Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra
Thời gian qua, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh Tiền Giang không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thẩm tra, góp phần tham mưu tốt cho Thường trực HĐND tỉnh trên lĩnh vực pháp chế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
HIỆU QUẢ GIÁM SÁT, THẨM TRA
Ban Pháp chế - HĐND tỉnh tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra trong lĩnh vực phụ trách”. |
Thời gian qua, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh đã bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, sự phân công điều hành của Thường trực HĐND tỉnh và chương trình công tác năm, nỗ lực triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ theo chương trình công tác.
Trong đó, Ban Pháp chế chú trọng hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát theo chuyên đề trực tiếp tại cơ sở về việc thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực Ban phụ trách. Cụ thể, năm 2022, Ban Pháp chế tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh; tham mưu Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác khởi tố, điều tra các vụ án hình sự. Bên cạnh đó, Ban Pháp chế tổ chức thẩm tra 9 dự thảo nghị quyết kèm tờ trình của UBND tỉnh trình tại các Kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh trong năm 2022.
Trong thẩm tra, Ban luôn bám sát vào những nội dung cần làm rõ, đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương; tích cực nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế, đánh giá về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau tạo cơ sở pháp lý để đại biểu HĐND thảo luận và quyết nghị.
Tuy nhiên, theo Ban Pháp chế, so với yêu cầu thực tế, thì hoạt động giám sát, thẩm tra của Ban vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Một số chuyên đề giám sát có nội dung khá rộng, tính chuyên môn cao nhưng trình độ chuyên môn của các Ủy viên Ban Pháp chế không thuộc lĩnh vực giám sát, đa số hoạt động kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu nên chưa thể phát hiện được hết những hạn chế, bất cập; chưa mạnh dạn đặt vấn đề để cơ quan được giám sát giải trình làm rõ; một số thành viên chưa phát huy tinh thần, trách nhiệm, chủ yếu tham gia để nắm thông tin dẫn đến hoạt động giám sát chưa đạt kết quả như mong muốn. Số cuộc giám sát chuyên đề chưa nhiều, chưa bao quát hết các lĩnh vực, các vấn đề bức xúc mà cử tri và dư luận quan tâm. Công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa chặt chẽ…
NHIỀU GIẢI PHÁP NÂNG CHẤT HOẠT ĐỘNG
Theo các đại biểu HĐND tỉnh, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, cần chú trọng chọn nội dung, đối tượng và thành phần đoàn giám sát. Nội dung giám sát phải xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ kiến nghị của cử tri, từ những yêu cầu bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội. Đối tượng giám sát cần chọn lọc các ngành, địa phương, đơn vị mang tính chất đại diện, có tính cá biệt, có tính phổ biến, tránh dàn trải, giám sát nhiều đối tượng có tính chất, đặc điểm giống nhau sẽ gây mất thời gian, mất tính tập trung cho đoàn giám sát.
Thành phần đoàn giám sát cần mời các thành viên có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực ngành có liên quan nội dung giám sát, có thể mời thêm các chuyên gia tham gia đoàn giám sát để có những đề xuất khả thi cho ngành, địa phương được giám sát. Đặc biệt là cần quan tâm đến hậu giám sát, theo dõi quá trình giải quyết vấn đề giám sát đến cùng.
"Thông qua giám sát, Ban tham mưu Thường trực HĐND tỉnh có nhiều kiến nghị phù hợp, sát thực tiễn đối với các cơ quan Trung ương và tỉnh để kịp thời khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành, địa phương. Đặc biệt đối với giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, qua giám sát, Ban đã có nhiều kiến nghị, giải pháp khả thi giúp đơn vị được giám sát và các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn; đồng thời, tham gia đề nghị, đôn đốc cơ quan Trung ương thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, giải quyết một số vấn đề địa phương còn khó khăn do vướng từ cơ chế, chính sách”. |
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa IX Nguyễn Thị Sáng chia sẻ: “Kinh nghiệm cho thấy, vấn đề nào được lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh nói chung và lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh quan tâm, đeo bám đến cùng thì vấn đề đó được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, sau giám sát, phải theo dõi thường xuyên việc thực hiện các kết luận, kiến nghị. Nếu không đôn đốc, nhắc nhở thực hiện kết luận, kiến nghị thì đối tượng được giám sát có thể thực hiện cầm chừng hoặc không thực hiện. Từ đó sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát”.
Liên quan đến vấn đề hậu giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh khóa IX Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đối với các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát mà cơ quan có thẩm quyền không thực hiện hoặc chưa tổ chức thực hiện nghiêm túc thì Thường trực HĐND cần phải chủ trì tổ chức xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát bằng hình thức tổ chức phiên họp.
Sau khi phân tích tại phiên họp, các nội dung mà các cơ quan chức năng không thực hiện thì Thường trực HĐND tiếp tục đưa ra để các ban và đại biểu HĐND tiếp tục chất vấn, đề nghị giải trình cho đến khi vấn đề được giải quyết triệt để.
Đối với những vấn đề kiến nghị nhiều lần mà không được thực hiện, Thường trực HĐND cân nhắc các giải pháp: Kiến nghị với cấp ủy, cơ quan quản lý cán bộ đối với người đứng đầu; đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra xem xét; đề nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Có như vậy thì chất lượng giám sát chắc chắn sẽ được nâng lên.
Đối với hoạt động thẩm tra, thành viên của Ban cần tham gia đầy đủ các cuộc giám sát, khảo sát của Ban, phát huy vai trò, trách nhiệm, kinh nghiệm, năng lực và bản lĩnh trong hoạt động thẩm tra. Cần tuân thủ trình tự, kết quả thẩm tra; cần phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế tồn tại, xác định những giải pháp cơ bản chủ yếu để giải quyết; những kiến nghị cụ thể đối với UBND và các cơ quan liên quan.
Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm của các ban về sự đồng tình hoặc không đồng tình đối với dự thảo nghị quyết, đề án; cung cấp được nhiều thông tin giúp cho đại biểu phân tích, đánh giá, xem xét, quyết định tại kỳ họp. Đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ban được phân công thẩm tra cần báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp để xin ý kiến xử lý. Khi cần thiết, Thường trực HĐND xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy địa phương, nhất là những vấn đề lớn, quan trọng.
HOÀI THU