.
Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2023)

Khơi dậy khát vọng cống hiến, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Cập nhật: 09:33, 01/08/2023 (GMT+7)

Kể từ khi ra đời, ngành Tuyên giáo luôn giữ vị trí quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. 93 năm qua, ngành đã khẳng định vai trò, sức mạnh trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, góp phần vun đắp lý tưởng, giữ vững niềm tin của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân vào thắng lợi của đấu tranh cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.

a
Công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế trong truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 đạt nhiều kết quả tích cực. (Ảnh: Sức khỏe và đời sống)

Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đội ngũ cán bộ tuyên giáo với bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của mọi người dân Việt Nam.

Luôn “đi trước mở đường”, tạo hiệu ứng lan tỏa

Ngày 1/8 hằng năm được Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. Cách đây 93 năm, ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ”, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.

Trải qua 93 năm xây dựng và phát triển, công tác tuyên giáo luôn giữ vị trí hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, giác ngộ quần chúng đi theo lý tưởng cách mạng của Đảng.

Tài liệu phát hành đã gây được dư luận rộng lớn trong xã hội đương thời, cổ vũ nhân dân đấu tranh, biểu tình chống chiến tranh đế quốc. Ngày 1/8 trở thành một mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá và đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tư tưởng-văn hóa của Đảng.

Trải qua 93 năm xây dựng và phát triển, công tác tuyên giáo luôn giữ vị trí hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, giác ngộ quần chúng đi theo lý tưởng cách mạng của Đảng; đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các khuynh hướng tư tưởng sai trái, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Cùng với tiến trình phát triển đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác tuyên giáo luôn “đi trước mở đường” để tạo sự thông suốt về tư tưởng, củng cố niềm tin trong toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân và tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đất nước đối diện với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những khủng hoảng địa chính trị trên thế giới; toàn bộ nền kinh tế-xã hội cũng như đời sống của người dân đã phải chịu những tác động tiêu cực nặng nề.

Trong bối cảnh đó, ngành Tuyên giáo một mặt tích cực tham mưu bảo đảm công tác tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị mới của Trung ương và các văn bản của cấp ủy địa phương một cách nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời tham mưu cấp ủy định hướng công tác thông tin, tuyên truyền phù hợp từng giai đoạn cụ thể nhằm ổn định tư tưởng, tạo sự đoàn kết, đồng thuận của người dân và toàn xã hội, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch, khắc phục khó khăn, khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp đã bám sát tình hình thực tiễn địa phương, cơ sở để có nhận định, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, kịp thời tham mưu phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách, phù hợp diễn biến dịch bệnh của từng giai đoạn và điều kiện địa bàn.

Ngành Tuyên giáo cũng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền nội dung, ý nghĩa Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nêu bật tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, góp phần khơi dậy ý chí, nghị lực, sức sáng tạo trong các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Lời kêu gọi được lan tỏa đã thúc đẩy tinh thần quyết tâm, đoàn kết trong toàn xã hội, muôn người như một, chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa khôi phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn, cố gắng hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Nhờ đó, kinh tế-xã hội của cả nước đạt được những kết quả tích cực góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu đại dịch.

Các lĩnh vực an sinh, xã hội, môi trường, cải cách hành chính được cải thiện rõ nét. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nền nếp, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt và hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Góp phần nâng cao đạo đức cách mạng trong tình hình mới

Không chỉ làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và trong xã hội về các đường lối, chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội của Đảng đề ra, ngành Tuyên giáo đã tập trung tham mưu cho các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các nghị quyết, kết luận về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Qua đó, nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy các cấp. Việc học và làm theo Bác đã được phát động, tổ chức với nhiều hình thức sinh động, thiết thực gắn với năng lực của từng đảng viên và tình hình cụ thể của tổ chức đảng.

Những mô hình như tự nhận diện biểu hiện suy thoái, tập thể đóng góp ý kiến, giúp đảng viên xây dựng kế hoạch khắc phục; xác định tinh thần, thái độ làm việc, làm rõ trách nhiệm, cùng với cam kết và nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ… đã có tác dụng chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị.

Tại nhiều địa phương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều đảng bộ, chi bộ tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của cán bộ, đảng viên.

Hằng năm, cấp ủy các cấp lựa chọn, xác định khâu đột phá trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và các chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân thông qua các hoạt động như: Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc họp dân, sinh hoạt tổ tự quản, tiếp xúc cử tri; tăng cường đối thoại với nhân dân, đoàn viên, hội viên; tiếp nhận và giải quyết đơn thư hằng tháng; tổ chức tiếp dân, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Thông qua đó, đã phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong huy động sức dân để giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc tại địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW cũng được yêu cầu gắn với thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Nhờ đó, việc thực hiện các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, tác phong của cán bộ, đảng viên thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chống quan liêu, vô cảm; coi trọng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước; khắc phục, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Từ đó, việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra qua công tác tự phê bình và phê bình, qua kiểm điểm hằng năm của các tập thể, cá nhân có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đoàn thể được nâng lên, ý thức tổ chức, kỷ luật của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tốt hơn…

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về nhiều mặt, làm ảnh hưởng uy tín của tập thể, tổ chức.

Đảng ta đặt ra yêu cầu phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm ngay từ khi mới phát sinh.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, có tư duy, khát vọng đổi mới, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Đáp ứng yêu cầu, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với nhiều ban, ngành, học viện tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Ban cũng đã điều tra, khảo sát dư luận xã hội và kết quả hơn 90% số người được hỏi cho rằng đây là việc làm rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Chuẩn mực đạo đức cách mạng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, có tư duy, khát vọng đổi mới, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Đó là những phẩm chất đạo đức như: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, trọng danh dự, kỷ cương, nêu cao tinh thần tự soi, tự sửa… phải được mỗi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu suốt đời.

Cùng với đó, ngành Tuyên giáo tự đặt ra yêu cầu phải không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo, trong đó đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải có phương pháp làm việc dân chủ, chân thành, không gò ép, áp đặt, mệnh lệnh, mà còn phải rất tinh tế, đi vào lòng người; phải chủ động tìm hiểu, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, đồng thời thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc nhân dân để nắm bắt dư luận...

Có như vậy, công tác tuyên truyền, định hướng mới hiệu quả, đồng thời tham mưu có chất lượng để các cấp ủy nắm chắc tình hình, kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện chệch choạc, nâng cao đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng, trúng các vấn đề đặt ra, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Với tinh thần không ngừng đổi mới, ngành Tuyên giáo tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của mọi ngành, mọi địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.