Tiền Giang: Phát huy sức mạnh công tác tuyên giáo trong giai đoạn mới
Cách đây 93 năm, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay) đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1-8” kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô - Viết. Sau khi được phát hành, tài liệu này đã gây tiếng vang lớn trong xã hội. Chỉ một thời gian ngắn, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống đế quốc. Và ngày 1-8 đã trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; gắn liền sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.
93 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG
Lịch sử Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự kiện tạo ra bước ngoặt căn bản trong việc hình thành con đường cứu nước của dân tộc là khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin vào tháng 7-1920.
Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo” cho các cá nhân. Ảnh: lê nguyên |
Những nỗ lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối trong việc truyền bá hệ tư tưởng Mác xít và tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng… đã góp phần tích cực làm nên sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, đó là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
Và ngày 1-8-1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày Quốc tế đỏ 1-8”.
Ngay sau khi phát hành, tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Trải qua 93 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công trong kháng chiến, nay là Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, luôn xác định công tác tư tưởng có vai trò rất quan trọng. 93 năm qua, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh có nhiều tên gọi khác nhau, với nhiều bộ phận, nhiều cơ quan hợp thành và cũng có nhiều lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực Tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bởi trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng.
Cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình phải hiểu tư tưởng của quần chúng nhân dân, phải tuyên truyền để quần chúng thông suốt về tư tưởng để cùng thống nhất về hành động.
Để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Người một mặt yêu cầu cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành phải thật thông suốt trong tư tưởng, phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ; mặt khác, mọi cấp ủy và mọi cán bộ, đảng viên đều phải làm công tác tư tưởng cho chính mình và đả thông tư tưởng, động viên sáng kiến, lực lượng của toàn dân để mọi người tự giác, hăng hái tham gia cách mạng, ủng hộ cách mạng, nhất là “phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng cá nhân hoàn toàn thất bại”.
Đặc biệt đánh giá cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất, là bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, là nhân tố cấu thành quan trọng hàng đầu trong sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội.
ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THAM MƯU
Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã trải qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội đảng các cấp với kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực. Đóng góp vào thành quả chung đó, ngành Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang đã bám sát tình hình, đoàn kết, sáng tạo, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều nội dung quan trọng.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm nhân kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 - 1-8-2023). Ảnh: LÊ NGUYÊN |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp đã chủ động, tích cực thực hiện tốt chức năng tham mưu và hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn trên lĩnh vực tuyên giáo, nhất là tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trình độ nhận thức, lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên; triển khai, quán triệt, phối hợp chuẩn bị các cuộc hội nghị sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh đạt mục đích, yêu cầu đề ra…
Để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang đề nghị ngành Tuyên giáo của tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cấp ủy.
Trong việc tham mưu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, văn kiện của Đảng, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương đề nghị: “Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo cấp huyện và tương đương tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và tăng cường “phủ xanh” thông tin tích cực trên báo chí và trên các nền tảng mạng xã hội; không để khoảng trống thông tin cho các thế lực thù địch và kẻ xấu lợi dụng.
Ban Tuyên giáo cấp huyện chủ động, kịp thời ghi nhận, phân tích và dự báo tình hình dư luận để tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các ngành để kịp thời xử lý, ngăn chặn từ sớm, từ xa; đề xuất giải pháp định hướng dư luận xã hội, nhất là các vấn đề dư luận quan tâm, báo chí phản ánh… góp phần định hướng, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo niềm tin, phấn khởi thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị”.
NHƯ NGỌC (tổng hợp)