Thứ Năm, 28/09/2023, 18:22 (GMT+7)
.

Huyện Tân Phú Đông kiến nghị Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ, điều chỉnh, bổ sung chính sách cho huyện vừa mới thoát nghèo

(ABO) Ngày 28-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang do đồng chí Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang làm Trưởng đoàn giám sát tiếp tục giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Tân Phú Đông.

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Phú Đông, tính đến tháng 6-2023, huyện đạt 2/9 tiêu chí (15/36 chỉ tiêu) huyện NTM gồm: Tiêu chí số 3 về Thủy lợi và Phòng chống thiên tai và tiêu chí số 4 về Điện. Còn 7 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí số 1 Quy hoạch, tiêu chí số 2 Giao thông, tiêu chí số 5 Y tế - Văn hóa - Giáo dục, tiêu chí số 6 Kinh tế, tiêu chí số 7 Môi trường, tiêu chí số 8 Chất lượng môi trường sống, tiêu chí số 9 Quốc phòng - an ninh.

đồng chí Tạ Minh Tâm kết luận buổi làm việc
Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với tiến độ xây dựng xã NTM, đến nay huyện có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí xã NTM là xã Phú Tân, 3 xã đạt 14/19 tiêu chí xã NTM (Tân Thới, Tân Thạnh, Phú Đông), 2 xã đạt 9/19 tiêu chí xã NTM (Tân Phú, Phú Thạnh).

Đối với Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, huyện luôn được sự quan tâm của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Theo đó, Tân Phú Đông từ huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo hơn 53,12%, hộ cận nghèo 14,8% đầu giai đoạn 2016 - 2020, thì đến nay đã thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,34%, hộ cận nghèo 0,92%, phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%...

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Thị Uyên Trang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các chương trình MTQG, huyện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Việc huy động nguồn lực cho Chương trình xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước đầu tư còn thấp so với yêu cầu; vốn huy động trong nhân dân còn hạn chế do thu nhập của người dân còn thấp, vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp không nhiều.

Bên cạnh đó, bộ phận giúp việc cấp huyện, xã đa phần là kiêm nhiệm nên không nhận thấy hết bao quát vấn đề trọng tâm, do đó chưa tham mưu kịp thời, sâu sát. Đối với Chương trình Giảm nghèo bền vững thì một số hộ nghèo còn ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chủ động trong công việc sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo; mức hỗ trợ của Nhà nước chưa cao so với nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện...

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu đã thảo luận nguyên nhân dẫn đến những hạn chế còn tồn; đồng thời, đề nghị địa phương làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện 2 chương trình MTQG như: Vì sao tỷ lệ giải ngân nguồn vốn một số dự án còn thấp; nguồn vốn phân bổ thời gian qua có đáp ứng yêu cầu của địa phương; những khó khăn trong triển khai Chương trình OCOP; những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội; cơ chế phối hợp giữa địa phương và các ngành tỉnh...

Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn đã giải trình làm rõ các vấn đề đoàn đặt ra. Đồng chí cho biết Tân Phú Đông là huyện vừa thoát nghèo năm 2021 mà yêu cầu của cấp trên phải thực hiện lộ trình xây dựng NTM nhanh; ngân sách có hạn chế mà nguồn lực từ xã hội,  doanh nghiệp rất thấp nên huyện gặp rất nhiều thách thức. Song, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị huyện, đến nay cũng có kết quả phấn khởi. Thời điểm tháng 6-2023, huyện còn nhiều lo lắng bởi các tiêu chí đạt khá thấp, tuy nhiên đến thời điểm này thì nhiều tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng NTM đã có nhiều khả quan, cơ bản đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Bí thư Huyện ủy cũng kiến nghị đến Đoàn giám sát có ý kiến về Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ, điều chỉnh, bổ sung chính sách cho huyện vừa mới thoát nghèo; ngân sách hỗ trợ cần có sự tiếp nối, có thể giảm dần để trợ lực cho huyện vươn lên, bởi khi không còn là huyện nghèo, nhiều nguồn vốn bị cắt nên một số công trình, dự án không có vốn thực hiện dẫn đến khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tạ Minh Tâm ghi nhận những kết quả huyện đã đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình MTQG, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội Tiền Giang ngày càng phát triển. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn của huyện.

Đồng chí Bùi Thái Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Bùi Thái Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí cho biết Đoàn giám sát chuyên đề lần này với mục tiêu đánh giá toàn diện, khách quan công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện 2 Chương trình MTQG về xây dựng NTM và về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, các bộ, ngành, của tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan; ghi nhận kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp, lồng ghép 2 chương trình MTQG.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Qua giám sát, Đoàn đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đối với 2 chương trình này, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện chương trình; phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình MTQG giai đoạn tiếp theo.

THU HOÀI

 

.
.
.