Chủ Nhật, 15/10/2023, 11:30 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2023):

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(ABO) Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Dân vận hướng về cơ sở

Tháng 10-1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15-10-1930 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15-10 hằng năm là Ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.

Nhiều tuyến đường giao thông được khởi công nhờ sự hiến đất, đóng góp của nhân dân. Ảnh: Phương Mai.
Nhiều tuyến đường giao thông được khởi công nhờ sự hiến đất, đóng góp của nhân dân. Ảnh: Phương Mai

Từ ngày 6-1 - 7-2-1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản. Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị (Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ cách mạng và định hướng cho công tác vận động quần chúng nhằm vào mục tiêu chung của dân tộc.

Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 đến 31-10-1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế.

Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: “Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ Thành và Tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động”. Từ tháng 10-1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật, số 120, ra ngày 15-10-1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Tháng 10-1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15-10-1930 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15-10 hằng năm là Ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.

Trải qua 93 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động

Tại Tiền Giang, trong 6 tháng năm 2023, tuy tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng với sự chỉ đạo của các cấp ủy, công tác dân vận được thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận, phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Cầu Ba Miệng (xã An Hữu, huyện Cái Bè) do nhân dân, nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo đóng góp trên 1 tỷ đồng để xây dựng. Ảnh: Phương Mai.
Cầu Ba Miệng (xã An Hữu, huyện Cái Bè) do nhân dân, nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo đóng góp trên 1 tỷ đồng để xây dựng. Ảnh: Phương Mai

Các cấp ủy chỉ đạo sâu sát công tác dân vận, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm xây dựng Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; củng cố, nâng chất các phong trào, các cuộc vận động theo hướng thiết thực, chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân; tăng cường kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn công tác dân vận, quy chế dân chủ và công tác tôn giáo ở cơ sở; thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Công tác dân vận của hệ thống chính quyền tập trung giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm; trọng tâm là công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với các cơ quan tham mưu cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Công tác phối hợp nắm tình hình và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc được quan tâm, duy trì ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác dân vận của Lực lượng vũ trang được tăng cường, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Công tác tiếp dân, gặp gỡ, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ý kiến phản ánh của công dân được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, hạn chế bức xúc của người dân; công tác cải cách hành chính được chú trọng, dân chủ ở cơ sở được phát huy, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác dân vận, việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở 6 tháng năm 2023, đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, đơn vị trong công tác dân vận thời gian qua.

Đồng thời, đồng chí Võ Văn Bình yêu cầu, trong những tháng cuối năm 2023, hệ thống dân vận các cấp tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, nâng cao nhận thức, lãnh đạo điều hành, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với các mặt đời sống xã hội. Đổi mới công tác dân vận theo hướng gần dân, sát gân; vận động toàn dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng hoạt động hướng về địa bàn dân cư; tăng cường thực hiện dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, tiến tới nông thôn mới nâng cao; quan tâm đến vấn đề dân tộc, tôn giáo; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nhân rộng các mô hình hay, mô hình mới hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; tăng cường công tác phối hợp với các ngành, địa phương; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công tác dân vận năm 2024…

NHƯ NGỌC

(tổng hợp)





 

.
.
.