Thứ Hai, 16/10/2023, 15:52 (GMT+7)
.

Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công

(ABO) Sáng 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì trực tuyến Phiên họp thứ hai Hội nghị Chuyên đề đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đến dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Thời gian qua, việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày được cải thiện.

Theo đó, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã kịp thời ban hành kế hoạch, nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung đổi mới việc thực hiện TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, có 50/83  bộ, cơ quan, địa phương (chiếm tỷ lệ 60,2%) thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động của Bộ phận một cửa, quy chế Hệ thống thông tin giải quyết TTHC để bổ sung quy trình số hóa trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử các bộ, ngành có sự cải thiện rõ rệt, đạt 24,48% (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 38,94% (tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022); 63/63 địa phương đã thực hiện triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp được hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử. Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 81,39% (tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2022) và địa phương đạt 70,24% (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2022), góp phần xây dựng, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe…

Đồng thời, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hoặc sớm hạn của địa phương đạt 90% và của bộ, ngành đạt 50,2% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022); mức độ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của địa phương đạt 93% và của bộ, ngành đạt 76,6%.

a
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Tại phiên họp, các đại biểu đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế như: Quy định TTHC trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công còn yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa thực sự gắn việc đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức định kỳ, hằng năm; chưa phát huy được nhân tố con người trong thực hiện đổi mới, chuyển đổi số trong thực hiện TTHC; chưa phát huy được vai trò của cải cách, tiềm năng của dữ liệu trong việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng suất lao động…

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị tiếp tục khắc phục hạn chế về thể chế tập trung cải cách TTHC, phân cấp, phân quyền; rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định... Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, quản lý công bố, công khai TTHC, cũng như kỷ luật, kỷ cương hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa thủ TTHC…

MINH QUANG

.
.
.