.
KỶ NIỆM 203 NĂM NGÀY SINH PH.ĂNG-GHEN (28-11-1820 -28-11- 2023)

Ph.Ăng-ghen và di sản về tấm gương nhân hậu, thủy chung, khiêm nhường trong cuộc sống

Cập nhật: 13:22, 27/11/2023 (GMT+7)

Friedrich Engels (được phiên âm tiếng Việt là Phriđrich Ăngghen - gọi tắt là Ph.Ăng-ghen) là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, đã cùng Karl Marx (Các Mác) xây dựng nên lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ông sinh ngày 28-11-1820 ở Ba-rơ-men, tỉnh Rê-na-ni, Vương quốc Phổ (nước Đức), đã từ trần ngày 5-8-1895 tại Luân Đôn (Anh).

Tình bạn thủy chung, son sắt của Các Mác và Ph. Ăng-ghen - Tranh: Tư liệu (nguồn: tapchicongsan.org.vn).
Tình bạn thủy chung, son sắt của Các Mác và Ph. Ăng-ghen - Tranh: Tư liệu (nguồn: tapchicongsan.org.vn).

Ông là người bạn, người đồng chí, người cộng sản gần gũi nhất của Các Mác, đã cùng Các Mác sáng lập nên chủ nghĩa Mác, học thuyết khoa học và cách mạng, trở thành hệ tư tưởng của giai cấp  công  nhân toàn thế giới trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. V.I.Lênin cho rằng: “Không thể hiểu chủ nghĩa Mác và không thể trình bày chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh nếu không chú ý đến những tác phẩm của Ph.Ăng-ghen”.

Ph.Ăng-ghen đã để lại cho giai cấp vô sản thế giới một di sản to lớn, trong đó, di sản về tấm gương nhân hậu, thủy chung, khiêm nhường của Ph.Ăng-ghen trong cuộc sống. Sinh ra và lớn lên trong dòng tộc tư sản lớn có sở sản xuất, cơ sở buôn bán trong và ngoài nước, Ph.Ăng-ghen hoàn toàn có điều kiện sống một cuộc sống giàu sang nếu ông nghe theo, làm theo ý muốn của cha mình.

Song, Ph.Ăng-ghen đã không làm như vậy bởi ngay từ khi còn rất trẻ ông đã sớm nhận thấy vẻ đẹp của vùng đồi núi quê hương ông hoàn toàn trái ngược với cảnh khổ cực của những người thợ dệt vải, dệt kim mà nhiều người phải tìm sự lãng quên khổ cực ấy trong các ly rượu mạnh.

Ông căm giận khi những chủ xưởng giàu có, bề ngoài ra vẻ mộ đạo, siêng năng đi lễ nhà thờ nhưng lại bắt trẻ con làm việc cực nhọc cả ngày để kiếm vài xu, để chúng chết dần, chết mòn cùng cha mẹ chúng đang bị vắt kiệt sức trong các xí nghiệp.

Những cảnh tượng ấy đeo bám ông, ám ảnh ông suốt cả cuộc đời. Ông yêu thích Dichprit, Telơ, Phauxtơ vì trong văn học Đức, theo ông, đây là những nhân vật tiêu biểu cho cuộc đấu tranh chống áp bức, những nhân vật tượng trưng cho lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng hy sinh cũng như lòng khao khát hiểu biết.

Ông coi đó là những tấm gương và dự định sẽ hướng cuộc đời của mình theo tinh thần của họ, trung thành với lý tưởng nhân đạo và tự do mà họ đã đấu tranh và sẵn sàng chịu đựng để đạt được nó. Với lý tưởng như vậy, từng bước, từng bước ông đến với giai cấp vô sản, gắn bó với họ, thủy chung chiến đấu vì cuộc sống của họ cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Trái tim của nhà bác học, người thầy lỗi lạc bậc nhất của giai cấp vô sản Ph.Ăng-ghen đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 5-8-1895. Nói về ông, V.I.Lênin đã khẳng định:

Ph.Ăng-ghen là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại. Mặc dù đã qua đời đã lâu, nhưng đến nay, Ph.Ăng-ghen vẫn luôn là vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc thiên tài trong lịch sử nhân loại.

Đối với bạn bè, tấm lòng nhân hậu, thủy chung, khiêm nhường của Ph.Ăng-ghen cũng luôn mẫu mực. Quan hệ với Các Mác và gia đình Các Mác là ví dụ điển hình. Ông và Các Mác gắn bó với nhau trước hết và quan trọng nhất vì tư tưởng, lý tưởng của các ông thống nhất với nhau nhưng gia cảnh của các ông thì rất khác nhau.

Từ năm 1849 cho đến năm 1883 (năm Các Mác từ trần), Các Mác và gia đình sống ở Luân Đôn. Đây là thời gian tư tưởng về các lĩnh vực của Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã bước vào giai đoạn phát triển, nhiều lĩnh vực đã chín muồi và sự chống phá về tư tưởng của các thế lực thù địch với giai cấp vô sản cũng diễn ra rất khốc liệt.

Việc thể hiện thành tác phẩm những tư tưởng khoa học về cách mạng vô sản và chống các luận điểm mị dân, xuyên tạc của các học giả tư sản là nhu cầu rất cấp thiết nhưng đây cũng lại là thời kỳ gia đình Các Mác cực kỳ khó khăn về kinh tế. Có lúc “các chủ hiệu bánh mì, hiệu thuốc, hàng thịt cầm hóa đơn kéo đến tụ tập trước cửa...”.

Trong bối cảnh ấy, Ph.Ăng-ghen luôn là người chung lưng gánh vác cùng Các Mác. Tháng tháng, vào những ngày nhất định, Ph.Ăng-ghen lại gửi tiền về Luân Đôn cho gia đình Các Mác. Đối với gia đình Các Mác, sự giúp đỡ tài chính thường xuyên của Ph.Ăng-ghen là sự cần thiết sống còn. Chỉ có sự giúp đỡ đó mới cho phép Các Mác vượt qua sự thiếu thốn về kinh tế để hoàn thành các tác phẩm của mình. Ngay cả trước khi từ trần, trong di chúc, Ph.Ăng-ghen cũng không quên để lại một phần tài sản của mình cho những người thân trong gia đình Các Mác.

Sự giúp đỡ của Ph.Ăng-ghen đối với Các Mác không thuần túy chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Khi Các Mác từ trần, bộ “Tư bản” được đánh giá là bộ kinh điển mẫu mực thể hiện quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về xã hội, được Các Mác coi là “sự nghiệp của cuộc đời mình” mới xuất bản được tập I vào năm 1867, các tập còn ở dạng bản thảo viết tay của Các Mác.

Nếu không xuất bản thành sách, những nội dung còn lại của “Tư bản” sẽ bị xuyên tạc. Vì lợi ích của giai cấp vô sản và cũng vì Các Mác, Ph.Ăng-ghen đã dừng tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” - tác phẩm đang chuẩn bị dang dở của mình - tập trung hơn 10 năm còn lại của cuộc đời để chỉnh lý, bổ sung nội dung và bỏ tiền của mình xuất bản được tập II vào năm 1885, tập III vào năm 1894.

Bằng việc xuất bản tập II và tập III của bộ “Tư bản”, Ph.Ăng-ghen đã dựng cho người bạn của mình một tượng đài trang nghiêm, vĩnh cửu mà trên tượng đài đó, Ph.Ăng-ghen không ngờ ông cũng đã để lại tên ông bằng những nét vàng không bao giờ phai nhạt.

Từ đây, lý luận của giai cấp vô sản gồm 3 bộ phận cấu thành do Các Mác và Ph.Ăng-ghen xây dựng ở thế kỷ XIX đã hình thành trọn vẹn. Thông thường, theo truyền thống của nhân loại, tên của các nhà phát minh sẽ được đặt cho phát minh nhưng ngay từ năm 1883 - năm Các Mác từ trần, khi nhiều ý kiến đề xuất tên của hai người là tên của lý luận, Ph.Ăng-ghen đã rất khiêm nhường bày tỏ quan điểm của mình với nội dung là: “Tôi không hề phủ nhận công lao của tôi trong 40 năm cộng tác với Mác, nhưng những gì tôi đã làm thì không có tôi Mác vẫn có thể làm được, còn những gì Mác đã làm thì tôi và chúng ta chưa thể nào làm được, Mác đứng cao hơn tôi một cái đầu, nhìn xa hơn tôi một tầm, Mác là thiên tài còn chúng ta giỏi lắm chỉ là người có tài mà thôi, tôi chỉ xứng đáng là cây vĩ cầm thứ hai đứng bên cạnh Mác, bởi vậy học thuyết này xứng đáng được mang tên của Mác”.

Kỷ niệm 203 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen, chúng ta càng trân trọng trước tài năng tuyệt vời, công lao to lớn của ông đã đóng góp cho nhân loại cần lao; đồng thời, hết sức trân trọng và học tập ở ông đức khiêm tốn, lòng cao thượng, lòng tận tụy và sự thủy chung tuyệt vời trong tình bạn.

NHƯ LÊ (tổng hợp)

.
.
.