Hội thảo khoa học quốc tế 'Nguồn lực cho truyền thông chính sách'
Ngày 01/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”.
GS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP |
Tham dự Hội thảo có GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật; TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản; PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học.
Hội thảo góp phần làm sáng tỏ tầm quan trọng của nguồn lực cho truyền thông chính sách, đánh giá nhận thức và thực trạng huy động, bố trí và sử dụng nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả cho công tác này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chủ đề của Hội thảo đề cập đến vấn đề đang được Đảng và Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, trong nhiều yếu tố: con người, chiến lược, mô hình, công nghệ thì nguồn lực là yếu tố quan trọng, đóng vai trò là điều kiện bảo đảm.
Năm 2023 là năm chuyển đổi tư duy và nhận thức về truyền thông chính sách từ Chính phủ đến các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả trong xây dựng, thực thi chính sách.
Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam cho rằng, với sự tiến bộ và phổ biến của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông, bộ mặt của xã hội hiện đại đang thay đổi nhanh chóng. Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cho phép chúng ta kết nối với mọi người từ khắp nơi trên thế giới cũng như có thể tiếp nhận tin tức theo thời gian thực.
Theo Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam, khi xã hội ngày càng phát triển và các thành phần trong xã hội trở nên đa dạng hơn, mức độ tiếp nhận chính sách của các chủ thể chính sách sẽ quyết định sự thành công hay thất bại trong các chính sách của chính phủ. Vì vậy, cần chia sẻ ý kiến và thông tin giữa các bên liên quan trong việc xây dựng và thực hiện chính sách thông qua truyền thông chính sách để từ đó tạo ra sự đồng thuận và hợp tác nhằm đặt nền tảng cho việc hình thành cộng đồng và hiện thực hóa các giá trị xã hội. Tăng cường tiếp nhận chính sách đòi hỏi một loạt các chiến lược truyền thông.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, những năm qua, truyền thông chính sách đã góp phần quan trọng vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần to lớn vào công tác xây dựng Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thông tin về những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội.
Vai trò của truyền thông chính sách không chỉ giới hạn để cung cấp thông tin, mà còn có chức năng giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân; trực tiếp phục vụ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Bên cạnh đó, truyền thông chính sách cũng là một phương thức để bản thân Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quảng bá hình ảnh về một nền hành chính hiện đại, gần dân, sát dân, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, để xây dựng được nguồn lực cho truyền thông chính sách, trước hết, chúng ta phải xây dựng được vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan Nhà nước - đó là vị trí cán bộ truyền thông chính sách.
Hiện nay, chúng ta chưa có vị trí việc làm có tên gọi như vậy, nên các trường đào tạo chưa có chuẩn kỹ năng đầu vào và chuẩn kỹ năng đầu ra của vị trí đó, để có thể mở ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội. Giải pháp xây dựng nguồn lực cho truyền thông chính sách cơ bản vẫn cần tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho truyền thông chính sách thông qua nhiều phương thức khác nhau.
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Minh Sơn: Tăng cường nguồn nhân lực làm truyền thông chính sách cho các cơ quan của Chính phủ - Ảnh: VGP |
Kết luận Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, qua các tham luận và ý kiến trình bày tại Hội thảo, đã làm rõ được thực trạng nguồn nhân lực cho truyền thông chính sách hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải thông qua nhiều phương thức khác nhau để tăng cường nguồn nhân lực làm truyền thông chính sách cho các cơ quan của Chính phủ nơi trực tiếp ban hành các chủ trương, chính sách.
Qua đó, chúng ta nhận thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông chính sách tại các cơ quan Nhà nước là hết sức cần thiết hiện nay. Hội thảo chính là để chúng ta bàn bạc chủ trương, chính sách, giải pháp, kiến nghị để tăng cường nguồn lực cho truyền thông chính sách.
Theo Ban tổ chức, trong 8 năm qua, hội thảo khoa học quốc tế về truyền thông chính sách đã trở thành diễn đàn khoa học quan trọng, có uy tín trong giới nghiên cứu và thực hành truyền thông chính sách. Kết quả của 8 hội thảo phục vụ trực tiếp công tác nghiên cứu, giảng dạy truyền thông chính sách tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và công tác truyền thông chính sách tại các cơ quan báo chí - truyền thông. Hơn 400 bài nghiên cứu công bố trong 8 hội thảo đã góp phần làm rõ lý luận về truyền thông chính sách, đặt nền tảng và định hướng hoạt động này trong thực tiễn.
Theo baochinhphu.vn