.
XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

Bài 1: Tăng cường kiểm tra, giám sát

Cập nhật: 10:01, 25/09/2023 (GMT+7)

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đến nay, Tiền Giang đã đạt được những kết quả quan trọng về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, góp phần tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đối với cán bộ, đảng viên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ then chốt trong giữ vững ổn định chính trị, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

GIỮ VỮNG KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT ĐẢNG

Từ những yêu cầu về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng của Tiền Giang đã tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu.

Qua đó, chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát của tỉnh Tiền Giang có chuyển biến nâng lên, đã kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, về những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Công tác giải quyết tố cáo, khiếu nại được tập trung đúng mức, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm đã được xem xét, kết luận, xử lý đúng quy định, mang lại kết quả thiết thực, tạo hiệu ứng tích cực trong việc đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Trầm trao Giấy khen của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tặng các tập thể có thành tích năm 2022.
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Trầm trao Giấy khen của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tặng các tập thể có thành tích năm 2022.

Nửa nhiệm kỳ qua, Tiền Giang xem công tác kiểm tra, giám sát là vấn đề trọng tâm và thường xuyên trong công tác lãnh đạo, có sơ, tổng kết rút kinh nghiệm để thực hiện ngày càng tốt hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện từ năm 2011 - 2022.

VÌ SỰ VỮNG MẠNH CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG

Với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiếp tục quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định, quy định, kết luận, hướng dẫn và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng, hằng năm, tùy theo tình hình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm hoặc tổ chức đoàn đi làm việc trực tiếp với một vài tổ chức, cá nhân có vấn đề cần quan tâm để kịp thời chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo đó, nửa nhiệm kỳ qua, các cấp ủy đã tiến hành kiểm tra 1.512 đảng viên (tăng hơn 84% so với cùng kỳ nhiệm kỳ 2015 - 2020) và 1.110 tổ chức Đảng. Kết quả, có 2 đảng viên và 1 tổ chức Đảng có vi phạm, trong đó có 1 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật.

Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp đã tiến hành giám sát 1.583 đảng viên (tăng hơn 68,5% so với cùng kỳ nhiệm kỳ 2015 - 2020) và 1.059 tổ chức Đảng. Qua đó đã phát hiện 4 tổ chức Đảng và 5 đảng viên có dấu hiệu vi phạm.

Cấp ủy các cấp quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách 1 tổ chức Đảng do vi phạm việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng; thi hành kỷ luật 209 đảng viên (giảm hơn 17%), với các hình thức: Khiển trách 150 đảng viên, cảnh cáo 41 đảng viên, cách chức 8 đảng viên, khai trừ Đảng 10 đảng viên. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 8 trường hợp bị phạt tù, 14 trường hợp bị xử lý hành chính.

Song song đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã giám sát 1.182 tổ chức Đảng và 1.256 đảng viên và qua kết luận, có 11 tổ chức Đảng, 15 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 1.139 tổ chức Đảng, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ thi hành kỷ luật Đảng đối với 118 tổ chức Đảng và qua kiểm tra, có 27 tổ chức Đảng chưa làm tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; 1 tổ chức Đảng chưa làm tốt công tác thi hành kỷ luật Đảng, phải kiến nghị tăng hình thức kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra các cấp đã quyết định thi hành kỷ luật 166 đảng viên với các hình thức: Khiển trách 97 đảng viên, cảnh cáo 41 đảng viên, khai trừ 28 đảng viên; trong đó, có 12 trường hợp bị  phạt tù, 9 trường hợp bị xử lý hành chính…

Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh đã thẳng thắn nhìn nhận công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng thời gian qua vẫn còn có mặt hạn chế, tồn tại; không ít việc vẫn chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay; nhất là nhận thức của một số cấp ủy và tổ chức Đảng về công tác kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, còn lúng túng trong thực hiện, chưa phân biệt rõ giữa giám sát và kiểm tra; còn tình trạng sợ mất thành tích chung của đảng bộ, của chi bộ nên chưa kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh đề nghị phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và xem đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát, trước hết là phải lựa chọn đúng đối tượng, đúng nội dung kiểm tra, giám sát và phải tập trung vào những vấn đề trọng điểm, dễ phát sinh sai phạm; kiên quyết xử lý những tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần hoặc không thành khẩn nhận khuyết điểm khi sai phạm.

Từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, phải tự soi, tự sửa. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chỉ thị, quy định, kết luận, hướng dẫn của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đến từng cán bộ, đảng viên gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo kế hoạch đã đề ra.

VĂN THẢO

(còn tiếp)



 

.
.
.