Thứ Hai, 09/10/2023, 09:45 (GMT+7)
.

Xã Long Hưng: Vùng đất "địa linh nhân kiệt"

Xã Long Hưng (huyện châu thành, tỉnh Tiền Giang) - quê hương Nam kỳ Khởi nghĩa, vùng đất “vành đai diệt Mỹ” năm nào là quê hương của nhiều anh hùng đã chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

NƠI DIỄN RA SỰ KIỆN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG

Theo sách Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Long Hưng (1930 - 2005), trong giai đoạn chống Pháp, Chi bộ Đảng Cộng sản Long Hưng được thành lập vào năm 1930. Đồng chí Lê Văn Giác được chọn làm Bí thư đầu tiên của Chi bộ. Trong năm 1940, khắp các xã trong huyện Châu Thành đều dấy lên phong trào rèn luyện võ thuật để chuẩn bị cho khởi nghĩa.

Tháng 3-1940, Huyện ủy Châu Thành họp tại xóm Vựa (xã Long Hưng) phổ biến chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ về lệnh chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tháng 5-1940, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Tốt (Mười Thập), Xứ ủy viên, cũng là người con của Long Hưng, về xã triển khai kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa.

Di tích lịch sử cấp quốc gia Nam kỳ Khởi nghĩa - nơi lần đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng.
Di tích lịch sử cấp quốc gia Nam kỳ Khởi nghĩa - nơi lần đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng.

Ở xã Long Hưng, đúng 0 giờ ngày 23-11-1940, Chi bộ xã Long Hưng nhận được lệnh khởi nghĩa. Du kích xã phát động toàn dân đốt đuốc, đánh trống mõ cùng gậy gộc, giáo mác tiến chiếm nhà việc xã Long Hưng. Song song đó, trước cổng trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đặt tại Đình Long Hưng có treo khẩu hiệu: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc”.

Theo sách “Mỹ Tho - Gò Công trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (1940)” ghi nhận: “Ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người tham dự tại Đình Long Hưng để ra mắt nhân dân”.

Sáng ngày 23-11-1940, Ủy ban Khởi nghĩa phân công người treo cờ đỏ sao vàng lên ngọn cây bàng trước Đình Long Hưng (cây bàng đến nay vẫn còn). Đây là nơi lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay biểu dương khí thế cách mạng chưa từng thấy. Đình Long Hưng cũng là nơi được Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh chọn làm nơi tổ chức phiên tòa đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam để xét xử bọn tay sai ác ôn.

ĐỊA CHỈ ĐỎ

Chính quyền cách mạng chỉ tồn tại 49 ngày thì bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Lịch sử Long Hưng không bao giờ quên sự kiện oanh liệt, quyết tử vào ngày 4-1-1941 khi địch dốc toàn lực lượng tập trung bao vây vùng đồng Cây Me, gò Trâm Bầu (xã Long Hưng).

Biết không thể chống lại quân địch, 4 đồng chí: Lê Văn Giác - Bí thư Chi bộ Long Hưng, Nguyễn Văn Ghè - Tỉnh ủy viên, Lê Văn Quới - Huyện ủy viên Châu Thành và đồng chí Nguyễn Văn Quân - cán bộ Huyện ủy Châu Thành ở lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, sau đó rút gươm tuẫn tiết, quyết không đầu hàng địch.

Ngày nay, Đình Long Hưng là Di tích lịch sử cấp quốc gia Nam kỳ Khởi nghĩa tỉnh Tiền Giang và Di tích Gò Me đã trở thành địa chỉ đỏ không chỉ cho những thế hệ hôm nay của xã Long Hưng, mà còn cho các thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh.

Giai đoạn năm 1945 cho đến năm 1947, Long Hưng được chọn làm địa bàn căn cứ của tỉnh để tổ chức và chỉ huy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đứng chân ở Long Hưng, các cơ quan của tỉnh tuyển chọn nhiều cán bộ, chiến sĩ đi xây dựng Lực lượng vũ trang. Đồng chí Chín Kỉnh (Nguyễn Tấn Thành) lúc đầu phụ trách bảo vệ căn cứ, sau đó làm Trưởng Ban Quân sự tỉnh, 2 lần tham gia đánh chiếm đồn Vàm Xáng và xây dựng Đại đội địa phương quân đầu tiên của tỉnh, làm lễ xuất quân vào giữa năm 1947 tại nhà bà Ba Ngôn, gần chợ Ông Hổ.

Sau Hiệp định Geneve năm 1954, cơ quan lãnh đạo của Tỉnh ủy về đứng chân ở Long Hưng để lãnh đạo tổ chức chuyển hướng cuộc đấu tranh từ vũ trang sang đấu tranh chính trị. Tuy ngăn cách bí mật, nhưng nhân dân đều biết và bảo vệ an toàn. Suốt 2 năm mà địch không biết cơ quan Tỉnh ủy đóng tại đây.

Thế hệ trẻ xã Long Hưng thắp hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Nam kỳ Khởi nghĩa.
Thế hệ trẻ xã Long Hưng thắp hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Nam kỳ Khởi nghĩa.

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, xã Long Hưng là địa bàn bị địch đánh phá ác liệt. Đầu tháng 6-1966, Mỹ bắt đầu xây dựng căn cứ Đồng Tâm và hoàn thành vào tháng 12-1966. Trên địa bàn xã Long Hưng, căn cứ nằm trên 2 ấp Long Thới và Long Bình B với khoảng 200 ha.

Căn cứ sau khi hoàn thành tạo ra khó khăn mới cho quân và dân huyện Châu Thành, nhất là các xã vành đai trực tiếp đương đầu với Mỹ như Bình Đức, Long Hưng, Song Thuận, Thạnh Phú, Vĩnh Kim. Trong bối cảnh như thế, cùng nhân dân bám trụ ở khu vực vành đai, Đảng bộ xã Long Hưng cùng với các lực lượng và nhân dân của xã đã lập nhiều chiến công, với nhiều gương “Dũng sĩ diệt Mỹ” như đồng chí Nguyễn Văn Tẩu (Bảy Tẩu) ở ấp Long Bình A đã có thành tích diệt được 72 tên Mỹ. Nhân dân đã cùng với du kích tham gia đánh địch, người tham gia vót chông, người đi gài lựu đạn. Gia đình các ông Lê Văn Kịch, Ba Chương lập hàng rào chiến đấu ngăn chặn địch càn quét và đào hầm che giấu cán bộ.

Nhiều du kích trẻ 14, 15 tuổi cũng tham gia đánh đồn. Đặc biệt, du kích trẻ tuổi của xã Long Hưng là Hồ Văn Nhánh dù mới 16 tuổi đã trên 130 lần vào căn cứ Mỹ gỡ 4.500 quả đạn các loại và hướng dẫn cho du kích và bộ đội gỡ 1.000 quả, phục vụ bộ đội tác chiến trên 30 trận, diệt 130 tên Mỹ và hàng trăm tên ngụy. Hồ Văn Nhánh đã anh dũng hy sinh trong một lần gỡ mìn và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) vào ngày 6-11-1978.

Cũng như Anh hùng LLVTND Hồ Văn Nhánh, chị Lê Thị Hồng Gấm (Tư Gấm) cũng đã bí mật gia nhập đội du kích xã vào năm 1967 khi mới 16 tuổi. Đặc biệt, ngày 18-4-1970, để chuẩn bị cho trận đánh đêm, chị cùng 2 nữ du kích đi mua lương thực cho đồng đội. Khi ra giữa cánh đồng, các chị bị địch phát hiện, địch định bắt sống các chị. Chị không hề nao núng, bình tĩnh nhắm thẳng trực thăng nhả đạn, một chiếc cháy rơi tại chỗ.

Chiếc trực thăng thứ hai sà xuống đổ quân và bao vây. Trong giờ phút sinh tử ấy, chị không nao núng, bắn hạ thêm 3 tên địch. Do địch quá đông, chúng tập trung hỏa lực bắn về phía chị, khiến chị bị thương nặng và anh dũng hy sinh khi chị mới 19 tuổi. Ngày 20-9-1971, chị Lê Thị Hồng Gấm được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Huân công Giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng LLVTND giải phóng. Đây là nữ Anh hùng LLVTND được phong tặng đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang.

Xã Long Hưng còn có một Anh hùng LLVTND nữa là đồng chí Trần Hữu Danh (tên thật Trần Văn Danh, sinh năm 1916, mất năm 1988). Đồng chí tham gia cách mạng vào tháng 1-1934. Chức vụ cao nhất đồng chí đảm nhiệm là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trung tá, Chính trị viên Tỉnh đội tỉnh Mỹ Tho trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lúc mới 18 tuổi, đồng chí Trần Hữu Danh đã tham gia vào tổ chức bí mật của đồng chí Nguyễn Thị Thập tại xã nhà. Ngày 9-3-1945, đồng chí là người đầu tiên giật được 5 khẩu súng của địch ở Mỹ Tho đem về trang bị cho lực lượng xã. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã được cấp trên tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ khác nhau và lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Có thể nói rằng, xã Long Hưng là vùng đất “địa linh nhân kiệt” khi đã có nhiều người con ưu tú đóng góp công sức và máu xương vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước với những địa danh, con người sẽ còn mãi với thời gian.

Vẫn còn nhiều người con ưu tú khác của xã Long Hưng chưa được nhắc đến trong bài viết này nhưng tất cả kết tinh thành những trang sử vẻ vang của xã Anh hùng LLVTND Long Hưng, với 614 liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Những trang sử vẻ vang ấy đã đóng góp vào thành công chung của cách mạng và đang được các thế hệ hôm nay của xã Long Hưng tiếp nối.

PHAN CAO THẮNG (tổng hợp)

.
.
.