Thứ Tư, 01/11/2023, 21:11 (GMT+7)
.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý thảo luận vấn đề tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 1-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường. Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024...

Theo đó, Quốc hội tập trung thảo luận ở hội trường với các nhóm vấn đề như: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 - 2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Tạ Minh Tâm phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Tạ Minh Tâm phát biểu thảo luận tại hội trường.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang quan tâm đến tiến độ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đại biểu Tạ Minh Tâm cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hơn 2 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đã mang lại kết quả tích cực, khung pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đã được quan tâm ban hành mới, sửa đổi, bổ sung với các văn bản quan trọng như: Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cùng nhiều nghị định, quyết định, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các tiểu ngành, lĩnh vực. Ngành Nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, tạo sự ổn định, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bộc lộ nhiều vấn đề cần có sự quan tâm, bởi ĐBQH thời gian qua tiếp tục nhận được nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri đối với các vấn đề liên quan trong tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gửi đến các phiên tiếp xúc cử tri, các diễn đàn của các cơ quan dân cử, của Quốc hội.

Đại biểu Tạ Minh Tâm cho rằng, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, tiến độ thực hiện một số chương trình, nhiệm vụ, đề án trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, kết quả đổi mới cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều, các nút thắt cơ bản của ngành Nông nghiệp còn chưa được giải quyết, như: Cơ chế chính sách tích tụ đất đai; đổi mới lại phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, cá thể sang phương thức sản xuất quy mô lớn hơn; cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao năng lực phát triển khoa học công nghệ; tốc độ và năng lực chuyển đổi số thấp so với các ngành khác.

Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics cao. Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành Nông nghiệp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu... Vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để, việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đối với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Các số liệu thể hiện kết quả còn thấp. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; làng nghề chưa phát triển mạnh, năng lực hoạt động của Hợp tác xã còn một số hạn chế nhất định.

Trước dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán... và nhiều vấn đề chính sách đặt ra liên quan quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện tăng trưởng xanh, đại biểu Tạ Minh Tâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn trong kinh doanh nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện có, có chính sách đột phá, chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa.

Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ công việc cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, lồng ghép hiệu quả nội dung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, tập trung ở các nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển liên kết gắn với chuỗi giá trị, đầu tư hạ tầng thương mại logistic, quan tâm lồng ghép hiệu quả để phát huy sức mạnh của các nguồn lực đầu tư cho hai lĩnh vực này.

Đẩy nhanh các chương trình, chuyên đề hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 liên quan tổ chức lại sản xuất nông nghiệp còn chậm; sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng coi các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của nhà nước và đầu tư quản lý của tập thể và người dân (đầu tư công - quản trị công cộng). Có cơ chế hiệu quả thúc đẩy và tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.

Tăng cường công tác giám sát, đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực thực hiện các yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp - làm căn cứ điều chỉnh, hoàn thiện chính sách. Hoàn thiện và phát huy hiệu quả theo bộ tiêu chí giám sát đánh giá về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 ban hành tại Quyết định 255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Quang cảnh thảo luận tại hội trường
Quang cảnh thảo luận tại hội trường.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ĐBQH thống nhất, năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, vượt khả năng dự báo, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự sâu sát, cố gắng, quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, sự đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bảo ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, nên nền kinh tế nước ta đã đứng vững, từng bước phục hồi, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, lĩnh vực xã hội, đời sống nhân dân cơ bản đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững, công tác đối ngoại đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, năm 2024 và thời gian còn lại của cả nhiệm kỳ, do tác động bất lợi từ bên ngoài và do những yếu kém nội tại của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị theo dõi sát tình hình trong nước và trên thế giới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận.

Các ĐBQH đề nghị cần phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trước mắt cũng như kiên định các mục tiêu dài hạn, yêu cầu phát triển bền vững để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cân đối thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tác động năng lực tăng trưởng, các động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, điều hành hợp lý giá, lãi suất, kiểm soát hợp lý chất lượng tín dụng.

Nhiều ĐBQH đề cập đến vấn đề trách nhiệm, tinh thần, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức và vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các Bộ trưởng đã tham gia phát biểu về một số vấn đề nổi lên của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tuy nhiên, do thời gian có hạn, chưa thể trả lời đầy đủ các vấn đề mà các đại biểu đã nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng ghi nhận để tiếp tục trả lời, giải trình tại phiên chất vấn tới đây của Quốc hội.

THU HOÀI - MINH TRÍ

 

.
.
.