Những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Thập trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã dành cả cuộc đời hăng hái, nhiệt tình tham gia cách mạng ở quê nhà cho đến khi đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau.
Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Thị Thập gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, song rất đỗi hào hùng, vẻ vang của nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.
TRUI RÈN TRONG LỬA ĐẠN
Từ năm 1928 - 1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia Nông hội đỏ ở làng Long Hưng (nay là xã Long Hưng) và thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin liên lạc tại địa phương. Được thử thách, rèn luyện trong đấu tranh cách mạng và đạt được những thành tích xuất sắc trong công tác, ngày 6-4-1931, đồng chí Nguyễn Thị Thập vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), lấy bí danh là Mười Thập.
Trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản là khát vọng, ước mơ tha thiết, cháy bỏng và sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt to lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã cùng với Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho tổ chức các hoạt động rất tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo nhằm khôi phục cơ sở Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của nhân dân, nuôi dưỡng niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng.
Trong giai đoạn 1931 - 1935, cùng với việc đề ra chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng từ cơ sở. Trong điều kiện thực dân Pháp và tay sai tăng cường các hoạt động khủng bố trắng hòng phá vỡ các tổ chức cơ sở Đảng và dập tắt phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thập không hề run sợ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng giao phó, người con gái vùng đất Long Hưng anh hùng đã không ngừng học tập, đọc sách báo tiến bộ, các chỉ thị, nghị quyết để hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng.
Đồng thời, đồng chí tích cực thâm nhập vào cuộc sống công nhân, thợ thuyền và những người lao động nghèo khổ để tuyên truyền, giác ngộ họ vùng lên đấu tranh đòi thực dân Pháp thực hiện các quyền tự do dân chủ tiến lên đòi độc lập dân tộc. Đồng chí còn tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế, bãi thị, bãi chợ… Qua đó, đồng chí Mười Thập từng bước gây dựng cơ sở cách mạng bí mật, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập (thứ hai, cạnh người bơi xuồng) về thăm lại căn cứ kháng chiến cũ. |
Đồng chí Nguyễn Thị Thập còn trực tiếp lãnh đạo nông dân đấu tranh với bọn chủ đất, giành quyền lợi thiết thực cho nhân dân để giữ vững phong trào cách mạng. Cơ sở Đảng và phong trào cách mạng do đồng chí Mười Thập xây dựng và phát động đã phát triển đều khắp các tỉnh: Mỹ Tho, Sa Đéc, Tân An, Bến Tre…
Sau khi khôi phục được phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng với Đảng bộ tỉnh ra sức vận động thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tập hợp nhân dân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã góp công trong việc thực hiện chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng, tiến tới đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.
CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG KIÊN TRUNG
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tháng 4-1935, đồng chí Nguyễn Thị Thập được bầu làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam kỳ. Đồng chí đã năng nổ, tích cực tham gia hoạt động cách mạng, nên bị thực dân pháp truy lùng, vây bắt gắt gao. Tháng 5-1935, đồng chí bị địch bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Chúng dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn bằng đủ mọi cực hình, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Thập vẫn luôn thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, không một phút nghỉ ngơi của người chiến sĩ cộng sản để bảo vệ phong trào và tổ chức cơ sở Đảng.
Trong tù, đồng chí đã dùng mọi cách để vận động số đông thường phạm giác ngộ cách mạng. Nhờ vậy, nhiều chị sau này đã tích cực tham gia cách mạng. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn. Năm 1940, theo sự điều động của tổ chức, đồng chí đã trở lại Long Hưng - cái nôi của khởi nghĩa Nam kỳ để gây dựng lại cơ sở và khôi phục lại phong trào cách mạng.
Tháng 5-1945, trước yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng, đồng thời thực hiện chủ trương của Trung ương được đăng trên báo Cờ Giải phóng về việc các Đảng bộ ở Nam bộ cần phải đoàn kết lại để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, sau lần gặp giữa đại diện Xứ ủy Giải Phóng và Xứ ủy Tiền Phong, hội nghị đã thống nhất lấy tên là Tỉnh ủy Mỹ Tho và bầu Ban Chấp hành Tỉnh ủy do đồng chí Dương Khuy làm Bí thư.
Việc hợp nhất 2 tổ chức Đảng là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của Đảng, cũng như tinh thần và khả năng cách mạng của các đồng chí ở Nam kỳ trong điều kiện bị địch khủng bố, lại ở xa Trung ương; minh chứng sự trung kiên với sự nghiệp cách mạng, đáp ứng đòi hỏi của phong trào cách mạng về một cơ quan lãnh đạo thống nhất trong Xứ ủy.
Đồng thời, đây cũng là minh chứng vai trò quan trọng của đồng chí Nguyễn Thị Thập - một nữ đảng viên trung kiên, với uy tín của mình đã có những hoạt động để gắn kết thành một Xứ ủy thống nhất để lãnh đạo nhân dân, tạo tiền đề cơ bản cho thắng lợi ở các giai đoạn tiếp theo.
Có thể nói, từ khi theo cách mạng đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, hơn 15 năm “nếm mật nằm gai”, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã làm đủ mọi công việc, tiếp xúc mọi đối tượng, đi khắp mọi nẻo đường và chịu đủ mọi khó khăn, vất vả. Hầu như trên khắp địa bàn Nam bộ, không nơi nào không có dấu chân của đồng chí. Từ việc động viên tập hợp quần chúng, lãnh đạo phong trào, đến việc tham gia trực tiếp các phong trào, nên đồng chí hiểu dân, hiểu Đảng, hiểu cách mạng và hiểu cả kẻ thù.
Trong khi đó, bọn mật thám luôn theo dõi, truy lùng để tìm cách kết tội đồng chí Nguyễn Thị Thập, chúng nắm được vai trò của đồng chí đối với cách mạng, với Đảng và với nhân dân. Nhưng với sự khôn khéo trong hoạt động cùng với tình yêu thương đùm bọc của quần chúng, của Đảng và của cách mạng, đồng chí đã vượt lên tất cả để hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Không dừng lại ở đó, 9 năm kháng chiến trường kỳ, 21 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là một thời gian dài mà chỉ có ý chí, sự kiên trung của người cộng sản mới thể hiện được sức bền trong hoạt động cách mạng. Khi kháng chiến cần, đồng chí Nguyễn Thị Thập trực tiếp tham gia; khi nhân dân cần, Đảng cần, đồng chí là người vận động, động viên giác ngộ mọi tầng lớp tham gia cách mạng với nhiều hình thức khác nhau...
Trong trang lịch sử vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, nhất là trong phong trào đấu tranh, đồng chí Nguyễn Thị Thập không chỉ được biết đến là một nữ chiến sĩ kiên cường, bất khuất của quê hương Nam bộ Thành Đồng, mà còn là người gắn bó chặt chẽ với phong trào phụ nữ trên nhiều cương vị khác nhau, như: Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Nam bộ, Hội trưởng Phụ nữ cứu quốc Nam bộ, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương kiêm Trưởng ban Phụ vận Trung ương.
Đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc phát huy sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Từ năm 1947 đến năm 1953, đây là quãng thời gian đồng chí Nguyễn Thị Thập như “con chim” đầu đàn, “người chị cả” của các phong trào phụ nữ Nam bộ lúc bấy giờ.
Từ năm 1956 - 1974, với cương vị là Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), đồng chí Nguyễn Thị Thập đã cùng với tập thể lãnh đạo Trung ương Hội đề ra những chủ trương rất sáng tạo, dấy lên nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đặc biệt phong trào “Phụ nữ 3 đảm đang” có sức lan tỏa, lôi cuốn toàn thể phụ nữ từ thành thị đến nông thôn. Các chị đã hăng hái, tích cực tham gia phong trào để chồng con yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận…
Với đức độ và tài năng được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, với nghị lực và sức hoạt động bền bỉ, đồng chí Nguyễn Thị Thập - người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị lãnh đạo năng động, sáng tạo, đã có nhiều cống hiến và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của địa phương và cả nước.
Có thể nói, những thắng lợi mà nhân dân tỉnh Tiền Giang giành được từ khi có Đảng lãnh đạo, như: Khởi nghĩa Nam kỳ (năm 1940), Cách mạng Tháng Tám (năm 1945); 2 cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước đều in đậm dấu ấn của một thế hệ những nhà lãnh đạo cách mạng ưu tú mà đồng chí Nguyễn Thị Thập là một trong những người tiêu biểu.
Trải qua những chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thập trở thành chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của dân tộc.
VĂN THẢO