Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
(ABO) Ngày 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang có nhiều ý kiến đóng góp đối với tình hình phát triển KT-XH của đất nước.
Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, các ĐBQH cho rằng, trong bối cảnh thế giới và trong nước nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, mặc dù còn một số hạn chế nhưng những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. |
Cụ thể, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Đạt được kết quả này là do có sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì KT-XH vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Góp ý tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, về tổng thể tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển; hiện mới có 36,3% số nhiệm vụ hoàn thành và ban hành văn bản.
Có nhiệm vụ tuy đã được triển khai, nhưng kết quả khó đo lường, chưa thấy rõ như: Phát triển nguồn nhân lực, phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập. Báo cáo chưa làm rõ nguyên nhân, đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chậm ban hành các văn bản, chính sách thực hiện và phương hướng giải quyết thời gian tới.
Quang cảnh thảo luận tại tổ. |
Liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, việc thực hiện cơ cấu lại các nhiệm vụ trọng tâm này đã được triển khai thực hiện từ những giai đoạn trước. Nghị quyết 31 đã yêu cầu tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đi sâu phân tích, đánh giá khả năng thực hiện, hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực này đến hết năm 2025 và chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá cụ thể những hạn chế, bất cập để có hướng tháo gỡ trong thời gian tới.
Thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp mà Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đã đề cập, các ĐBQH cũng góp thêm nhiều ý kiến hữu ích.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị Chính phủ lưu ý thực hiện trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ tập trung thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công. Cụ thể, rà soát, hoàn thiện các luật, văn bản dưới luật bảo đảm thống nhất pháp luật được ban hành đồng bộ, hợp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để DNNN tham gia vào phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới. Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý sau cổ phần hóa của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm khắc phục tình trạng chất lượng cung cấp dịch vụ công của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không đảm bảo chất lượng dịch vụ, vi phạm về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật, điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất.
Đối với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cần xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hính thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bản đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD yếu kém; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động mua bán nợ, thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật trong lập dự toán và thực hiện dự toán chính xác góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chính sách thu và chi ngân sách nhà nước (NSNN) cần phải được xem xét với quan điểm thận trọng nhưng không quá cầu toàn. Cần xem xét cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế liên quan đến tài sản nhằm tăng nguồn thu cho NSNN. Tỷ lệ chi thường xuyên trong NSNN giảm và chi đầu tư tăng lên trong những năm qua; tuy nhiên cần chú trọng hơn đến chi cho y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Liên quan đến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, trong 12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Chính phủ trong năm 2024 và thời gian tới, có quan tâm giải pháp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách; chú trọng thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm quý từ thực tiễn để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề “nóng”, bức xúc xã hội…
Do đó đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang đề xuất quan tâm đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, Luật Báo chí để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động báo chí, xuất bản nhằm góp phần nâng cao chất lượng truyền thông chính sách, để chính sách đi vào cuộc sống và đồng bộ phù hợp với Quy định 100, Quy đinh 101 của Ban Bí thư về xuất bản và báo chí; đồng thời, phát huy vai trò truyền thông chính sách góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành, địa phương…
MINH TRÍ - THU HOÀI