.
PHÁT TRIỂN ĐẢNG Ở DOANH NGHIỆP NGOÀI KHU VỰC NHÀ NƯỚC Ở TIỀN GIANG:

Nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 08:57, 29/07/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang ban hành nhiều chính sách thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng định hướng phát triển của tỉnh, chú trọng đưa công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh theo Đề án 03 ngày 28-12-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

QUAN TÂM BỒI DƯỠNG, TẠO NGUỒN

Thời gian qua, cấp ủy Đảng các khu công nghiệp thực hiện tốt công tác rà soát đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp nhưng sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú để có kế hoạch thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp khi có đủ điều kiện và công tác phát triển đảng viên tại doanh nghiệp như phát hiện, bồi dưỡng công đoàn viên là người lao động có nhiều hoạt động trong các phong trào, gương mẫu, có phẩm chất, đạo đức, lối sống tốt để kết nạp vào Đảng.

Công bố Quyết định thành lập Chi bộ Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam. 	 Ảnh: PHƯƠNG MAI
Công bố Quyết định thành lập Chi bộ Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước). Ảnh: PHƯƠNG MAI

Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên để thành lập tổ chức Đảng trong các Khu công nghiệp luôn được Đảng ủy các khu công nghiệp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Ngay khi mới thành lập, Đảng bộ các Khu công nghiệp có 7 chi bộ trực thuộc (6 chi bộ doanh nghiệp, 1 chi bộ hành chính), với 79 đảng viên. Đến nay, Đảng ủy các Khu công nghiệp đưa 133 quần chúng ưu tú đi học lớp nhận thức về Đảng, đã kết nạp 84 đảng viên mới là người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, thành lập 4 tổ chức Đảng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 745 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có số lao động làm việc ổn định từ 10 người trở lên, với 42.887 người lao động; trong đó, có 235 tổ chức Công đoàn, với 36.650 đoàn viên Công đoàn. Đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu 148 quần chúng ưu tú, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có nhiều thành tích trong lao động, hoạt động phong trào để tổ chức Đảng xem xét, đưa vào danh sách cảm tình Đảng.

Các tổ chức Đảng có nghị quyết phân công đảng viên chính thức giúp đỡ 111 cảm tình Đảng. Sau thời gian bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, tổ chức Đảng đã kết nạp 48 đảng viên mới; trong đó, cấp ủy xã, phường, thị trấn tạo nguồn đề nghị kết nạp 18; cấp ủy Liên đoàn Lao động cấp huyện tạo nguồn đề nghị kết nạp 30 đảng viên.

Công tác tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển đảng viên, thành lập tổ chức Đảng và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp luôn được các cấp ủy Đảng các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện. Các tổ chức Đảng khẳng định được vị trí, vai trò lãnh đạo, giáo dục, vận động đảng viên, đoàn viên và người lao động thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Có chính sách hỗ trợ cho đối tượng công nhân đi học lớp nhận thức về Đảng và lớp Đảng viên mới. Lớp học được bố trí vào các ngày nghỉ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia học tập đầy đủ, không ảnh hưởng thời gian làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tổ chức Đảng phân công Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện phụ trách các chi bộ doanh nghiệp thường xuyên tham dự sinh hoạt chi bộ để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở những đơn vị được phân công phụ trách.

Từ đó, công tác xây dựng tổ chức Đảng và tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có sự chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng đảng viên mới kết nạp được nâng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế khó khăn, nhất định như: Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp nên ít tạo điều kiện cho công nhân tham gia học lớp nhận thức về Đảng trong thời gian làm việc.

Đa số công nhân là người trực tiếp sản xuất, làm việc theo hệ thống dây chuyền nên không có điều kiện tham gia học lớp nhận thức về Đảng. Một số doanh nghiệp có đủ điều kiện để thành lập tổ chức Đảng, nhưng chủ doanh nghiệp không đồng ý do không có quy định pháp lý bắt buộc nên chưa thành lập tổ chức Đảng.

Một số doanh nghiệp có ít đảng viên, chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng thì phân công đảng viên sinh hoạt ghép tại Chi bộ Công đoàn các Khu công nghiệp hoặc phải tham gia sinh hoạt tại địa phương nơi cư trú nên chưa phát huy triệt để vai trò của đảng viên trong tạo nguồn, tạo tính lan tỏa của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.

LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Để củng cố, phát triển tổ chức Đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, trước hết cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, tổ chức Đảng và của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, cần có cơ chế, quy định bắt buộc phải thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chặt chẽ hơn nữa. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là các chủ doanh nghiệp, người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng, ý nghĩa và lợi ích của việc thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, nhất là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng cho học viên lớp đối tượng kết nạp Đảng và đảng viên mới. Đây là giải pháp đóng vai trò quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên trong các doanh nghiệp. Cần nghiên cứu, tạo điều kiện linh hoạt về thời gian khi mở các lớp bồi dưỡng cho học viên lớp đối tượng kết nạp Đảng và đảng viên mới phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Ngoài ra, cần hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với các tổ chức Đảng ở doanh nghiệp mới thành lập gặp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó là chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp theo hướng ngắn gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào các cuộc họp chi bộ hằng tháng bằng hình thức trực tuyến qua các nền tảng xã hội, đảm bảo tính an toàn, thuận lợi nhất cho các đảng viên khi tham gia sinh hoạt ghép với các cơ quan, đơn vị; đồng thời, khắc phục trình trạng hành chính hóa trong hoạt động, sinh hoạt của tổ chức Đảng ở doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào kế hoạch cam kết, rèn luyện, tu dưỡng cho phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của từng đảng viên trong doanh nghiệp. Đồng thời, cần tổ chức gặp gỡ, động viên, biểu dương những doanh nghiệp tư nhân thực hiện hiệu quả công tác phát triển Đảng.

HÀ THỊ THOA

.
.
.