Thứ Tư, 06/09/2023, 20:08 (GMT+7)
.

Đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng

Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng; thân thế, sự nghiệp và những cống hiến của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu theo Chỉ thị 45, Kết luận 88 của Bộ Chính trị.
 

Ngày 29-12-2022, tại TP. Mỹ Tho, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-2023). (Ảnh: Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Tiền Giang chủ trì hội thảo).
Ngày 29-12-2022, tại TP. Mỹ Tho, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-2023). (Ảnh: Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Tiền Giang chủ trì hội thảo).

Trên cơ sở nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng nhà lưu niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng các sự kiện lịch sử quan trọng, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, kế hoạch tuyên truyền đối với từng ngày lễ kỷ niệm, sự kiện quan trọng; đồng thời, hướng dẫn, định hướng để các tổ chức cơ sở đảng tổ chức thông tin, tuyên truyền trong nội bộ và nhân dân với nhiều hình thức phong phú thông qua hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các tổ chức chính trị - xã hội, trên Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền cổ động trực quan; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; các phong trào thi đua yêu nước…

Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc.
Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc.

Từ năm 2014 đến nay, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức gần 2.000 buổi chiếu phim lưu động do Cục Điện ảnh cung cấp, như Đồng chí Trường Chinh - “Những dấu ấn lịch sử”; Tổng Bí thư Trần Phú; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một huyền thoại; Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn, Tôn Đức Thắng một đời liêm khiết; đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc… phục vụ trên 400 ngàn người dân.

Qua triển khai, quán triệt Kết luận 88 của Bộ Chính trị, nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân dân đã được nâng cao, nhất là nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; quá trình tham gia cách mạng, cống hiến to lớn của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tiền bối đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Tiền Giang hiện có 2 nhà tưởng niệm (Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Thập tại Đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành và Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe tại ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy và 184 di tích được xếp hạng (21 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 162 di tích cấp tỉnh).

Đến nay, Tiền Giang đã tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích: Chiến thắng Ấp Bắc (TX. Cai Lậy); Lũy Pháo Đài (huyện Tân Phú Đông); mộ ông Nguyễn Ngọc Chấn (huyện Gò Công Đông); mộ Trương Định, Lăng Hoàng Gia, mộ ông Đỗ Trình Thoại, bà Trần Thị Sanh, Chiến thắng Ao Vông (TX. Gò Công); Chùa Ông Lão (huyện Gò Công Tây); Bia tưởng niệm 2 nữ Liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi, Lê Thị Ngọc Tiến, Căn cứ Huyện ủy Chợ Gạo, mộ và Đền thờ Thủ Khoa Huân (huyện Chợ Gạo); Bia tưởng niệm trận đánh Bờ Cộ (TP. Mỹ Tho); Đình Dương Hòa (huyện Tân Phước), Đình An Hữu, Chùa Quan Thánh (huyện Cái Bè).

Di tích lịch sử - văn hóa: Rạp hát Thầy Năm Tú (TP. Mỹ Tho), Đình Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây), Miếu Bà Chúa Xứ - Cống Tượng (huyện Tân Phước), Phủ thờ Bác Hồ (huyện Cái Bè). Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Đình Trung (TX. Gò Công), Đình Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây), Đình Hòa Khánh (huyện Cái Bè)…

Việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng tại địa phương. Các di tích lịch sử - văn hóa có quy mô lớn được chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ, trùng tu, sửa chữa; thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan.

Điều này cho thấy, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt, tuyên truyền Kết luận 88 của Bộ Chính trị, cũng như tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, kỷ niệm ngày sinh các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu.

Các hoạt động chào mừng ngày lễ, kỷ niệm được thực hiện trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, thể hiện tình cảm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Công tác tuyên truyền được thể hiện với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Từ đó, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, dư luận trong nhân dân liên quan đến các sự kiện, các hoạt động kỷ niệm, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch.

TẤN QUÂN

.
.
.