Tôn trọng và bảo vệ quyền con người là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta
Trong quá trình kiến thiết đất nước, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn nhất quán đều vì lợi ích chính đáng của con người, tôn trọng và bảo vệ quyền con người để hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
VẠCH TRẦN CÁC LUẬN ĐIỆU VU CÁO, XUYÊN TẠC
Các thế lực thù địch ẩn nấp sau vỏ bọc đấu tranh cho công lý, lẽ phải với cái gọi là “đại diện cho tiếng nói của nhân dân” luôn thường xuyên vu cáo, công kích, bịa đặt về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Bằng nhiều cách thức khác nhau, các đối tượng trên luôn tìm những lý lẽ mà họ cho rằng “có căn cứ, đầy sức thuyết phục” để chứng minh cho những luận điệu xuyên tạc, chống phá, coi đây là “đòn bẩy” để tấn công, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp tỉnh do Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang tổ chức với chủ đề “Nâng cao giáo dục về quyền con người trong tình hình mới” vào cuối tháng 6 vừa qua. |
Cụ thể, sau khi Đề án Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14-9-2022, các thế lực thù địch lại có luận điệu suy diễn vô căn cứ rằng “Đề án là để mị dân với người dân trong nước, đối phó với quốc tế về nhân quyền”.
Mặt khác, các đối tượng này còn phủ nhận về thành tựu, thực tiễn về các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ, nhân quyền; phê phán, xuyên tạc Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp. Đồng thời, còn chỉ trích chính quyền, bắt, giam giữ những nhà hoạt động nhân quyền, có ý kiến “phản biện” Đảng, Nhà nước”.
Rõ ràng, hàng loạt những luận điệu sai trái, vô căn cứ mà các đối tượng cổ súy cho rằng “có căn cứ, đầy sức thuyết phục” lại là những thông tin phiến diện, xuyên tạc có chủ đích, phản ánh không đúng hiện thực khách quan. Do đó, toàn thể nhân dân, mà trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên cần hết sức tỉnh táo, đấu tranh, phản bác, vạch trần các vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
HIỆN THỰC HÓA QUYỀN CON NGƯỜi BẰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT
Trước hết cần phải khẳng định rằng, tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam; trong đó, xác định chăm lo cho con người, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Đại hội XIII của Đảng ta xác định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân..., lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Với tư cách là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam luôn phấn đấu thực hiện các cam kết, chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong nhiều hoạt động trên lĩnh vực quyền con người. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước của Liên Hợp quốc về quyền con người. Từ đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ, bảo đảm và thực thi quyền con người, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền công dân.
Thực tiễn đã chứng minh, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước hiện thực hóa các quyền tôn trọng, bảo vệ quyền con người trong đời sống xã hội, thông qua các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Song hành đó, Đảng và Nhà nước còn thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng khá chặt chẽ và hoàn chỉnh.
Từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đều nhất quán quy định các quyền con người. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, các quy định về quyền con người tiếp tục được quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Báo chí năm 2016… Đó cũng là bằng chứng khẳng định quyền con người ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo thực hiện trong thực tế.
Những năm gần đây, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được khẳng định trong chủ trương của Đảng về dân chủ đã góp phần tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội theo các điều khoản theo quy định của luật pháp.
Điều đó được thể hiện rõ trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri tại các địa phương, người dân có quyền trực tiếp tham gia, phản ánh những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội đến đại biểu HĐND các cấp, tiếp thu và giải trình kịp thời những vướng mắc của người dân, từ đó có những giải pháp phù hợp đảm bảo sinh kế trong đời sống nhân dân.
Tại các kỳ họp Quốc hội, phần lớn đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ được truyền hình trực tiếp, ngày càng đi vào chiều sâu. Việc chất vấn, trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm xoay quanh những vấn đề “nổi cộm”, mang tính thời sự trong xã hội đã trở thành diễn đàn đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Để từ đó, thông qua các đại biểu chất vấn chính sách, phương thức điều hành của Chính phủ đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời những khó khăn, thách thức đã và đang diễn ra.
Mặt khác, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là vai trò của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội góp phần vào việc bảo vệ và thực hiện quyền con người cũng hết sức quan trọng. Bằng phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể... đã và đang phát huy hiệu quả chức năng, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức thực thi quyền lực hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
CHỦ ĐỘNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tiền Giang cùng các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, xác định bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một trong những nền tảng đảm bảo sự ổn định, là động lực để phát triển.
Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành, triển khai nhiều văn bản, các chính sách chăm lo về an sinh xã hội, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chú trọng vấn đề an ninh con người và bình đẳng giới... tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thể hiện rõ nhất trong “cuộc chiến” với dịch Covid-19 trong thời gian qua, với phương châm xuyên suốt, nhất quán “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng bộ, chính quyền tỉnh cùng các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đã phối hợp hài hòa cùng với doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về việc làm cho người dân và phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,5%, kéo giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,88% năm 2022.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% và 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia y tế xã. Công tác giảm nghèo của tỉnh xếp thứ 4/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Công tác bình đẳng giới và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng được nâng cao, hình thành và duy trì được nhiều mô hình hay, sáng tạo về bình đẳng giới như: “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; “Ngăn ngừa và giảm thiểu các hệ lụy của việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài”... tạo cơ hội để phụ nữ đóng góp và tham gia ngày càng nhiều các hoạt động của xã hội.
Ngoài ra, quyền được ứng cử và bầu cử của người dân trong tỉnh cũng được đảm bảo. Bên cạnh đó, để chủ động đấu tranh với hoạt động chống phá về nhân quyền, lực lượng chức năng tỉnh thường xuyên kiểm tra, tăng cường quản lý địa bàn, bảo vệ an toàn an ninh trật tự; giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến chính sách xã hội, tôn giáo, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, không để phần tử xấu lợi dụng.
Những chủ trương, chính sách “thấu tình đạt lý” của Đảng và Nhà nước, “trên dưới đồng lòng” của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, đảm bảo cho người dân có điều kiện thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ về quyền con người là những minh chứng rõ nét nhất để bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động.
LÊ NGUYÊN