và tri ân những người làm báo đã có những đóng góp, hy sinh to lớn trong quá trình đấu tranh, xây dựng, phát triển đất nước; góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, phóng viên, hội viên, người làm báo cả nước phấn đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

b. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn

- Cơ quan chủ trì: Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí.

- Thời gian dự kiến: Trong năm 2024 - 2025.

- Nội dung: Căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của các địa phương.

c. Tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện

- Các cơ quan báo chí chủ động triển khai, đẩy mạnh công tác xã hội, hoạt động thiện nguyện hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

- Thời gian: Thường xuyên.

5. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí - Tuyên truyền; các cơ sở giáo dục đào tạo ngành báo chí, truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các cơ quan báo chí.

- Thời gian: Thường xuyên.

- Nội dung: Tập trung rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ người làm báo, làm truyền thông; những vấn đề đặt ra; đề xuất giải pháp, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp từng đối tượng là lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người làm báo; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng nguồn nhân lực báo chí truyền thông có chất lượng cao, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

6. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

- Nội dung: Các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch tuyên truyền về Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình sâu sắc, có nội dung, hình thức phong phú; sinh động, đa dạng, chất lượng và hiện đại.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung được phân công trong Kế hoạch này, chủ trì xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

2. Đối với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các cơ quan đơn vị có nhiệm vụ chủ trì tổ chức các hoạt động kỷ niệm cần chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kế hoạch, đề án tổ chức cho từng công việc cụ thể, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ và các quy định.

3. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương; cơ quan chủ quản báo chí căn cứ các nội dung đã nêu trong Kế hoạch này chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

4. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm bằng các hình thức phù hợp, thiết thực gắn với tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị và các hoạt động, sự kiện quan trọng của địa phương; hướng dẫn tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí trực thuộc; tham mưu cấp ủy chỉ đạo hội nhà báo, hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố đẩy mạnh sáng tác, biểu diễn và quảng bá các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

5. Các cơ quan báo chí, xuất bản Trung ương và địa phương: Căn cứ kế hoạch và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, ban tuyên giáo các cấp, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động Kỷ niệm một cách sáng tạo, thiết thực, cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo thành đợt sinh hoạt chính trị - nghề nghiệp sôi nổi, mang ý nghĩa sâu sắc, trong cả nước, chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (Theo Hướng dẫn tuyên truyền trên báo chí).

IV. Kinh phí thực hiện

Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của Đảng, Nhà nước cho các hoạt động kỷ niệm dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam theo quy định hiện hành.

Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản; cơ quan báo chí quan tâm phối hợp, tích cực triển khai có hiệu quả nội dung kế hoạch; thường xuyên thông tin kết quả về Ban Tuyên giáo Trung ương thro quy định./.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Theo Tạp chí Tuyên giáo

.
.
.