Nữ thủ lĩnh mưu lược trong khởi nghĩa Nam kỳ
Năm 1940, Xứ ủy Nam kỳ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra quy mô toàn Xứ (18/20 tỉnh), thể hiện rõ lòng yêu nước và tinh thần quật khởi của đồng bào Nam bộ.
Cuộc khởi nghĩa đã trở thành nét son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Trong đó, có đồng chí Nguyễn Thị Thập (xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang) - nữ thủ lĩnh chỉ huy đánh chiếm đồn Tam Hiệp tại tỉnh Mỹ Tho lúc bấy giờ.
NGỌN LỬA “NAM KỲ BỐN MƯƠI”
Đồng chí Nguyễn Thị Thập (đứng) về quê hương kể chuyện khởi nghĩa Nam kỳ. |
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939), xuất phát từ tình hình của Nam kỳ, ngay từ tháng 3-1940, Xứ ủy Nam kỳ chủ trương khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Xứ ủy Nam kỳ ra bản Đề cương chuẩn bị bạo động, nội dung chính là xây dựng Lực lượng vũ trang đánh đổ thực dân Pháp giành chính quyền về tay nhân dân, lập chính quyền lâm thời.
Đầu năm 1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho được củng cố, từng bước chuyển hướng lãnh đạo nhân dân đối phó với sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, vừa tập trung củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể, mặt trận từ tỉnh, quận đến làng; đồng thời, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh vũ trang. Tỉnh ủy quyết định chọn rừng Ba U (nay thuộc xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành) làm căn cứ kháng chiến. Các quận cũng chọn những nơi có cơ sở phong trào mạnh làm căn cứ, như: Bắc quận Châu Thành, Bắc quận Cai Lậy, Bắc quận Cái Bè... Những căn cứ này đều nằm trong vùng Đồng Tháp Mười liên hoàn với căn cứ của tỉnh.
Ngày 12-8-1940, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho (tổ chức tiền thân của Lực lượng vũ trang tỉnh Tiền Giang ngày nay) được hình thành và đây cũng là một trong những tỉnh thành lập Lực lượng vũ trang sớm nhất trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Thị Thập được giao phụ trách Lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh Mỹ Tho phối hợp với các lực lượng tại chỗ giành chính quyền. Cánh quân do đồng chí chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho đóng tại Đình Long Hưng. Song song đó, đồng chí đã tích cực tổ chức lực lượng cho các địa phương trong tỉnh luyện tập, chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa lớn.
Nắm được nguyện vọng của quần chúng, đồng chí Nguyễn Thị Thập ngày đêm tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng và tham gia nổi dậy. Truyền đơn của Đảng kêu gọi đồng bào đoàn kết dưới ngọn cờ Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương, đứng lên cứu lấy Tổ quốc… được đồng chí chuyển từ tay người này đến người khác, từ xóm này đến xóm khác.
Trong một lần rải truyền đơn, quyên góp lương thực, tài chính để hoạt động và mua vũ khí thì đồng chí bị địch bắt. Khi biết sự việc này, hàng trăm người dân của làng Long Hưng tay mác, tay giáo xông tới đòi bắt tên Trần Chánh (một tên cò mật thám Mỹ Tho), khiến tên này và đám lính bỏ chạy. Đồng chí Nguyễn Thị Thập được giải thoát.
Đầu tháng 11-1940, đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trì hội nghị nhằm kiểm điểm tình hình chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ trong Tỉnh ủy và các Quận ủy. Bế mạc hội nghị, đồng chí Phan Văn Khỏe kết luận nhiều vấn đề quan trọng. Đồng chí chỉ rõ, đây là cuộc khởi nghĩa đồng loạt trên phạm vi cả tỉnh, mục tiêu là giành chính quyền về tay nhân dân. Trước mắt là tập trung lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền theo từng khu vực, tạo nên thế mạnh áp đảo của nhân dân, sẵn sàng đánh chiếm tất cả các cơ quan đầu não của địch trong các thị xã, thị trấn giành quyền làm chủ về tay nhân dân; bắt, giáo dục, xử tội những tên ác ôn, ổn định trật tự xã hội; tịch thu tài sản, ruộng đất của địa chủ thực dân và địa chủ Việt gian chia cho dân cày nghèo.
Song song với đó, để hoàn thành nhiệm vụ khởi nghĩa vũ trang, đồng chí chỉ thị thành lập Ủy ban Khởi nghĩa các cấp và khi giành được chính quyền thì nhanh chóng chuyển Ủy ban Khởi nghĩa sang làm nhiệm vụ chính quyền nhân dân. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ chủ chốt của tỉnh và của quận. Trong đó, đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách Lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh (đang ở khu căn cứ Ba U) phối hợp lực lượng khởi nghĩa tại chỗ khởi nghĩa giành chính quyền ở các làng: Tam Hiệp, Long Hưng, Long Định (quận Châu Thành)... uy hiếp lộ Đông Dương (còn gọi là lộ 4, nay là Quốc lộ 1)…
NỮ CHỈ HUY ANH DŨNG
Khoảng 20 giờ ngày 22-11-1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy được chuyển đến địa điểm liên lạc của Tỉnh ủy tại cầu đúc Trung Lương (xã Trung An). Trong bản mệnh lệnh quy định 0 giờ ngày 23-11 sẽ bắt đầu khởi nghĩa và chỉ rõ: Du kích đánh chiếm các đồn bót, quận xã, cắt đứt đường giao thông của địch, nhất là lộ Đông Dương, chặn đứng địch từ miền Tây, miền Trung Nam bộ kéo về ứng cứu Sài Gòn. Sau ngày giải phóng Sài Gòn, quân khởi nghĩa kéo xuống các tỉnh, phối hợp với du kích đánh úp thị xã Mỹ Tho.
Cuộc khởi nghĩa của nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã góp phần chứng minh dự đoán của Đảng trong Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về triển vọng của chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong cuộc chiến tranh này, nhân dân sẽ không bị ru ngủ mà sẽ vùng dậy đạp tung dây xiềng đế quốc. Dự đoán của Đảng là hoàn toàn chính xác. |
Khu vực làng Tam Hiệp do đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy có lực lượng tự vệ khá mạnh.
Sau khi tổ chức nổi dậy, tại làng Thân Cửu Nghĩa và làng Long An, Ủy ban Khởi nghĩa đã đưa lực lượng đến xóm Nhơn Huề, làng Tam Hiệp phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh trống mõ, trương khẩu hiệu, giương cao cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm kéo đến bao vây bót Chợ Bưng. Lúc đầu, lính trong đồn kháng cự quyết liệt, nhưng đến 8 giờ sáng đã hoảng hốt bỏ chạy. Quân khởi nghĩa nhanh chóng chiếm bót và bắt 5 tên địch, thu được 6 khẩu súng.
Lính thủ hộ và mật thám trên đường tuần tra được tin, chạy đến ứng cứu, giải thoát 5 lính và bắn bị thương 2 tự vệ (có đồng chí Khanh, Bí thư chi bộ). Tề ngụy tất cả các làng trên đều đầu hàng quân khởi nghĩa hoặc chạy trốn. Quyền làm chủ các làng: Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Long An... đã thuộc về nhân dân. Đánh xong bót chợ Bưng, lực lượng tự vệ do đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy tiến ra Long Định để tiếp ứng lực lượng của đồng chí Nguyễn Văn Tân, nhưng khi đến nơi thì trận chiến đã giải quyết xong, bọn địch rút về Cai Lậy. Đến 12 giờ trưa thì lực lượng khởi nghĩa đã hạ xong các đồn: Tam Hiệp, Thạnh Phú, Chợ Giữa, Phước Thạnh, Cầu Đúc...
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, 2 cánh quân do đồng chí Nguyễn Văn Tân và Nguyễn Thị Thập chỉ huy, một cánh rút về căn cứ Ba U cùng với tất cả các thương binh, cánh quân này có nhiệm vụ uy hiếp lộ Đông Dương và bảo vệ căn cứ; một cánh rút về đình Long Hưng do đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Thị Thập bụng mang dạ chửa gần ngày sinh nở, lấy khăn rằn nịt bụng chỉ huy lực lượng vũ trang xông vào chiếm đồn bót, trương biểu ngữ, trương cờ đã khiến kẻ địch khiếp sợ.
Cuộc khởi nghĩa này đã giáng vào chính quyền cai trị của thực dân Pháp ở tỉnh Mỹ Tho những đòn chí tử. Tại Đình Long Hưng, ngay trong ngày 23-11-1940, trước hơn 3.000 người đến dự, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho ra mắt nhân dân.
Trên ngọn cây bàng trước đình Long Hưng, lần đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng năm cánh và trước cổng đình có treo băng rôn với dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc”. Chính quyền cách mạng của tỉnh Mỹ Tho do đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Khởi nghĩa được cử làm Chủ tịch, phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách Thường trực Ủy ban cách mạng; đồng chí Nguyễn Văn Thường phụ trách Quân sự…
Hội đồng Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho cũng được thành lập, trụ sở được đặt tại Đình Long Hưng - địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ. Đồng chí Nguyễn Thị Thập là thành viên Hội đồng Tòa án với vai trò Phái viên của Tỉnh ủy Mỹ Tho làm nhiệm vụ biện hộ.
Hội đồng Tòa án đã xét xử hàng chục vụ án tại các xã của quận Châu Thành, Cai Lậy và tại Đình Long Hưng đối với những tên phản cách mạng, bọn Việt gian, tay sai gian ác. Hội đồng Tòa án bấy giờ xử chủ yếu nghiêng về chính trị, lấy giáo dục làm chính, ít dùng bạo lực. Các bản tuyên án có tình, có lý và đã có tác dụng giáo dục rất lớn, ảnh hưởng tốt đối với hàng ngũ tay sai của thực dân Pháp.
Cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam kỳ với tinh thần quyết liệt. Ở một số nơi, chính quyền địch hoang mang, tan rã; chính quyền cách mạng ở một số xã, quận và tỉnh được thành lập. Tỉnh Mỹ Tho được xem là trung tâm và tiêu biểu ở Nam kỳ, nơi chính quyền cách mạng tỉnh tồn tại lâu nhất và đây cũng là nơi địch khủng bố ác liệt nhất.
Cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho mặc dù chính quyền cách mạng chỉ tồn tại 49 ngày, nhưng với kết quả mà chính quyền cách mạng đem lại trong thực hiện quyền dân sinh, dân chủ và thực hiện thiết chế dân chủ nhân dân đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân Mỹ Tho về một chế độ dân chủ nhân dân thật sự. Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Thập vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, cho đến ngày giải phóng, đất nước thống nhất.
VĂN THẢO