Thứ Tư, 11/10/2023, 10:12 (GMT+7)
.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập - một cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng, lãnh tụ xuất sắc của phong trào phụ nữ

Hôm nay, Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp với Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo về thân thế - cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cố Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Người.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, đại biểu các tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, quý đại biểu, quý vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí đến dự Hội thảo tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, đại biểu dự tại các điểm cầu lời chúc mừng tốt đẹp và lời chào trân trọng nhất; chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Đồng chí Võ Văn Bình (thứ 7, từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội thảo khoa học Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Đồng chí Võ Văn Bình (thứ 7, từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội thảo khoa học Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ giao thương với TP. Hồ Chí Minh, có diện tích tự nhiên 2.510,6 km2, dân số gần 1,8 triệu người, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 172 đơn vị hành chính cấp xã, 1.005 ấp, khu phố. Đảng bộ Tiền Giang có 15 Đảng bộ trực thuộc với 51.831 đảng viên đang sinh hoạt tại 782 tổ chức cơ sở đảng.

Tỉnh có 32 km bờ biển và hệ thống sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kinh Chợ Gạo... nối liền các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, là cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh ven sông Tiền. Với điều kiện tự nhiên sẵn có đã giúp cho địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường khả năng hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch với các địa phương trong cả nước.

Thời gian qua, với sự tập trung lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nên kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đạt nhiều kết quả rất đáng phấn khởi.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, Tiền Giang luôn có dự báo, đánh giá sát, đúng tình hình, kịp thời chuyển dịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động đều khẩn trương chuyển sang trạng thái bình thường mới; tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nên hầu hết các ngành, các lĩnh vực có sự tăng trưởng khá tốt.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,02%; thu nhập bình quân đầu người 63,2 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu 3,87 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 41.843 tỷ đồng; thu ngân sách 10.887 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 6.385 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới 923 doanh nghiệp; thu hút 33 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 32.000 tỷ đồng.

Về Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo nông thôn; đến nay có 138/142 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội ổn định; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 đạt 99,67%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành toàn quốc, xếp thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các địa phương thực hiện tốt chính sách người có công, hộ nghèo, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo là 1,27%, phấn đấu đến cuối năm giảm còn 1,07%.

Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được quan tâm thường xuyên, bám sát những định hướng lớn của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thực hiện công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ của tỉnh ngày càng vững chắc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững và ổn định.

 

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn được chú trọng; đã lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Hội Nông dân tỉnh, Công đoàn tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2023 - 2028; công tác dân vận có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân; các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình tư tưởng và tâm trạng của nhân dân cơ bản ổn định, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, hưởng ứng tốt các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước phát động.

Tiền Giang là vùng đất văn hóa - giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, là nơi được nhiều chí sĩ yêu nước như Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ; Cụ Phan Bội Châu, Cụ Phan Châu Trinh; đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Phạm Hùng đến sinh sống và hoạt động cách mạng…

Tiền Giang là nơi diễn ra Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vào năm 1785 đánh bại 5 vạn quân xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Tiền Giang luôn tự hào với nhiều trận đánh lịch sử hào hùng như Cổ Cò, Giồng Dứa, Kinh Bùi, Ấp Bắc, Ba Rài, Vành đai Bình Đức; đặc biệt là cái nôi của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ - tại Đình Long Hưng, là nơi xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên (ngày 23-11-1940), đây là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Mỹ Tho (Tiền Giang) nói riêng không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; vùng đất đã sinh ra nhiều vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, những người con ưu tú của Đảng, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập - người con ưu tú của quê hương Tiền Giang và vùng đất Nam bộ, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, Người Mẹ Việt Nam Anh hùng đã cống hiến trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, là tấm gương tiêu biểu của những người mẹ, người vợ kiên trung, bất khuất; có chồng và 2 con trai đều hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; hình ảnh này đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam; trở thành niềm tự hào, nguồn động lực to lớn, là tấm gương cho các thế hệ cán bộ hội viên, phụ nữ học tập, ra sức thi đua cống hiến, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp...

Với những đóng góp đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã vinh dự được Đảng trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương cao quý - Huân chương Sao Vàng vào năm 1985.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thập, nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của đồng chí, Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học nhằm tôn vinh và ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Thập cho quê hương, cho đất nước; một đồng chí, một cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng, lãnh tụ xuất sắc của phong trào phụ nữ; đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng hình ảnh người phụ nữ “thời đại mới” hội nhập, phát triển cho các thế hệ phụ nữ học tập, làm theo...

Chúng tôi mong rằng, các phát biểu tham luận, báo cáo khoa học tại Hội thảo hôm nay sẽ góp phần khẳng định thêm những đóng góp to lớn, hết sức quý báu, có giá trị lịch sử, những dấu ấn về chân dung của một vị lãnh đạo Hội xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói chung và phong trào phụ nữ “3 đảm đang” nói riêng; chân dung người đại biểu của nhân dân, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đầu tiên của Nam bộ được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Chân dung một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cao cả, tài năng, đức độ nhưng vô cùng giản dị… Tất cả những hình ảnh này góp phần bồi dưỡng, vun đắp thêm lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, là hành trang quý báu để các thế hệ chúng ta học tập, noi theo, có thêm động lực, niềm tin, không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy trí tuệ, tài năng, sáng tạo, cùng chung tay thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đây cũng là dịp để quý đại biểu tìm hiểu thêm về mảnh đất, con người Tiền Giang trong lịch sử và hiện tại; nhân dân Tiền Giang luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình và mến khách. Tôi tin tưởng rằng, với sự tham dự và tích cực đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các vị khách quý, quý đại biểu các tỉnh, thành bạn và các đồng chí, buổi Hội thảo khoa học hôm nay sẽ thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa sâu rộng trong tỉnh và cả nước.

Trên tinh thần cầu thị và tiếp thu, mong rằng trong thời gian lưu lại tại địa phương, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, quý đại biểu và các đồng chí tích cực trao đổi, chia sẻ thêm nhiều thông tin mới, xác thực, cụ thể về cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thập, người con ưu tú của Tiền Giang để tỉnh cập nhật, bổ sung thêm nguồn tư liệu lịch sử của địa phương; tìm hiểu thêm về vùng đất và con người của quê hương Tiền Giang - là cái nôi của cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ, qua đó có hỗ trợ, đóng góp thêm ý kiến cho định hướng phát triển của tỉnh xứng tầm với vùng đất có bề dày lịch sử, là một trong những nơi hình thành đô thị đầu tiên ở Nam bộ.

Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang, cảm ơn sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, của các vị khách quý; của quý đại biểu là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng quê hương Tiền Giang vững bước tiến lên trong đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cuối lời, kính chúc quý vị khách quý, quý đại biểu, toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

VÕ VĂN BÌNH

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang

(Trích phát biểu của đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang tại Hội thảo khoa học Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập. Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt)

.
.
.