Thứ Tư, 04/10/2023, 10:47 (GMT+7)
.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của lòng dân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng huyền thoại, người anh hùng dân tộc. Với người dân Việt Nam và cả thế giới, Đại tướng trở thành hình mẫu đẹp, vị tướng huyền thoại, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho thanh bần tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Võ Nguyên Giáp nổi tiếng thông minh, hiếu học ngay từ lúc còn nhỏ. Từ năm 1925 đến năm 1927, ông theo học ở Trường Quốc Học Huế, rồi tham gia hoạt động cách mạng. Từ đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp không ngừng theo đuổi con đường học vấn; hoạt động say sưa, tích cực trên mặt trận văn hóa, song song với việc tham gia vào các phong trào, hoạt động cách mạng.

a
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại văn phòng. Ảnh: Trần Hồng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài ba, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại là một Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân từng cầm quân chinh chiến đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ, cùng dân tộc giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc. Sống giản dị, gần gũi; tài đức vẹn toàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành tấm gương sáng, là niềm tự hào, kính mến trong trái tim của người dân Việt Nam. Sống giữa cuộc đời và sống trong lòng dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được người Việt Nam gọi bằng những cái tên trìu mến: Anh Cả, Anh Văn, bác Giáp, tướng Giáp...

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng bốn lần viết thư cho bộ đội trước khi bắt tay vào nhiệm vụ mới. Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét: “Một vị Tổng Tư lệnh viết thư tâm tình với cán bộ và chiến sĩ như vậy là nét đẹp nói lên bản chất cách mạng của Bộ đội Cụ Hồ và cũng là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước”.

Cuộc đời của Đại tướng luôn song hành với những chặng đường lịch sử của dân tộc trong thế kỷ XX. Nhưng với tinh thần khiêm tốn, trong cuốn hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, Đại tướng không nhằm tự thuật về cuộc đời của mình mà chủ yếu tái hiện lại những sự kiện quan trọng, những biến cố có tính bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam hiện đại, từ những ngày khẩn trương chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, đến những ngày gay go ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trên cơ sở những sự kiện lịch sử, Đại tướng đã có những bình luận đánh giá khái quát, sâu sắc, làm rõ những nỗ lực, to lớn của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám để giữ vững nền độc lập, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, khẳng định vị thế của nước Việt Nam mới. Đọc những trang hồi ký của Đại tướng cảm nhận sâu sắc hơn tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của một vị tướng tài ba, lỗi lạc một đời gắn bó với đất nước, con người Việt Nam.

a
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Trần Hồng

Là một trong 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của bạn bè khắp năm châu. Nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà báo, nhà văn, nhân dân thế giới viết về Đại tướng bằng tình cảm ấm áp, niềm xúc động, khâm phục tài năng và đức độ.

Nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Algeria, xã luận của tờ El moudjahd năm 1976 có viết: “Một người dáng vẻ rất giản dị. Một bộ mặt cởi mở. Còn hơn một anh hùng. Tướng Giáp. Ông thuộc dòng những chiến sĩ mà người ta sẽ kể những chiến công từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có lẽ ngay cả những nhà sử học cũng cần rất nhiều luận chứng để tránh miêu tả ông như một nhân vật truyền thuyết, để kể lại trung thành những giá trị của ông…”.

“Chiến thắng bằng mọi giá” là một trong những cuốn sách đầy đủ, chi tiết nhất của người nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cecil B. Currey - một sử gia quân sự - đã giúp người Việt Nam chúng ta làm một công việc cần thiết và vô cùng đáng trân trọng: Đó là khiến thế giới hiểu về lịch sử - truyền thống Việt Nam, hiểu về đất nước - con người Việt Nam, hiểu về vị tướng lĩnh tài ba của Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - mà theo đánh giá của ông là “Thiên tài quân sự vĩ đại nhất thế kỷ XX và là một trong những vĩ nhân của mọi thời đại”.

Đại tướng Peter Macdonald, đồng thời là nhà phân tích về chiến lược của nước Anh khẳng định: "Từ năm 1944 đến năm 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại”.

Trong một lần về quê, Đại tướng tâm sự: “Quê hương, gia đình đã hun đúc nên nhân cách của tôi, quyết định con đường đi của tôi”. Trở về dòng sông Kiến Giang của Lệ Thủy, bằng giọng nói hiền từ, đậm chất Quảng Bình, giản dị ân cần, bác Giáp hỏi thăm mọi người… Nhớ lần về thăm quê ở làng An Xá vào tháng 4 năm 2002 đã làm Đại tướng xúc động khi được trở về ngôi nhà gắn với tuổi thơ của mình. Tháng 11 năm 2004, lúc này đã 93 tuổi, đại tướng dành thời gian để dặn dò,  lãnh đạo huyện nhà phát huy truyền thống quê hương, chăm lo và yêu thương nhân dân, xây dựng quê hương giàu mạnh.

a
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại bạn cũ tại quê nhà. Ảnh: Trần Hồng

Tháng 10 năm 2013, Đại tướng đã an nghỉ giấc ngàn thu giữa lòng đất mẹ Quảng Bình. Nhớ về ông, hàng triệu, hàng triệu trái tim người dân Việt mãi còn thổn thức… Nhớ về tướng Giáp là nhớ về vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân mà tên tuổi của ông gắn liền Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, vị đại tướng mà cả thế giới nghiêng mình và ngợi ca.

Em Đặng Vũ, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tâm sự: “Em rất vinh dự và tự hào khi được học dưới mái trường Quốc Học Huế, nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã theo học. Em hứa mình sẽ cố gắng học tập và rèn luyện, xứng đáng thế hệ con cháu, tiếp bước ông cha đi trước góp phần xây dựng quê hương đất nước tươi đẹp”.

Cô giáo Lê Thị Hương Lý, người con quê hương Quảng Bình, hiện là giáo viên dạy Ngữ văn ở Trường THPT Đào Duy Từ (TP Đồng Hới) chia sẻ: “Là học sinh cũ và giờ được giảng dạy ở ngôi trường vinh dự 2 lần Đại tướng về thăm nên tôi rất tự hào. Tháng 8 năm 1999, Đại tướng về thăm quê, nghe tin Trường THPT Đào Duy Từ tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập trường và có học sinh Trần Đức Long vừa đạt Huy chương đồng Quốc tế môn Sinh học, Đại tướng đã đến thăm trường. Hôm đó đúng ngày sinh nhật của đại tướng 25-8. Các thế hệ thầy cô và học sinh luôn ấn tượng và xúc động về sự gần gũi, ân cần, hiền từ, giản dị và sâu sắc của Đại tướng khi ông căn dặn thầy, trò Trường THPT Đào Duy Từ không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, phải tiếp tục thi đua dạy tốt học tốt để trở thành trường học kiểu mẫu của tỉnh”...

Theo qdnd.vn

.
.
.