Thứ Sáu, 03/11/2023, 20:27 (GMT+7)
.

Đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang góp ý Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(ABO) Chiều 3-11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì Hội nghị báo cáo đại biểu HĐND tỉnh về Quy hoạch tỉnh và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Nguyên, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh…

Theo báo cáo quy hoạch, quan điểm phát triển của Tiền Giang là phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó, công nghiệp đóng vai trò chủ chốt, đảm bảo tăng trưởng; dịch vụ với du lịch và thương mại tăng cường gắn kết với các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nông nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong quan điểm phát triển lấy nhân tố con người làm trung tâm, quyết định nội lực; tài nguyên nước và đất là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên và điều kiện thực tế của tỉnh; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, môi trường, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Một trong những quan điểm phát triển của Tiền Giang là phát triển kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị.

Đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, xây dựng tỉnh Tiền Giang trở thành một tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp hợp lý, tối ưu hóa các nguồn lực, hình thành các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn.

Tỉnh giữ vai trò là cầu nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng Đông Nam bộ. Du lịch, kinh tế biển, kinh tế đô thị trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng. Bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, bền vững.

Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng nguồn lực phục vụ phát triển. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 7% - 8%/năm (giai đoạn 2021 - 2030); GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 142 - 155 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 645.000 - 685.000 tỷ đồng (giá hiện hành).

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại hội nghị.

Tỷ trọng trong GRDP của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 37,3%; khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) khoảng 37,8% và khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 24,9%. Năng suất lao động xã hội tăng bình quân 9% - 10%/năm.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9% - 10%/năm (giai đoạn 2021 - 2030). Đến năm 2030, cân đối được thu chi từ ngân sách địa phương. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 12,0 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 5,5 tỷ USD.

Về xã hội, tỷ lệ tăng dân số bình quân 0,7%/năm (giai đoạn 2021 - 2030). Tỷ lệ đô thị hóa tính theo khu vực toàn đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 40% - 42%; đến năm 2030 là khoảng 45% - 47%; tỷ lệ đô thị hóa tính theo khu vực nội thành, nội thị, các thị trấn đến năm 2025 đạt khoảng 20% - 23%, đến năm 2030 đạt trên 25%.

Đến năm 2030, Tiền Giang tiếp tục duy trì, giữ vững tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; nâng chất, duy trì giữ vững 100% số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 100% đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân 0,1 - 0,2 điểm %/năm; đến năm 2030 giảm còn 0,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 34%.

Các đại biểu HĐND tỉnh phát biểu ý kiến đóng góp.
Các đại biểu HĐND tỉnh phát biểu ý kiến đóng góp.

Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông là 85%. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 9 người; tỷ lệ giường bệnh/10.000 người dân là 27 giường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%.

Về môi trường, tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 100%; có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 99%.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 85%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt tiêu chuẩn môi trường đạt trên 95%. Có 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 1%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang là tỉnh công nghiệp hiện đại, kinh tế nông nghiệp năng động, hiệu quả, vùng đô thị lớn tầm khu vực và quốc tế.

Tỉnh là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế vùng với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập cao của vùng; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn với hạ tầng vùng và cả nước.

Phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng lên mức cao. Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy.

Đảm bảo cuộc sống cho người dân, chất lượng môi trường sinh thái, khả năng chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu được tăng cường, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Các đột phá phát triển mà Tiền Giang đưa ra là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, với 3 vùng trọng điểm phát triển là vùng kinh tế ven biển, vùng công nghiệp tập trung ở Tân Phước và vùng kinh tế dọc sông Tiền.

Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logistics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp thay vì chỉ chú trọng từng ngành biệt lập.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn bị tốt hạ tầng kinh tế nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, lan tỏa đến toàn bộ các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế của tỉnh.

Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đầu tư phát triển các trung tâm điều hành thông minh ở TP. Mỹ Tho và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển đô thị thông minh tại TP. Mỹ Tho, một số thị xã, thị trấn và các khu đô thị mới, với mũi nhọn là khu Công viên phần mềm Mekong.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh góp ý video về quy hoạch tỉnh; những nội dung cốt lõi của quy hoạch tỉnh; mục tiêu phát triển và các chỉ tiêu chủ yếu; các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là 4 khâu đột phá; định hướng tổ chức không gian và liên vùng; hệ thống đô thị tỉnh; phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính…

Sau khi nghe báo cáo quy hoạch, các đại biểu HĐND tỉnh đã có những góp ý đối với báo cáo quy hoạch tỉnh xoay quanh các nội dung như: Phát triển hệ thống mạng lưới y tế (xây dựng trung tâm chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang); làm rõ hơn về công tác chuyển đổi số trong báo cáo; phát triển logistics…

M. THÀNH

.
.
.