Thảo luận nhiều vấn đề "nóng"
(ABO) Sáng 12-7, trong ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, nhiều vấn đề gây bức xúc thời gian qua đã được các đại biểu đề cập trong phiên thảo luận tổ.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri tỉnh nhà, các đại biểu đã cho nhiều ý kiến các tờ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết; thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội năm 2023.
VÌ SAO THIẾU VẮC XIN?
Tại phiên thảo luận tổ, liên quan đến việc trong các đợt tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh, cử tri có nhiều ý kiến về tình trạng thiếu nhiều loại vắc xin cho trẻ em, gây lo lắng cho cử tri trong việc bảo đảm miễn dịch cộng đồng đối với một số bệnh nguy hiểm ở trẻ.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Trầm cho biết, từ khoảng tháng 4, tháng 5 toàn ngành Y tế, kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều thiếu vắc xin tiêmm ngừa cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là 8 loại vắc xin phòng ngừa các bệnh nguy hiểm, như: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, lao, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Võ Văn Bình ghi nhận các ý kiến đại biểu. |
Đại biểu Tạ Văn Trầm cho biết, để miễn dịch trong cộng đồng, hơn 50 năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng được các cấp, các ngành quan tâm và Chính phủ điều hành toàn quốc để cung ứng nguồn vắc xin cả uống và chích đầy đủ để giữ miễn dịch trong cộng đồng. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ tiêm chủng rất tốt về các loại bệnh nguy hiểm.
Theo lộ trình, cách đây 5 năm, chương trình mục tiêu quốc gia về sốt xuất huyết cũng như các mục tiêu quốc gia về các bệnh tay chân miệng… đã giao về cho địa phương để chủ động giao ngân sách mua vắc xin cũng như cách thức hỗ trợ phòng, chống dịch. Theo lộ trình này đến tháng 3-2023, Bộ Y tế ban hành Công văn 1810 thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên ở các tỉnh, thành.
Trong Công văn 1810 nêu rõ, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vắc xin cho tiêm chủng mở rộng, vitamine A cho trẻ dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách.
Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin nêu trên (bao gồm cả việc cung ứng vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota theo Nghị quyết 104 ngày 15-8-2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030) theo quy định.
Đại biểu Tạ Văn Trầm thông tin về tình hình cung ứng vắc xin trong thời gian tới. |
Do vắc xin là một loại thuốc khá đặc biệt, đấu thầu mặt hàng này khó khăn, thêm vào đó ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các vắc xin trên cũng bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, các tỉnh, thành đều khó đấu thầu và dẫn đến thiếu vắc xin như cử tri phản ánh. Mặc dù có các cơ sở tư nhân tiêm vắc xin nhưng số lượng có hạn và có giá thành cao nên một số người không tiếp cận được.
Đại biểu Nguyễn Hồng Khắc phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ. |
Trước thực trạng này, ngành Y tế tất cả các tỉnh, thành đã gửi công văn về Bộ Y tế và Bộ Y tế đã họp và kiến nghị Quốc hội, đến thời điểm này đã có kết quả tốt. Đại biểu Tạ Văn Trầm cho hay, vừa nhận được văn bản từ trung ương, đó là Nghị quyết 98 của Chính phủ về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Nghị quyết này vừa được ký ban hành ngày 10-7-2023 và hôm nay đang được triển khai toàn quốc. Như vậy sẽ khắc phục được tình trạng thiếu hụt vắc xin trong thời gian sớm nhất, ít nhất là trong 10 ngày tới các tỉnh, thành sẽ khắc phục tình trạng thiếu vắc xin và có vắc xin phân bổ cho các trạm y tế, để tiêm ngừa cho trẻ em đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng bền vững.
ĐỀ NGHỊ CHƯA BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT VỀ THU HỌC PHÍ
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc có nên ban hành Nghị quyết quy định về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm học 2023 - 2024 tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh, bởi liên quan đến Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (gọi tắt Nghị định 81) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu sửa đổi.
Đại biểu Lê Thị Bé Phượng phát biểu liên quan đến một số nội dung quy định trong dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực giáo dục. |
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH)- HĐND tỉnh cho biết, ngày 27-8-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81, trong đó tại khoản 3 Điều 4 của nghị định nêu: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định khung hoặc mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập”.
Tại điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định 81 quy định khung học phí từ năm học 2023 - 2024 trở đi: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể nhung không vượt mức trần quy định”.
Tại khoản 5, khoản 6 Điều 9 Nghị định 81 cũng quy định rõ việc thu học phí trong trường họp tổ chức dạy học trực tuyến (online) và học phí đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, việc thu và mức thu học phí trong trường họp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng cũng được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 12.
Đại biểu Đoàn Văn Tuấn góp ý thảo luận nhiều nội dung được trình tại kỳ họp. |
Bên cạnh đó, Nghị quyết 19 ngày 05-10-2022 của HĐND tỉnh quy định về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm học 2022 - 2023 đã hết hiệu lực.
Do vậy, tại Kỳ họp thứ 9, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm học 2023 - 2024. Ban VH-XH nhận thấy, mức thu học phí năm học 2023 - 2024 nêu tại dự thảo Nghị quyết mức thấp nhất trong khung học phí theo quy định tại Nghị định 81 và bằng mức thu học phí của năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, vào thời điểm này nếu ban hành Nghị quyết quy định học phí năm học 2023 - 2024 là chưa phù hợp bởi những lý do sau:
Ngày 05-10-2022, sau khi ban hành Nghị quyết 19/2022/NQ-HĐND quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023 trên cơ sở thực hiện Nghị định 81. Trong các kỳ tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh nhận rất nhiều ý kiến kiến nghị của người dân về việc học phí tăng cao hơn rất nhiều so với mức học phí năm học trước.
Đến ngày 10-4-2023, để giảm bớt khó khăn cho người dân, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 02 về việc thực hiện Nghị quyết 165 ngày 20-12-2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ phần chênh lệch tăng thêm để thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng như mức thu học phí năm học 2021 - 2022.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, thị trường lao động đã phục hồi sau đại dịch nhưng tình hình chính trị thế giới bất ổn, suy thoái kinh tế ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước và tỉnh Tiền Giang, nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm, cho nghỉ luân phiên, từ đó tác động đến tình trạng việc làm của người dân, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Qua thống kê chưa đầy đủ đến cuối tháng 4-2023, tỉnh có 35 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh với tổng số trên 28.500 lao động bị ảnh hưởng, trong đó đã cắt giảm lao động 3.236 người, tạm hoãn hợp đồng với 4.700 lao động, giảm giờ làm với trên 19.300 lao động; tính đến hết tháng 5-2023 số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là 10.084 người.
Đại biểu Trần Kim Trát phát biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Song song đó, trong bảng tổng hợp lấy ý kiến đối tượng tác động về mức thu học phí, tỷ lệ đồng ý mức thu học phí mầm non đạt 83%, cấp THCS trực tiếp chỉ đạt 47%, trực tuyến 45% và học phí THPT trực tiếp và trực tuyến chỉ đạt 41%. Mặt khác, ngày 15-5-2023 tại cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 trước ngày 30-5-2023 để địa phương có căn cứ quyết định thời điểm, mức thu học phí năm học 2023 - 2024. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81.
Từ những lý do trên, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị quý đại biểu HĐND tỉnh xem xét chưa thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm học 2023 - 2024 trong Kỳ họp này. Khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81, đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua Nghị quyết vào Kỳ họp chuyên đề hoặc Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.
Tại phiên thảo luận tổ, đa số đại biểu cho rằng, nên chờ Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 bởi Chính phủ đang sửa theo hướng hỗ trợ cho người dân, bớt gánh nặng về vấn đề đóng học phí cho con em trong giai đoạn còn chịu ảnh hưởng nặng nền từ dịch bệnh Covid-19; nếu ban hành nghị quyết dựa trên cơ sở mức thu của Nghị định 81 thì khi Nghị định 81 ban hành, HĐND tỉnh phải tiếp tục sửa. Đại biểu cho rằng, thời điểm này đang trong dịp nghỉ hè, việc chậm ban hành Nghị quyết thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm học 2023 - 2024 sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề thu học phí của các trường, vì vậy không gấp và có thể chờ Chính phủ sửa nghị định và sẽ họp chuyên đề hoặc kỳ họp cuối năm 2023 sẽ ban hành nghị quyết.
BẢO HIỂM Y TẾ CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu có ý kiến liên quan đến tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Các đại biểu đã nêu lên một số nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong vận động người dân tham gia BHYT tại địa phương, trong đó chủ yếu là chất lượng khám, chữa bệnh BHYT là một trong những nguyên nhân làm cho người dân ngại tham gia.
Đại biểu Thái Ngọc Bảo Trâm cho rằng cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. |
Theo đại biểu Thái Ngọc Bảo Trâm, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc về việc khám, chữa bệnh BHYT hiện nay nhiều lúc còn rập khuông, gây phiền hà cho người dân. Khi khám bệnh, bác sĩ phải kiểm tra xem thuốc có trong danh mục hay không, chờ đợi xem xong thì nhiều loại thuốc không có phải ra ngoài mua nên rất bất cập. Do đó, các ngành chức năng cần có giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Cùng với đó, tình hình thanh, quyết toán BHYT trên địa bàn tỉnh kéo dài nhiều năm qua, gây khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cụ thể để giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Vân phát biểu các vấn đề liên quan đến BHYT. |
Việc nâng cấp cơ sở vật chất ở các cơ sở y tế tuyến khu vực và tuyến huyện được các đại biểu cho rằng sẽ giúp nâng tỷ lệ tham gia BHYT ở người dân. Đại biểu Lê Thị Đẩu cho biết: Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã được đầu tư xây mới cử tri và nhân dân rất mừng nhưng để đảm bảo cho các tuyến huyện và khu vực thì đề nghị UBND tỉnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho bệnh viện ở các tuyến khu vực. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công đã xây dựng 23 năm, dù được đầu tư nâng cấp mở rộng, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, dẫn đến khó khăn về vận động người dân khu vực tham gia BHYT.
Do đó, các cơ quan chức năng cần phải đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện, khu vực để người dân an tâm, tin tưởng khi tham gia khám, chữa bệnh tại đây, giúp tỷ lệ người dân tham gia BHYT được cao hơn. Cùng với đó, việc đầu tư cơ sở vật chất các bệnh viện tuyến dưới đảm bảo sẽ giúp người dân hạn chế việc khám, chữa bệnh vượt tuyến.
Quang cảnh thảo luận tại tổ |
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Vân cho rằng, các trung tâm y tế huyện cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ khám, chữa bệnh, trong đó, ngành Y tếcần quan tâm nhiều đến công tác y tế dự phòng. Trong thời gian tới, Ban VH-XH - HĐND tỉnh sẽ có những kiến nghị để điều chỉnh danh mục thuốc ở trạm y tế phải đáp ứng nhu cầu của người dân có thể đến khám, chữa bệnh tại tuyến trạm y tế, giảm tải cho tuyến trên.
THU HOÀI - CAO THẮNG