Thứ Sáu, 27/10/2023, 21:23 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tích cực thảo luận các nghị quyết, dự án luật

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều ngày 27-10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia đóng góp nhiều ý kiến

THẢO LUẬN DỰ THẢO CÁC NGHỊ QUYẾT 

Tại phiên thảo luận tại tổ, các ý kiến tán thành với sự cần thiết việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành vì không làm tăng tổng mức đầu tư Dự án, không tăng diện tích đất thu hồi là phù hợp.

Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu cho rằng việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là cần thiết, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc về quy định tại một số luật và từ thực tiễn phát sinh.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ đồng tình với nội dung của Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đồng thời, phân tích làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) (Điều 4).

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, Ủy ban Kinh tế (UBKT) được giao chủ trì thẩm tra Tờ trình số 588/TTr-CP ngày 20-10-2023 của Chính phủ về “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ”. Qua thẩm tra UBKT của Quốc hội nhận thấy, các dự án giao thông đường bộ thường có chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng mức đầu tư rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia đầu tư. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ, UBKT cơ bản nhất trí với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.

Bên cạnh đó, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, các dự án giao thông PPP gặp khó khăn nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng... dẫn đến các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc đầu tư các dự án giao thông PPP. Do đó, đề xuất của Chính phủ về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ chưa xử lý triệt để được những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để bảo đảm hiệu quả của chính sách đề xuất…

GÓP NHIỀU Ý  KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Trước đó, chiều ngày 26-7, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng tham gia góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, ĐBQH tỉnh Tiền Giang đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp và tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH và các Ủy ban của Quốc hội. Đặc biệt, đã tiếp thu đưa nội dung về quyền có chỗ ở vào Điều 6 và cụ thể hóa quyền này bằng các chính sách trực tiếp và gián tiếp tại Điều 4 về các chính sách phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở và Điều 79 về nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội của dự thảo Luật. Đây là quy định quan trọng nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp 2013 công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và đảm bảo điều kiện, cơ hội để người dân nào cũng có nhà ở, chỗ ở.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến tại hội trường.

Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng đồng tình với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức đại diện. Vì đây là một chính sách mới, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân rất cần phải được đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi và sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đối với các nhà ở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư sẽ ưu tiên bố trí cho công nhân, lao động, nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được sử dụng khi quỹ nhà vẫn còn và các đối tượng này có nhu cầu để đảm bảo hài hòa, hiệu quả, chống lãng phí. Tuy nhiên, cũng cần phải thông qua một cơ chế phù hợp vì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đại biểu Tạ Minh Tâm, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội về nhà ở đối với người dân, nhất là nhà ở - nơi ở cho công nhân, người lao động.

Quang cảnh thảo luận tại hội trường
Quang cảnh thảo luận tại hội trường.

Tham gia hoàn thiện Luật, đại biểu Tạ Minh Tâm quan tâm 2 nội dung về nhà lưu trú cho công nhân và hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Cụ thể, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị, bên cạnh nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, cần bổ sung chính sách cho xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài phạm vi khu công nghiệp nhằm thể chế hóa định hướng tại Nghị quyết Trung ương 6 của Bộ Chính trị ngày 24-1-2022 về việc đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, mở rộng cơ hội tiếp cận nơi ở của công nhân, lao động, hiện còn nhiều vấn đề cần quan tâm về điều kiện sinh hoạt, ăn nghỉ.

Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị có mở rộng chủ thể được đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, không chỉ giới hạn là doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, mà bổ sung các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất ngoài khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân để bố trí cho người lao động của mình nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách.

Về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị tiếp tục có nghiên cúu theo hướng bổ sung vào Điều 77 của dự thảo Luật quy định theo hướng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã mình thuê lại với các lý do đa dạng hóa các giải pháp đáp ứng yêu cầu thực tiễn như đã nêu trên. Đồng thời, có rà soát bổ sung các giải pháp ngăn chặn - khắc phục các mặt tiêu cực có thể phát sinh đã thể hiện trong quá trình đóng góp xây dựng Luật.

THU HOÀI - MINH TRÍ

 

 

 

.
.
.