Kỳ vọng Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn
(ABO) Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) vào ngày mai (27-11).
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự án luật lớn, khó, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội, kinh tế vĩ mô của quốc gia. Xoay quanh những điểm mới của dự án luật này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang.
* Phóng viên: Ngày mai (27-11), Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu có nhận định như thế nào về quá trình chuẩn bị cũng như tiến hành tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua?
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm. |
* Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm: Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự án luật lớn, khó, có nhiều nội dung phức tạp. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau kỳ họp, qua quá trình tiếp tục hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận về dự án luật. Dự thảo luật đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.
Tôi đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) của UBTVQH đã tổng hợp và tiếp thu cơ bản các ý kiến của ĐBQH và của các Ủy ban của Quốc hội, Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn như chỉnh lý về nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này.
Đặc biệt đã tiếp thu, đưa nội dung về quyền có chỗ ở vào quy định và cụ thể hóa quyền này bằng các chính sách trực tiếp và gián tiếp tại các điều, khoản của dự thảo luật. Đây là quy định quan trọng nhằm cụ thể hóa tinh thần của điều 22 Hiến pháp năm 2013: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
* Phóng viên: Một trong những điểm mới của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được nhiều cử tri quan tâm là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Quan điểm của đại biểu về nội dung này như thế nào?
* Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm: UBTVQH tán thành cần tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Tôi đồng tình với Phương án 1: Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện dự án nhà ở của chủ thể này để nâng cao tính khả thi.
Tuy nhiên, theo phương án này thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có giải pháp cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài; đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở xã hội...
* Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì khi dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được biểu quyết thông qua?
* Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm: Bên cạnh những vấn đề mà cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trình một cách cặn kẽ thì vấn đề lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật này vẫn cần được tiếp tục quan tâm. Do phạm vi điều chỉnh của dự án luật này, bên cạnh phạm vi về sở hữu, luật này còn quy định về phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.
Do vậy, để đảm bảo bình đẳng, không phân biệt đối xử khi thực hiện các chức năng này, thì đề nghị bổ sung 1 khoản vào điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm nội dung “Phân biệt đối xử về giới trong phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở”.
Tôi cho rằng, đây là những đối tượng bị tổn thương nặng nề cả về thể chất và tinh thần. Việc nhà nước có chính sách để đảm bảo chỗ ở ổn định cho các đối tượng này sẽ là điều kiện quan trọng giúp họ hồi phục, tái hòa nhập cộng động sau những sang chấn về thể chất, tinh thần.
Có thể nói, quá trình xây dựng; cho ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Việc xây dựng và ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan. Do đó, tôi kỳ vọng dự án luật được thông qua sẽ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Đặc biệt với nhiều chính sách mới được quy định tại dự thảo luật sẽ sớm phát huy được hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.
* Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!
T.H - M.T