.
KỲ HỌP THỨ 9 - HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA X

Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

Cập nhật: 09:34, 14/07/2023 (GMT+7)

Trong các phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề “nóng”. Trong đó, bất cập trong việc quản lý quy hoạch sử dụng đất và tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn ở mức cao được đại biểu chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh, thu hút sự quan tâm của đại biểu và cử tri.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quang Minh chất vấn: Thời gian qua, việc quy hoạch sử dụng đất đã được các cơ quan chức năng định hướng và công bố.

Tuy nhiên, vấn đề người dân tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn tiếp tục diễn ra. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp xử lý trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, căn cứ vào các văn bản của Trung ương, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2543 ngày 13-9-2022 phê duyệt chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 cho các huyện, thành, thị. Căn cứ quyết định này, UBND các huyện, thành, thị tổ chức lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và đã được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2022.

Đồng chí Võ Văn Bình chúc mừng các đồng chí Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương; Hà Thiện Ý, Giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế được đại biểu HĐND tỉnh tín nhiệm bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh tại kỳ họp.
Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng các đồng chí Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương; Hà Thiện Ý, Giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế được đại biểu HĐND tỉnh tín nhiệm bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh tại kỳ họp.

Về nguyên nhân dẫn đến việc người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất tự phát vẫn tiếp tục diễn ra, đồng chí Phạm Văn Trọng phân tích, theo quy định của pháp luật đất đai, việc sử dụng đất trồng lúa để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực hiện theo đề án, kế hoạch của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1817 ngày 4-7-2022 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Tiền Giang năm 2022; trong đó, phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 7.255 ha.

Như vậy, nếu người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo kế hoạch được phê duyệt và có đăng ký với UBND xã nơi có đất là phù hợp với quy định và đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn thống kê là đất trồng lúa theo quy hoạch.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các huyện còn lỏng lẻo nên đã phát sinh nhiều trường hợp người dân tự chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm (cây sâu riêng, mít...) ngoài khu vực quy hoạch sử dụng đất và ngoài khu vực của kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng là không đúng quy định pháp luật.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền cho nhân dân thông suốt việc tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất tự phát là vi phạm pháp luật đất đai, thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất là sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; xử lý kịp thời các trường hợp chuyển mục đích trái phép theo quy định tại Nghị định 91 ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt, đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp huyện kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 1817 ngày 4-7-2022 của UBND tỉnh; qua đó rà soát, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tể phát triển tại địa phương.

VÌ SAO TỶ LỆ THẤT NGHIỆP THÀNH THỊ, LAO ĐỘNG CHƯA QUA ĐÀO TẠO CHƯA ĐẠT?

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phan Hùng Mãnh chất vấn: Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 5-2023, toàn tỉnh có 10.084 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp; trong đó, người đi làm việc ngoài tỉnh chuyển về chiếm khoảng 25%, cao hơn khoảng 28% so với 5 tháng cuối năm 2022. Đây là số liệu cao nhất từ trước đến nay, cho thấy chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4% là rất khó đạt kế hoạch. Đại biểu đề nghị lãnh đạo tỉnh cho biết cụ thể nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới để các chỉ tiêu trên đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu cho biết, đối với tình hình giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, qua số liệu trên, tình hình lao động nghỉ việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng.

Lý do quan trọng, trước hết là ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong những năm qua đã tác động lớn đến nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu hẹp quy mô sản xuất, buộc phải giãn việc, giảm giờ làm, cắt giảm lao động…, thậm chí phá sản.

Tình hình này dẫn đến nhiều lao động mất việc làm, buộc phải đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, thực tế cũng có không ít người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều, dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt lớn hơn so với thu nhập, trang trải cuộc sống; người lao động đành phải hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, cũng có hiện tượng các doanh nghiệp có xu hướng loại dần người lao động sau 40 tuổi, nhất là đối với lao động nữ, để tìm nguồn lao động mới nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất; tâm lý nhảy việc, chuyển việc của người lao động... Đó cũng là các lý do dẫn đến việc gia tăng tỷ lệ người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Qua nắm tình hình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phần lớn người lao động có độ tuổi trên 40 sẽ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ làm việc ở thị trường phi chính thức. Sau khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ tìm việc mới. Nhiều lao động khác chọn hình thức lao động tự do.

Đối với tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%, đồng chí Nguyễn Thành Diệu cho biết, thời gian qua, cùng với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; bên cạnh một số doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng đơn hàng, buộc phải: Giảm giờ làm, cắt giảm lao động, không tái ký hợp đồng lao động…, thì vẫn có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Trong 2 ngày làm việc tiếp theo (ngày 12 và 13-7) của Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, UBND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh trình các báo cáo, tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết; các tổ đại biểu HĐND tỉnh thảo luận các nội dung trình ra kỳ họp; giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra; thông qua 18 nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp vào chiều 13-7, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Võ Văn Bình đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu trong những ngày qua, nhất là các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu và cử tri đã đặt ra; đề ra những giải pháp, biện pháp tốt nhất, cụ thể nhất để giải quyết những yêu cầu của tỉnh đặt ra; nhiều vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm đã được phân tích làm rõ. Kỳ họp thứ 9 đã thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết rất quan trọng.

Đồng chí Võ Văn Bình cũng đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề nghị đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện để các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống.

Cụ thể, một số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương, Long Giang hiện có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.000 lao động. Chủ yếu đây là các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hoặc mở rộng sản xuất, một số doanh nghiệp tuyển mới để bù đắp cho số lao động nghỉ việc. Đối với các doanh nghiệp ngoài KCN cũng có nhu cầu tuyển dụng hơn 4.800 lao động.

Hầu hết các nhu cầu tuyển dụng này chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm 84%); còn lại là tuyển các vị trí: Chuyền trưởng, tổ trưởng, kỹ thuật xưởng, KCS, kế toán, kỹ thuật điện, cơ khí, kỹ thuật sửa xe máy... Hiện nay, việc kết nối việc làm cho người lao động cũng còn nhiều khó khăn do chính sách tiền lương, phúc lợi của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng chưa thật sự hấp dẫn đối với người lao động.

Do vậy, để đạt được chỉ tiêu “tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%”, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; kêu gọi thu hút đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất hoặc thành lập mới, phát triển doanh nghiệp từ hộ kinh doanh…, góp phần tạo việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp…

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung các giải pháp đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Công thương, UBND cấp huyện; đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát, thống kê, nắm chắc tình hình lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn; kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu để giới thiệu việc làm cho người lao động…; tăng cường tư vấn, hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, hướng dẫn người lao động tìm việc làm mới, quay lại thị trường lao động.

Đồng thời, quan tâm việc tuyên truyền, giải thích cho người lao động về bảo hiểm thất nghiệp là để xử lý rủi ro, không nên trông chờ vào việc hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp, mà điều cần thiết là phải tìm việc làm mới.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phối hợp, hỗ trợ thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, giúp người nghèo, người khó khăn ổn định công việc, cuộc sống; từ đó, không có ý định nghỉ việc để hưởng lợi ích trước mắt...

HOÀI THU - CAO THẮNG

.
.
.