Thứ Hai, 27/11/2023, 20:03 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang tham gia biểu quyết thông qua 3 dự án luật

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, ngày 27-11 Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 dự án luật.

Theo đó, buổi sáng với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi). Cụ thể, Luật Căn cước được thông qua với 431/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 87,25%.

Qua ghi nhận tại kỳ họp cho thấy, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước căn cứ vào thẻ căn cước đã được các đại biểu đóng góp rất nhiều ý kiến qua các cuộc họp để đi đến thống nhất được tiếp thu chỉnh lý. Theo Luật Căn cước, bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. Luật Căn cước được thông qua cũng không mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước đối với toàn bộ người không quốc tịch.

Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết
Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang bấm nút biểu quyết thông qua các dự án luật.

Đối với Luật Nhà ở (sửa đổi), trước khi biểu quyết toàn văn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua riêng điều 45 về đối tượng được thuê nhà ở công vụ và điều 80 về hình thức phát triển nhà ở xã hội với tỷ lệ tán thành lần lượt là 87,65% và 77,53%.

Điểm đáng lưu ý là Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Luật được biểu quyết thông qua với 423/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 85,63%.

Theo đó, về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê, sẽ không quy định yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý loại hình nhà ở này đến các yêu cầu về xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành. Luật bổ sung quy định điều chỉnh đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ có mục đích hỗn hợp cả bán, cho thuê mua, cho thuê để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang tham gia kỳ họp
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang tham gia kỳ họp.

Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Đồng thời, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vừa thông qua có hiệu lực từ ngày 1-7-2024

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.