Thứ Ba, 07/11/2023, 13:28 (GMT+7)
.

Bộ trưởng Bộ TN&MT: Không để khai thác cát lậu gây sạt lở bờ sông

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị các địa phương đánh giá tổng thể, không để khai thác cát lậu ở các dòng sông, gây sạt lở bờ sông.

Sáng 7/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh đã trả lời chất vấn về vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, kiểm soát việc xây dựng sự vận hành của các hệ thống xử lý nước thải tập trung…

Hoàn thiện chính sách, quy định chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới

Chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (tỉnh Bình Dương) cho biết, qua báo cáo hiện nay tỷ lệ về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao. Tổng hợp từ nguồn báo cáo của 57/63 địa phương, cụ thể ở đô thị tỉ lệ này đạt 96% vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%, nông thôn đạt 71%.

Tuy nhiên, qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh, con số này chưa chuẩn xác, vì hệ thống quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả thực hiện, nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề này?

b

Bộ trưởng Bộ Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời tại phiên chất vấn sáng 7/11. Ảnh: QH

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngọc Xuân, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, năm 2022 tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là 67.110 tấn/ngày, trong đó các đô thị là 36.870 tấn, còn khu vực nông thôn là 29.455 tấn. Trong những năm vừa qua, các địa phương cũng đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải, được quan tâm trong lĩnh vực này và có nhiều nhà máy đốt rác phát điện hoặc hoặc xử lý rác được xây dựng.

Hiện nay, cả nước có khoảng 1.326 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 467 lò đốt và 38 dây chuyền xuất phân toàn quốc và 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Hiện còn khoảng 65% số rác thải của cả nước cần chôn lấp, còn khoảng 16% tổng số rác thải được các nhà máy chế biến thu hồi và phát triển năng lượng.

Bộ trưởng cho biết thêm, thực tế rác thải sinh hoạt như đại biểu trao đổi, theo báo cáo của địa phương là 96% rác thải đô thị, còn là 75% rác thải nông thôn được xử lý. Đây là con số được xử lý bằng hình thức chôn lấp.

"Hiện nay chúng ta gặp khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa để xử lý, xây dựng các nhà máy xử lý đốt phát điện và phân loại, xử lý rác. Lý do chúng ta chưa có phân loại rác tại nguồn, chưa làm được triệt để, chưa triển khai làm; thứ nữa, việc các địa phương đủ lượng rác để cho xây dựng các nhà máy cần công suất và lượng rác lớn để xử lý tập trung", Bộ trưởng cho hay.

Trước thực tế trên, Bộ trưởng cho biết, Bộ TN&MT đã thực hiện một số giải pháp và thực hiện hướng dẫn như Thông tư 02 của Bộ. Theo đó, ban hành nội dung, yêu cầu kĩ thuật bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu, kĩ thuật bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giá dịch vụ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hình thức về giá dịch vụ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, thể tích chất thải; phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng với các nhà đầu tư, xử lý chất thải; bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và có văn bản hướng dẫn các địa phương phân loại rác tại nguồn.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, địa phương có thể chủ động phân loại rác tại nguồn từ 3 nguồn chính. Bộ trưởng đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ TN&MT quan tâm tập trung để tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn. Từ đó, chúng ta sẽ có cách xử lý rác thải triệt để.

Đồng thời Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, quy định các chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới, trong đó Bộ ưu tiên ban hành Bộ định mức kinh tế kỹ thuật đến năm 2024 về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Và tiếp tục rà soát ban hành Quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Không để khai thác cát lậu gây sạt lở bờ sông

Quan tâm đến tình trạng khai thác cát làm sạt lở bờ sông, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, cần hạn chế tối đa khai thác cát, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo đó cần đánh giá tác động môi trường, có như vậy mới làm giảm tình trạng sạt lở bờ sông.

Theo đại biểu, bên cạnh tác hại từ việc khai thác cát trái phép gây ra, việc này cũng ảnh hưởng đến vấn đề môi trường. Đại biểu lo ngại, theo cấp phép chỉ được khai thác xuống 10 - 20 m nhưng họ lại khai thác tới 30 - 40m. Bởi  vậy, đại biểu đặt vấn đề về giải pháp quản lý và hạn chế khai thác cát để giảm tình trạng sạt lở bờ sông?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, lượng cát về sông Tiền, sông Hậu của vùng Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) so với năm 2003, lượng cát về chỉ bằng 30% so với trước đây. Nguyên nhân là do thượng nguồn 2 con sông này xây các đập nước. Thứ 2 là việc khai thác cát xây dựng trái phép.

“Việc khai thác này đã phân cấp cho địa phương, sắp tới Bộ sẽ đánh giá toàn bộ hệ thống trữ lượng cát của Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ hỗ trợ các địa phương kiểm tra, giám sát, dù việc này rất khó khăn. Bộ sẽ cố gắng cùng với Cục Địa chất khoáng sản có các máy để đánh giá vấn đề này”, Bộ trưởng cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các địa phương đánh giá tổng thể, không để khai thác cát lậu ở các dòng sông, gây sạt lở bờ sông./.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

.
.
.