Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn!
Cách đây tròn 54 năm, vào 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta, trở về với thế giới người hiền.
Ảnh: Tư liệu |
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là lời căn dặn cuối cùng của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng. Thời gian càng lùi xa thì chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị của bản Di chúc lịch sử.
Trong Di chúc khi nói về một số việc riêng, Bác Hồ chỉ tiếc rằng không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Mong muốn cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Khi nói về việc riêng trong bản Di chúc, Bác “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” cho Tổ quốc, cho cách mạng và cho nhân dân.
Bác nhấn mạnh từ “phục vụ” nhằm nói rõ nhiệm vụ của người làm cách mạng là phải quên mình “phục vụ” Tổ quốc, nhân dân. Người cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người “đầy tớ” trung thành của nhân dân, không đòi hỏi một quyền lợi riêng cho mình, cống hiến trọn đời cho nhân dân, cho Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách giản dị: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Ngoài ra, trong Di chúc, Người căn dặn “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích tiêu biểu trong 2 năm thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị. Ảnh: Văn Thảo. |
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Kết luận 01 ngày 18-5-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (gọi tắt là Kết luận 01), tỉnh Tiền Giang đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác gắn với giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang, đánh giá: "Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp luôn gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được, những việc chưa làm được; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, tạo phong trào thi đua sâu rộng trong Đảng và trong xã hội".
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh càng phải giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Trong thực hiện, các cấp ủy cần chủ động, sáng tạo để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thật sự có hiệu quả và thiết thực, tránh hình thức; chú trọng việc nêu gương để trở thành hành động tự giác, thường xuyên ở mỗi cán bộ, đảng viên nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tăng cường xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thật sự trong sạch vững mạnh.
Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt Kết luận 01, đặc biệt là quán triệt các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về: Tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Kỷ niệm 54 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn của Người trong Di chúc, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân, để đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao, “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” theo di nguyện của Người.
M.T